VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị y tế và mỹ phẩm
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về hoạt động chăn nuôi
Kính gửi: Cục Chăn nuôi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 7091/BNN-CN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về hoạt động chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Về thủ tục kê khai
- Về phương thức kê khai: Điều 6 Dự thảo quy định về thời gian và biểu mẫu kê khai, nhưng lại không quy định về phương thức kê khai thế nào: gửi trực tiếp đến ủy ban nhân dân cấp xã hay thông qua phương tiện điện tử. Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
- Về tần suất kê khai: Khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định “Cơ sở chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi 01 quý/lần, từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối cùng trong quý”. Trong Danh mục số lượng vật nuôi phải kê khai, có những loại vật nuôi, cơ sở chăn nuôi chỉ nuôi 01 con cũng phải kê khai (ví dụ: chó, mèo, hươu sao, nai, trâu, bò, ngựa …). Với quy định này thì những cơ sở chăn nuôi nuôi vật nuôi với số lượng ít, chỉ để làm cảnh hoặc không phải mục đích kinh doanh, không biến động về số lượng, vẫn phải hàng quý kê khai sẽ gây khó khăn, phiền phức về thủ tục. Để đơn giản hóa thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo quy định các chủ thể chỉ phải kê khai nếu có biến động về số lượng vật nuôi so với thời điểm kê khai trước.
- Về chỉ định đơn vị đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo hoặc cấy truyền phôi cho trâu, bò, dê, cừu, ngựa
Điều 7 Dự thảo quy định về chỉ định đơn vị đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo hoặc cấy truyền phôi cho trâu, bò, dê, cừu, ngựa cụ thể:
- Cơ quan có thẩm quyền chỉ định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với tổ chức thuộc Bộ); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với tổ chức trên địa bàn);
- Điều kiện để tổ chức được chỉ định
- Trình tự thủ tục được chỉ định
Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Tính thống nhất: Không rõ căn cứ pháp lý để Dự thảo quy định về vấn đề này. Điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Chăn nuôi trao quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về “chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo hoặc kỹ thuật cấy truyền phôi”. Trong khi đó quy định này và các quy định khác tại Dự thảo không quy định về loại chứng chỉ này mà lại quy định về điều kiện, các thủ tục chỉ định đơn vị đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo hoặc cấy truyền phôi cho một số động vật cụ thể. Như vậy, quy định này là chưa phù hợp với Luật Chăn nuôi;
- Tính pháp lý: các yêu cầu đơn vị được chỉ định phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh. Việc Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.
- Tính minh bạch[1]: Quy định tại Điều 7 có một số điểm chưa rõ ràng, cụ thể
- Về điều kiện: Các quy định về điều kiện tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo có tính chất chung chung, có thể tạo ra nhiều cách hiểu giữa các đối tượng áp dụng và trao nhiều quyền có tính chất suy đoán cho cán bộ thực thi, ví dụ: như thế nào được xem là “có đủ tài liệu đào tạo lý thuyết và thực hành phù hợp”; “có đủ nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo lý thuyết và thực hành”?
- Về hồ sơ: điểm a khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định trong Hồ sơ phải có “Nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo lý thuyết, thực hành”. Quy định này là chưa rõ về loại tài liệu thể hiện điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo.
- Về trình tự, thủ tục chỉ định: Quy định tại Điều 7 chưa rõ ở một số giai đoạn trong trình tự, thủ tục chỉ định: i) thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Việc thiếu vắng quy định này sẽ khiến cho tổ chức nộp hồ sơ phải thực hiện bổ sung hồ sơ nhiều lần và quy trình thủ tục bị kéo dài; ii) thời hạn đưa ra bản kết quả đánh giá đủ điều kiện. Dự thảo mới chỉ quy định thời hạn thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế mà chưa quy định về thời hạn có kết quả đánh giá.
- Điểm c khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định “trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc sau khi có kết quả đánh giá đủ điều kiện, Cục Chăn nuôi hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định chỉ định và thông báo cho các địa phương để chủ động lựa chọn”. Không rõ các địa phương chủ động lựa chọn các tổ chức đào tạo được chỉ định để làm gì?
- Điều 7 Dự thảo được hiểu là hướng dẫn chi tiết điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Chăn nuôi về chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo hoặc kỹ thuật cấy truyền phôi, tuy nhiên quy định này vẫn chưa làm rõ được: chứng chỉ này do chủ thể nào cấp (cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay cơ sở đào tạo)? Tiêu chí nào để được cấp chứng chỉ này (ai cũng có thể tham gia khóa đào tạo của cơ sở đào tạo hay là phải có điều kiện về năng lực chuyên môn, trình độ học vấn nào đó mới được tham gia vào khóa đào tạo)? Trình tự thủ tục để được cấp chứng chỉ như thế nào?
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bỏ quy định tại Điều 7
- Hướng dẫn chi tiết về chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo hoặc kỹ thuật truyền phôi trong đó làm rõ các nội dung: chủ thể được cấp chứng chỉ, chủ thể cấp chứng chỉ, trình tự thủ tục cấp chứng chỉ.
- Về quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại
Điều 8 Dự thảo quy định cụ thể khoảng cách an toàn giữa trang trai chăn nuôi với các đối tượng khác như: trường học, khu dân cư, bệnh viện, chợ … Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định giải quyết cho trường hợp, ban đầu trang trại chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn, nhưng sau đó các đối tượng khác như chợ, khu dân cư … di chuyển khiến cho khoảng cách an toàn này không đáp ứng. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ về vấn đề này và hướng xử lý.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về hoạt động chăn nuôi. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Góp ý này chỉ tập trung vào tính minh bạch của quy định