VCCI_Góp ý Tờ trình Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không
Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 9771/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Về việc điều chỉnh tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển để tương thích với Công ước Mông-rê-an 1999.
Theo giải trình của Ban soạn thảo tại Tờ trình thì việc tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển xuất phát từ việc “ngày 28/6/2019 ICAO đã có thư số LE 3/38.1 – 19/50 gửi các quốc gia thành viên Công ước Mông-rê-an về xin ý kiến các mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển (dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/12/2019)”.
Như vậy, việc xây dựng Nghị định này được hiểu là để nội luật hóa quy định của Công ước một khi đề xuất này của ICAO có hiệu lực. Khi đó, với tư cách là nước thành viên Công ước, việc Việt Nam đưa quy định này vào pháp luật nội địa với mức giới hạn trách nhiệm bồi thường phù hợp với Công ước là điều bắt buộc và hầu như không có gì cần thảo luận (về mức này). Do đó, thông tin quan trọng ở đây là về ý kiến của Việt Nam và cơ chế có hiệu lực của Công ước này.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ trong Tờ trình các nội dung sau:
- Việt Nam đã có ý kiến đối với đề xuất tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển này của ICAO chưa? Nếu đã có thì ý kiến của Việt Nam như thế nào? Nếu chưa có thì cơ quan chức năng đã tổ chức lấy ý kiến các chủ thể liên quan (doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hàng không) cho đề xuất này của ICAO chưa?
Ý kiến bình luận với đề xuất của ICAO mới có ý nghĩa (chứ không phải bình luận Dự thảo Nghị định này).
- Cơ chế thông qua đề xuất mức tăng giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển theo Công ước Mông-rê-an thế nào?
Thông tin này rất quan trọng để xác định đề xuất này của ICAO có hiệu lực hay không và từ đó xác định (i) Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Nghị định này có phù hợp không? Và (ii) Thời điểm có hiệu lực của Nghị định này.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.