VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển
Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 3357/BGTVT-KCHT ngày 11/04/2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:
- Danh mục tuyến thực hiện nạo vét theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc
Điều 4 của Dự thảo quy định Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt danh mục các tuyến luồng hàng hải công cộng thực hiện nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có quy định về việc công bố danh sách này để các doanh nghiệp được biết để chuẩn bị tham gia đấu thầu. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công bố danh mục, hình thức công bố và thời gian công bố. Đồng thời, nên có quy định về độ trễ nhất định nhằm giúp các doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị tham gia.
- Hình thức khoán chuẩn tắc
Nạo vét theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc được coi là phương án mới, giúp tăng hiệu quả quản trị nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho công tác nạo vét. Hình thức này sẽ chuyển các trách nhiệm tính toán, phòng ngừa rủi ro, và tự chịu trách nhiệm từ phía Nhà nước sang cho nhà thầu. Tuy nhiên, các quy định của Dự thảo lại chưa thực sự cụ thể hoá chủ trương này khi mà phía Nhà nước (Cục Hàng hải và Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải) vẫn phải thực hiện rất nhiều các công việc quá chi tiết, vừa không cần thiết lại ảnh hưởng đến quyền tự chủ thi công của nhà thầu. Cụ thể, Nhà nước vẫn phụ trách các công việc như tìm kiếm và xin cấp phép vị trí đổ chất nạo vét; thuê tư vấn thiết kế; lập và phê duyệt thiết kế, dự toán, chi phí thi công; thuê tư vấn lập và xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thêm vào đó, Điều 9 của Dự thảo vẫn đưa ra thời gian phát hiện vị trí cạn và thời gian ân hạn để nhà thầu khắc phục. Rủi ro thời tiết vẫn chưa được chuyển giao toàn bộ cho nhà thầu. Các quy định như vậy chưa tận dụng triệt để ưu điểm của phương pháp khoán chuẩn tắc. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc phân định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ giữa Nhà nước và nhà thầu theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà thầu, Nhà nước chỉ tập trung kiểm soát đầu ra. Cụ thể như sau:
- Trong giai đoạn chuẩn bị dự án, phía Nhà nước thực hiện các nghiên cứu để xác định 2 vấn đề: (1) xác định chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng và (2) xác định giá khởi điểm để đấu thầu. Nhà nước không cần đi chi tiết vào các phương án thi công cụ thể.
- Dựa trên chuẩn tắc và giá khởi điểm, tiến hành mời thầu và thực hiện đấu thầu theo quy định.
- Trong giai đoạn thi công và suốt quá trình thực hiện hợp đồng, Nhà nước chỉ cần giám sát xác định luồng tuyến luôn đạt chuẩn tắc mà không cần giám sát quá chi tiết như nhật ký thi công, phương án điều động phương tiện, giám sát phương tiện của nhà thầu.
- Trong trường hợp phát hiện luồng tuyến không đáp ứng chuẩn tắc thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm khắc phục và chịu phạt hợp đồng. Mức phạt hợp đồng tương ứng với khoảng thời gian không đáp ứng chuẩn tắc, mức giá trúng thầu phải đủ lớn để nhà thầu có động lực khắc phục nhanh chóng. Mức phạt hợp đồng có thể được quy định rõ luôn trong Thông tư này, không cần thiết phải thoả thuận theo từng công trình.
- Các rủi ro về thời tiết sẽ do nhà thầu chịu và không được coi là căn cứ miễn trách. Quy định này sẽ khiến các nhà thầu luôn phải chủ động lên phương án phòng ngừa rủi ro thời tiết (đổi lại thì giá trị gói thầu có thể tăng nhất định).
- Thời hạn hợp đồng và trường hợp thay đổi nhà thầu
Dự thảo chưa có quy định về việc xác định thời hạn hợp đồng, tương ứng với khoảng thời gian mà nhà thầu phải duy trì chuẩn tắc. Nếu thời gian hợp đồng ngắn sẽ làm tăng rủi ro kinh doanh cho nhà thầu, khiến họ ngần ngại đầu tư. Nhưng nếu thời gian hợp đồng quá dài thì sẽ thì sẽ rủi ro cho phía Nhà nước khi gặp phải doanh nghiệp không thực hiện tốt công việc. Để xử lý vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng như sau:
- Quy định rõ thời hạn tối thiểu của hợp đồng nhằm bảo đảm sự ổn định kinh doanh cho nhà thầu. Thời hạn này nên được tính trên đơn vị vài năm tương ứng với giá trị khoản đầu tư phương tiện.
- Quy định rõ các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng và điều kiện thay đổi nhà thầu khi nhà thầu cũ không đáp ứng chuẩn tắc (ví dụ như thời gian không đạt chuẩn tắc vượt quá một ngưỡng nhất định
- Nội dung hợp đồng chuẩn tắc
Điều 25 của Dự thảo quy định về nội dung hợp đồng thi công. Tuy nhiên, các nội dung của Điều 25 hiện rất sơ sài. Điều này vừa khiến cán bộ thực thi gặp khó khăn khi đàm phán hợp đồng cụ thể, lại tạo cơ hội cho nhũng nhiễu tiêu cực. Hơn nữa, Điều 25.2 của dự thảo lại đang quy định về trách nhiệm hành chính, chứ không phải là trách nhiệm dân sự (trái chủ). Nội dung của hợp đồng chỉ nên dẫn chiếu chứ không nên quy định trực tiếp những trách nhiệm hành chính. Đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng một mẫu hợp đồng (có thể để ở hình thức phụ lục của Thông tư này), với đầy đủ các nội dung của một hợp đồng hoàn chỉnh. Mẫu hợp đồng này sẽ gồm những điều khoản cứng mà các bên không được phép đàm phán đối với từng dự án cụ thể, và các điều khoản linh hoạt theo từng dự án, từng nhà thầu.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.