VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Thứ Ba 13:53 09-06-2020

Kính gửi: Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 3361/NHNN-TT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về hồ sơ mở tài khoản thanh toán

Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 12 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN) quy định về thành phần hồ sơ mở tài khoản thanh toán đối với tổ chức như sau: “Bản sao các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp và quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán kèm bản sao giấy tờ xác minh thông tin của của những người đó”.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 của Điều 12, các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 12 Dự thảo là bản chính hoặc bản sao. Như vậy, việc quy định thêm về giá trị pháp lý của giấy tờ tại khoản 2 điều 12 là chồng chéo, trùng lặp với quy định tại khoản 4 điều 12. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đ nghị ban soạn thảo bỏ từ “bản sao” tại điểm c khoản 2 điều 12 Dự thảo.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 12 yêu cầu về giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán đối với trường hợp mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 là bản số hoá; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hoá giấy tờ tuỳ thân. Quy định này không rõ ở các điểm:

  • Thế nào là “bản số hóa”? Khái niệm này có thể bị hiểu khác nhau trên thực tế.
  • Điểm b khoản 2 Điều 14 Dự thảo chỉ đưa ra các yêu cầu đối với hệ thống thông tin của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin của khách hàng mà không đề cập cụ thể về phạm vi, tài liệu cần số hóa trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán khi không gặp mặt trực tiếp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ khái niệm “bản số hóa” và các giấy tờ cần số hóa trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán khi không gặp mặt trực tiếp để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

  1. Về thủ tục mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng (Khoản 4, Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Điều 14 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN)

Về việc xác minh thông tin của khách hàng

Dự thảo quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ để kiểm tra tính chính xác giữa thông tin nhận biết khách hàng (trong đó bao gồm các yếu tố sinh trắc học) với các yếu tố, thông tin trên giấy tờ tùy thân của khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng khác.

Quy định trên cần làm rõ ở các điểm sau:

  • Không rõ các yếu tố sinh trắc học ở đây bao gồm những thông tin gì? Yếu tố sinh trắc học chỉ bao gồm nhận diện vân tay, mống mắt hoặc khuôn mặt hay những thông tin nào khác? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung này.
  • Quy định trên yêu cầu tổ chức tín dụng phải có biện pháp công nghệ để nhận biết và định danh khách hàng trên cơ sở liên kết được với các dữ liệu định danh cá nhân của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, để thực hiện được hoạt động trên thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần có sự phối hợp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức tín dụng khác để khai thác các thông tin dữ liệu định danh cá nhân của nhau. Nhưng các cơ chế phối hợp này lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Về hạn mức tổng giá trị giao dịch

Điểm b khoản 2 Điều 14 của Dự thảo quy định hạn mức tổng giá trị giao dịch (ghi nợ) qua tài khoản thanh toán không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, quy định này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… có mức chi trả vượt quá hạn mức 100 triệu đồng. Còn với các doanh nghiệp thì các hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi… có thể vượt quá hạn mức 100 triệu đồng/ngày. Việc đặt ra hạn mức này sẽ hạn chế giao dịch của khách hàng và sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì hai hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét nới rộng quy định về giới hạn hạn mức giao dịch này để tạo thuận lợi cho khách hàng khi tham gia giao dịch.

  1. Về đối tượng mở tài khoản thanh toán

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán, đối với trường hợp tổ chức tín dụng mở tài khoản thanh toán Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hiện Thông tư chỉ cho phép trụ sở chính của Tổ chức tín dụng được mở tài khoản thanh toán (điểm a khoản 1 Điều 7).

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, thực tế, nhiều tổ chức tín dụng có mô hình tổ chức Sở giao dịch tương tự như Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, được giao nhiệm vụ thực hiện nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương về thanh toán, chuyển tiền điện tử và thanh toán điện tử liên ngân hàng. Trụ sở chính của tổ chức tín dụng chỉ thực hiện chức năng quản lý, không thực hiện nghiệp vụ ngân hàng, không có trung tâm thanh toán thì được mở tài khoản thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Sở giao dịch của tổ chức tín dụng, nơi trực tiếp tham gia thanh toán điện tử liên ngân hàng mới là đơn vị cần được mở tài khoản tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Sở Giao dịch là đơn vị duy nhất của tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng của Trụ sở chính trong việc theo dõi, hạch toán nguồn vốn và là trung tâm thanh toán, thành viên trực tiếp tham gia thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Vì vậy, đ nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung “Sở giao dịch của tổ chức tín dụng” là đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.