VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

Thứ Hai 09:34 13-08-2018

Kính gửi: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ –  Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 1911/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

Như đã nêu trong nhiều Công văn góp ý trước đây, VCCI cho rằng việc kiểm soát máy móc, thiết bị đã qua sử dụng lả rất cần thiết nếu là nhằm mục tiêu: (i) bảo đảm ngân sách Nhà nước được sử dụng hợp lý, hiệu quả (không dùng tiền ngân sách để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã không còn/còn ít giá trị sử dụng); (ii) bảo đảm máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu khi sử dụng tại Việt Nam không gây ra các ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng (môi trường, an toàn, tính mạng sức khỏe người sử dụng…).

Tuy nhiên, cần chú ý rằng nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong nhiều trường hợp là cách thức rất hữu dụng để doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng công nghệ giá hợp lý từ nước ngoài (máy móc thiết bị dù chỉ qua sử dụng thời gian rất ngắn cũng có giá thấp hơn nhiều so với giá mua mới) trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, công nghệ dù là cũ (ở mức nhất định) với nước ngoài vẫn là rất mới, rất hiệu quả cho sản xuất trong nước. Đây cũng là cách thức để tăng tốc quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt nam.

Vì vậy, các góp ý dưới đây tiếp cận vấn đề theo hướng bảo đảm sự kiểm soát hiệu quả đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng và sử dụng Ngân sách Nhà nước hiệu quả, nhưng không vượt quá các mục tiêu này, không cản trở việc sử dụng hiệu quả nguồn máy móc, thiết bị này của doanh nghiệp Việt Nam.

  1. Về tiêu chí đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (Điều 6)

Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo thì tiêu chí đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được xác định dựa trên “tuổi thiết bị”.

Đây là điều kiện không mới so với quy định tại Thông tư 23. Trong các Công văn trước đây, VCCI đã có ý kiến về sự bất hợp lý và không khả thi của điều kiện này, cụ thể:

Tiêu chí về tuổi thiết bị (dù là áp dụng chung cho tất cả các loại máy móc, thiết bị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất chuyên ngành hay tuổi riêng cho máy móc thiết bị từng ngành) là khiên cưỡng và bất hợp lý bởi ít nhất các lý do:

  • Tuổi máy móc, thiết bị không phản ánh nguy cơ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng của máy móc thiết bị (vòng đời sử dụng, thời gian và mức độ khấu hao của các máy móc, thiết bị là không giống nhau; ảnh hưởng của chúng đối với môi trường, sức khỏe, an toàn của người sử dụng… cũng khác nhau).
  • Việc phân ngành tất cả các loại máy móc thiết bị (để áp dụng tiêu chí “tuổi thiết bị” theo ngành) là không khả thi, bởi một ngành có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau, có các loại thiết bị có thể được sử dụng bởi nhiều hơn một ngành;
  • “Tuổi thiết bị” với cách hiểu là khoảng thời gian từ năm sản xuất cho tới năm nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (như tại Điều 3.4 Dự thảo) hoàn toàn không phản ánh thời gian sử dụng thực (tương ứng với đó là mức độ khấu hao, và mức độ ảnh hưởng tới lợi ích công cộng) của máy móc, thiết bị. Lý do là đa phần các máy móc, thiết bị được mua bán qua hệ thống phân phối (không phải dạng đặt hàng đặc thù) sẽ không được sử dụng ngay vào năm sản xuất (thậm chí là một vài năm sau đó mới được khách hàng mua và sử dụng). Thêm vào đó, máy móc thiết bị không phải được sử dụng liên tục từ khi bắt đâu đưa vào hoạt động tới khi được xuất khẩu sang Việt Nam (thường máy móc, thiết bị được dừng sử dụng trong một khoảng thời gian trước khi bán lại co khách hàng Việt Nam).

Từ các lý do trên, VCCI cho rằng tiêu chí duy nhất phù hợp trong trường hợp này phải là tiêu chí về chất lượng còn lại của máy móc thiết bị, thông qua quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh Điều 6 Dự thảo theo hướng bỏ quy định hiện tại (về tuổi thiết bị), thay thế bằng quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng.

  1. Về hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của dự án đầu tư (Điều 7)

Điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định trong hồ sơ nhập khẩu phải có “Bản sao chứng thực Quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp”.

Theo quy định tại Luật đầu tư 2014 thì không phải trường hợp nào nhà đầu tư trong nước cũng phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư và/hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, sẽ chỉ có một số trường hợp dự án đầu tư có các loại giấy tờ này. Phần lớn các trường hợp khác (đặc biệt là những dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước ở quy mô trung bình, nhỏ), dự án đầu tư được thực hiện một cách hợp pháp mà không phải thực hiện bất kì thủ tục đầu tư nào, và do vậy cũng sẽ không có bất kỳ giấy tờ nào trong số các giấy tờ được liệt kê. Do đó, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được nhập khẩu cho các trường hợp dự án đầu tư này sẽ không thể có các loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 để xuất trình.

Để đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật đầu tư 2014, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “trong trường hợp Luật đầu tư có quy định” tại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo (như vậy các giấy tờ này sẽ chỉ áp dụng trong trường hợp mà theo Luật Đầu tư thì nhà đầu tư sẽ phải có các loại giấy tờ này trước khi triển khai Dự án).

  1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đối với trường hợp đặc biệt (Điều 9)
  2. Tiêu chí cấp phép

Điều 9 Dự thảo quy định về trường hợp ngoại lệ không áp dụng các tiêu chí nhập khẩu đối với các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Đây là quy định đã có ở Thông tư 23, nhưng cụ thể hơn ở trình tự, thủ tục cấp phép.

Mặc dù vậy, cả Dự thảo và Thông tư 23 đều không có quy định về tiêu chí để xem xét, cấp phép cho trường hợp ngoại lệ này.

Điều này sẽ tạo ra sự tùy nghi rất lớn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét cấp phép hay từ chối đối với từng vụ việc của doanh nghiệp, từ đó cũng có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong cùng điều kiện,.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận hay không việc nhập khẩu trong trường hợp ngoại lệ này.

  1. Hồ sơ xin phép

Điểm đ khoản 2 Điều 9 Dự thảo yêu cầu phải có “Bản sao Tài liệu chứng minh việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ đối với máy móc, thiết bị theo quy định của nhà sản xuất” là không cần thiết bởi trong Hồ sơ, doanh nghiệp đã phải cung cấp Chứng thư giám định đánh giá về “tình trạng thiết bị, năm sản xuất, đánh giá về các thông số kỹ thuật; đánh giá về tình trạng hoạt động, tình trạng bảo trì, bảo dưỡng; mức độ đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”. Tài liệu này là bằng chứng khách quan, chứng minh được tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị, đủ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép hay từ chối cấp phép. Do đó không cần thiết phải có tài liệu quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Dự thảo.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Trình tự, thủ tục xem xét hồ sơ

Về kinh phí tổ chức hội đồng, đề nghị theo phương án 1 vì đây là hoạt động nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước (đánh giá rủi ro, tác động của hàng hóa trước khi cấp phép).

  1. Điều kiện đối với tổ chức giám định nước ngoài (Điều 12)

Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định về điều kiện của tổ chức giám định nước ngoài được thực hiện giám định tại Việt Nam. Quy định này dường như chưa phù hợp về mặt thẩm quyền theo quy định tại Luật đầu tư 2014, khi điều kiện kinh doanh chỉ được quy định từ cấp Nghị định trở lên. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 2 Điều 12 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.