VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Thứ Năm 16:47 11-06-2020

Kính gửi: Cục Giám sát kế toán, kiểm toán

Trả lời Công văn số 5040/BTC-QLKT ngày 24/04/2020 của Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:

  1. Mối quan hệ giữa kiểm tra và thanh tra

Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán theo quy định tại Điều 71.2.đ của Luật Kế toán. Tuy nhiên, cũng theo Điều 71.2.h và Điều 69.6.c của Luật Kế toán thì ngoài kiểm tra còn có thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về kế toán, hoạt động hành nghề kế toán. Như vậy, có thể dẫn đến cách hiểu là hoạt động kiểm tra tách biệt với hoạt động thanh tra. Ngoài việc bị kiểm tra theo quy định tại Dự thảo Thông tư này, các doanh nghiệp và kế toán viên còn bị thanh tra hoạt động dịch vụ kế toán. Nếu hiểu như vậy thì sẽ dẫn đến trùng lặp không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán và kế toán viên chỉ bị kiểm tra mà không bị thanh tra về hoạt động dịch vụ kế toán.

  1. Ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng dịch vụ kế toán

Dự thảo chưa quy định rõ về việc kiểm tra đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán có ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng dịch vụ kế toán của đơn vị đó hay không. Ví dụ, khi kiểm tra hợp đồng dịch vụ kế toán, hồ sơ kế toán thì Đoàn kiểm tra có yêu cầu phía khách hàng phải phối hợp, cung cấp tài liệu không? Việc kiểm tra này cần hết sức tránh làm ảnh hưởng đến phía khách hàng sử dụng dịch vụ, vì điều này có thể khiến đơn vị cung cấp dịch vụ mất khách hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ trong quy trình kiểm tra là đoàn kiểm tra không được yêu cầu khách hàng phối hợp hay cung cấp tài liệu.

  1. Trường hợp kiểm tra đột xuất

Điều 4.2.2.b quy định việc kiểm tra đột xuất nhằm “xác minh thông tin phát hiện thông qua quản lý, giám sát hoạt động dịch vụ kế toán”. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định theo hướng chỉ khi nào thông tin phát hiện thông qua quản lý, giám sát dịch vụ kế toán cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới là căn cứ để kiểm tra đột xuất.

Thêm vào đó, khi kiểm tra đột xuất thì trong Quyết định kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật là gì hoặc đính kém đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan và gửi cho đơn vị bị kiểm tra một bản sao.

  1. Hoạt động tự kiểm tra của đơn vị dịch vụ kế toán

Điều 6.1 và Điều 7.1 của Dự thảo có quy định về hoạt động tự kiểm tra của đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Các nội dung về hoạt động tự kiểm tra nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Do Thông tư này nhằm hướng dẫn Điều 71.2.đ của Luật Kế toán về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 6.1 và Điều 7.1 của Dự thảo.

  1. Công bố danh sách đơn vị dịch vụ kế toán bị kiểm tra hàng năm

Dự thảo đã có quy định về việc công bố công khai danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán trong năm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định về thời điểm công bố. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung.

  1. Lựa chọn đơn vị dịch vụ kế toán bị kiểm tra định kỳ

Kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực quản lý khác cho thấy, việc lựa chọn đối tượng kiểm tra cũng có thể phát sinh tiêu cực. Cơ quan kiểm tra có thể sẽ đưa ra danh sách “dự kiến” đơn vị bị kiểm tra trong năm. Các đơn vị này có thể sẽ tìm cách tác động để được loại ra khỏi danh sách chính thức. Để ngăn chặn nguy cơ này, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra nguyên tắc quản lý rủi ro và sử dụng máy tính (không phải con người) để lựa chọn ngẫu nhiên các đối tượng khi lập danh sách đơn vị bị kiểm tra hàng năm.

  1. Lựa chọn hợp đồng dịch vụ kế toán để kiểm tra

Điều 9.1.c quy định đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra các hợp đồng dịch vụ kế toán, các hồ sơ kế toán đã phát hành báo cáo dịch vụ tổng hợp. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa được ra quy định về số lượng, phương pháp lựa chọn hồ sơ để kiểm tra. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ kiểm tra quá nhiều không cần thiết, hoặc tình trạng doanh nghiệp tác động để đoàn kiểm tra lựa chọn các hồ sơ “đẹp”. Kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực quản lý khác cho thấy, việc lựa chọn này cần được quy định về số lượng tối đa (ví dụ không quá 2% số hồ sơ đã phát hành) và phương pháp lựa chọn nên là ngẫu nhiên có kết hợp tiêu chí quản lý rủi ro và do máy tính chọn thay vì con người. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định này.

  1. Giai đoạn sau kiểm tra

Dự thảo chưa có quy định về thời hạn kể từ khi kết thúc kiểm tra cho đến khi cơ quan kiểm tra phải ra kết luận kiểm tra và thông báo cho đơn vị bị kiểm tra. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.