VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Kết luận 80-KL/TW về phổ biến, giáo dục pháp luat
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định TTg về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Kính gửi: Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 6159/BCT-CTĐP của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Điều 7)
- Về xác định điểm cho các tiêu chí đánh giá
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Dự thảo thì “Căn cứ điều kiện thực tế của từng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư thống nhất các yêu cầu cụ thể của từng tiêu chí và mức điểm đạt được tương ứng của yêu cầu đó cho phù hợp (nếu có)”. Quy định này được hiểu, mức điểm cho từng tiêu chí sẽ được xác định tùy thuộc vào “điều kiện thực tế của từng cụm công nghiệp” và mức điểm này không cố định. Tuy nhiên, theo nội dung của Phiếu Đánh giá chấm điểm lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tại Mẫu 05 Phụ lục thì các mức điểm cho từng tiêu chí đã được xác định cố định. Như vậy, nội dung thể hiện trong Phiếu Đánh giá chấm điểm tại Phụ lục chưa thể hiện thống nhất với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Dự thảo. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất.
- Về căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn nhà đầu tư
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 Dự thảo thì trong trường hợp có hai tổ chức kinh tế cùng tham gia đề nghị làm chủ đầu tư, có cùng số điểm cao nhất bằng nhau thì “Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định”. Quy định này là chưa rõ về căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp các nhà đầu tư bằng điểm nhau.
Tuy nhiên, trong Phiếu Đánh giá chấm điểm lựa chọn nhà đầu tư tại Mẫu 05 Phụ lục thì phần Ghi chú có nội dung “càng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp càng được ưu tiên lựa chọn khi các doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm bằng nhau” tại hai nội dung “đã làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật hoặc tham gia quản lý, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật từ 01 khu công nghiệp, cụm công nghiệp trở lên, đang hoạt động hiệu quả” (điểm 2.1); “đã tham gia quản lý hoặc làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương đương” (điểm 2.2) trong tiêu chí “Năng lực kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã đề nghị làm chủ đầu tư”. Như vậy, có thể thấy theo Phiếu đánh giá thì các tiêu chí tại điểm 2.1, 2.2 sẽ được sử dụng làm căn cứ để lựa chọn khi có nhiều nhà đầu tư cùng số điểm.
Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn chủ đầu tư trong trường hợp nhiều nhà đầu tư cùng điểm (dựa vào số điểm tại các tiêu chí thành phần của “Năng lực kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã đề nghị làm chủ đầu tư”).
- Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Điều 9)
Khoản 4 Điều 9 Dự thảo quy định “việc chuyển nhượng dự án, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định”.
Quy định này cần được xem xét ở điểm sau:
- Chủ thể thực hiện thủ tục
Cách thức thiết kế quy định trên có thể đưa đến cách hiểu các cơ quan quản lý nhà nước (trong đó Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước khác) sẽ là chủ thể phải thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động. Điều này là chưa hợp lý khi chủ đầu tư là chủ thể thực hiện dự án.
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại quy định để quy định rõ việc chuyển nhượng dự án, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định …
- Trình tự, thủ tục thực hiện
Theo quy định trên thì “chuyển nhượng dự án, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp” sẽ thực hiện theo điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại pháp luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan và thủ tục này sẽ phải thực hiện qua Sở Công Thương[1]. Điều này cần xem xét ở điểm:
Quy trình để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP không theo quy trình lựa chọn nhà đầu tư của pháp luật đầu tư. Vì vậy, yêu cầu trong trường hợp chuyển nhượng dự án, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải áp dụng quy định của pháp luật đầu tư dường như chưa phù hợp và khó có thể thực hiện được.
Bởi vì, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, trong một số trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư dự án (khoản 4 Điều 29). Chủ đầu tư sẽ phải thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư (chuyển nhượng – đối với trường hợp chuyển nhượng chỉ áp dụng đối với các dự án thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư; tạm ngừng; ngừng dự án). theo quy định tại cơ quan đăng ký đầu tư.
Như vậy, giữa Dự thảo và pháp luật đầu tư đang có sự khác nhau về cơ quan nhà nước giải quyết về thủ tục và không rõ chủ đầu tư phải thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển nhượng dự án, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp ngay tại Dự thảo.
- Trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp
Điều 12 Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định về trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trong đó quy định cụ thể về các bước thực hiện, thời hạn xử lý của cơ quan nhà nước tương ứng với từng bước. Tuy nhiên, ở bước thống nhất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Công Thương trong trường hợp cụm công nghiệp thành lập, mở rộng có điều chỉnh diện tích lớn hơn 5 ha so với quy hoạch quy định tại khoản 4 lại không quy định rõ về thời hạn Bộ Công Thương sẽ trả lời và thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc điều chỉnh này.
Việc không quy định rõ thời hạn này khiến cho trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp bị kéo dài và nhà đầu tư sẽ không biết mình có được phép làm chủ đầu tư hoặc được phép mở rộng cụm công nghiệp không? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào quy định tại Dự thảo về thời hạn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Công Thương về việc điều chỉnh này.
- Mẫu Đơn đăng ký Chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp
Trong Mẫu 02 về Đơn đăng ký Chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp có yêu cầu phải kê khai các thông tin:
- Ngành nghề kinh doanh của đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư: Việc yêu cầu kê khai thông tin này là không cần thiết bởi vì đây không phải là yếu tố để xem xét, đánh giá lựa chọn chủ đầu tư thể hiện trong các tài liệu chấm điểm nhà đầu tư hay báo cáo thẩm định thành lập/mở rộng cụm công nghiệp. Hơn nữa, thông tin này cơ quan nhà nước có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin qua Cổng đăng ký quốc gia về doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung này trong mẫu Đơn.
- Vốn pháp định: Không rõ “vốn pháp định” của đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư là thông tin gì? Vốn pháp định là thông tin gắn với ngành nghề kinh doanh. Đây là thông tin về đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư, do đó yêu cầu thông tin này là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ thông tin này trong mẫu Đơn.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.
[1] Đây là cách hiểu sau khi điều chỉnh lại quy định theo hướng quy định rõ về chủ thể thực hiện thủ tục là chủ đầu tư như góp ý ở phần trên