VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 4263/BTC-CST ngày 09/04/2019 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:
- Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt
Điều 6.1 của dự thảo đưa ra 2 phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn, sơ sở đào tạo, nghiên cứu, sơ sở kinh doanh, dịch vụ khác. Phương án 1 giữ nguyên mức thuế 10% như hiện tại. Phương án 2 tăng lên mức 15%.
Hiện nay, biểu giá nước sạch do các địa phương ban hành đều đã có sự phân biệt giữa các nhóm người sử dụng như hộ gia đình, đơn vị hành chính và đơn vị kinh doanh, dịch vụ. Ví dụ, theo Thông báo 1268/NS-TB ngày 01/09/2015 của của Công ty nước sạch VIWACO thì các khách hàng tại khu vực Tây Nam Hà Nội thì giá nước dành cho các cơ sở sản xuất là 13.357 đồng/m3, cơ sở kinh doanh dịch vụ là 25.387 đồng/m3, đơn vị hành chính sự nghiệp là 11.448 đồng/m3, các hộ gia đình chủ yếu ở mức 6.869 đến 9.969 đồng/m3. Tại các địa phương khác, dù có sự khác biệt về mức giá cụ thể, song giá nước sạch dành cho cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ luôn cao hơn các cơ sở hành chính, sự nghiệp và hộ gia đình.
Như vậy, tương ứng với mức phí bảo vệ môi trường 10% thì xét về giá trị tuyệt đối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã phải trả phí nhiều hơn so với các nhóm chủ thể khác. Do đó, việc tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là không cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo chọn Phương án 1 như trong dự thảo.
- Mức phí cố định
Dự thảo quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp gồm mức phí cố định cộng với phí biến đổi. Trong đó, phí cố định được là 2 triệu đồng/năm còn phí biến đổi phụ thuộc vào khối lượng và mức độ độc hại của chất thải. Quy định này sẽ dẫn đến việc một số cơ sở sản xuất (quy định tại Điều 2.2 của Dự thảo) dù không xả bất kỳ một giọt nước thải nào ra môi trường cũng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Điều 148.2 của Luật Bảo vệ môi trường quy định mức phí bảo vệ môi trường được quy định dựa trên 3 cơ sở (1) khối lượng chất thải, quy mô tác động đến môi trường; (2) mức độ độc hại của chất thải; và (3) sức chịu tải của môi trường. Các tiêu chí này chỉ phù hợp với phần phí biến đổi, mà không phù hợp với phần phí cố định. Phần chi phí cố định không phản ánh bất kỳ một tác động nào đến môi trường. Nói cách khác, việc đưa phần phí cố định vào công thức tính tại dự thảo này là không phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ phần phí cố định ra khỏi tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
- Mức phí biến đổi
Theo quy định tại Dự thảo, mức phí biến đổi được tính dựa trên khối lượng và loại chất ô nhiễm trong chất thải. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là một doanh nghiệp sẽ vẫn phải nộp phí bảo vệ môi trường kể cả khi họ xử lý nước thải đến mức sạch như chất lượng nước uống dành cho người, bởi trong nước uống vẫn có một lượng nhất định các chất gây ô nhiễm dù hàm lượng rất nhỏ ở mức cho phép.
Trong việc quản lý chất lượng nước, có hai loại quy chuẩn là quy chuẩn nước mặt và quy chuẩn nước thải. Quy chuẩn nước mặt được coi là phản ánh ngưỡng an toàn tự nhiên của chất lượng môi trường xung quanh. Nếu nước thải của một doanh nghiệp có chất lượng tốt hơn quy chuẩn nước mặt tức là nước thải này không gây tác động xấu đến môi trường nơi tiếp nhận. Ví dụ, một doanh nghiệp xả thải ra một con sông ở khu vực B2. Nước thải của doanh nghiệp có chất lượng hoàn toàn tương đương với chất lượng nước của con sông đó thì không thể gây ô nhiễm cho nước sông và không nên tính phí trong trường hợp này. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo, giả sử với lưu lượng nước thải 1000m3/ngày thì doanh nghiệp vẫn phải nộp phí ở mức 171,55 triệu đồng mỗi năm.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh công thức tính mức phí biến đổi trong đó cho phép trừ đi khối lượng các thông số tính phí tương ứng với các thông số này tại quy chuẩn nước mặt. Theo đó, nếu một doanh nghiệp xử lý nước thải tốt, đạt quy chuẩn nước mặt thì sẽ không phải nộp phí bảo vệ môi trường. Còn nếu chất lượng nước thải của doanh nghiệp có thông số ô nhiễm vượt quá chất lượng nước mặt thì sẽ phải chịu phí trên phần vượt quá này.
Hơn nữa, quy định này sẽ khiến số tiền phí bảo vệ môi trường phải nộp phụ thuộc vào địa điểm xả thải. Doanh nghiệp ở khu vực B2 sẽ phải nộp số tiền thấp hơn doanh nghiệp ở khu vực A1 dù có chất lượng và khối lượng nước thải giống hệt nhau. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy tại những nơi ít nhạy cảm về môi trường, có sức chịu tải tốt hơn, phù hợp với Điều 148.2.c của Luật Bảo vệ môi trường. Theo tính toán, nếu cơ sở có lưu lượng nước thải 1000m3/ngày thì sẽ tiết kiệm được 137,24 triệu đồng mỗi năm nếu xây dựng ở khu vực B2 thay vì khu vực A1.
Đối với những cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải công nghiệp thấp (dưới 20m3/ngày) thì không cần thiết phải tiến hành đo chất lượng nước thải mà chỉ cần thu phí theo lưu lượng nước thải tương ứng với các mức tại Điều 6.2.d của Dự thảo.
- Mức phí đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản
Điều 6.2.e của Dự thảo quy định các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phải nộp phí theo mức 2.000.000 đồng/năm đối với tổ chức và 1.000.000 đồng/năm đối với cá nhân, hộ gia đình. Việc phân biệt mức phí theo loại chủ thể kinh doanh (tổ chức với cá nhân, hộ gia đình) như vậy là chưa hợp lý vì loại chủ thể kinh doanh không liên quan đến tác động môi trường của hoạt động kinh doanh. Không có mối liên hệ nào để suy luận rằng một tổ chức nuôi trồng thuỷ sản sẽ gây ô nhiễm hơn một cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản. Hơn nữa, quy định theo cách này sẽ làm giảm động lực của các hộ gia đình nuôi trồng lớn chuyển đổi lên hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, bài bản, chuyên nghiệp như chính sách quan trọng của Chính phủ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng: (1) không có sự phân biệt theo loại chủ thể kinh doanh; (2) cân nhắc phân biệt theo diện tích mặt nước nuôi trồng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.