VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài
Kính gửi: Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 4865/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Việc xây dựng và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý và minh bạch chính sách cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu trong hoạt động này.
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo đã quy định khá rõ về điều kiện, trình tự, thủ tục để được chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài qua đó cũng nhận diện được chính sách quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này. Tuy nhiên, để thực sự các quy định về thủ tục hành chính đảm bảo mục tiêu về tính minh bạch và thuận lợi như nội dung đánh giá tác động[1] (“quy định rõ ràng và cụ thể về các bước thực hiện”, “quy định hợp lý giữa các bước thực hiện để tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho cơ quan nhà nước và cá nhân, tổ chức khi thực hiện”), đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Về hồ sơ đề nghị chấp thuận khoản cho vay ra nước ngoài, khoản bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế (Điều 5)
Theo quy định tại Điều 5 Dự thảo trong Hồ sơ phải có các tài liệu sau:
- (1) Văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với Phương án cho vay ra nước ngoài/bảo lãnh cho người không cư trú phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (khoản 7);
- (2) Văn bản cam kết của Tổ chức kinh tế về việc đảm bảo duy trì đủ nguồn tài chính từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế qua các năm tại thời điểm thực hiện cho khoản vay, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người không cư trú (khoản 8);
Các tài liệu này cần được xem xét ở các vấn đề sau:
- Tài liệu (1): Theo giải trình của Ban soạn thảo tại Bản thuyết minh thì Dự thảo “không quy định các nội dung đặc thù về cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cho vay ra nước ngoài/bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn, rõ ràng tại Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước”, Dự thảo “chỉ quy định chung về việc phương án cho vay/bảo lãnh phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng chung cho mọi thành phần kinh tế”. Như vậy, bản thân Ban soạn thảo cũng cho rằng quy định này còn chung chung, chưa cụ thể và hiện tại chưa có “cơ sở pháp lý chắc chắn, rõ ràng” để xác định trong Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước để xác định cấp có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp này đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng vì sẽ không có sự thống nhất về cách hiểu, quan điểm của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong áp dụng pháp luật.
Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan để xác định cụ thể cấp có thẩm quyền phê duyệt trong hoạt động này của các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần.
- Tài liệu (2): Yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản cam kết này là ít ý nghĩa, bởi vì việc sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế qua các năm để thực hiện cho vay ra nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người không cư trú là điều kiện doanh nghiệp buộc phải đáp ứng, văn bản cam kết của doanh nghiệp không phải là tài liệu đảm bảo hoặc chứng minh doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này và cũng không phải là căn cứ để xử lý nếu doanh nghiệp vi phạm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 8.
- Trình tự thẩm định và chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài (Điều 7)
Điều 7 Dự thảo quy định về trình tự thẩm định và chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên trong quy định này còn có một số điểm chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, ví dụ:
- Yêu cầu cung cấp thêm thông tin
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Dự thảo thì khi tiếp nhận hồ sơ của tổ chức kinh tế, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “có văn bản yêu cầu bổ sung, cung cấp thêm thông tin và tài liệu có liên quan (nếu có)”. Quy định này có thể đưa đến cách hiểu, ngoài các thành phần hồ sơ quy định tại Điều 5 Dự thảo, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm các tài liệu khác.
Điều này vừa khiến cho quy định này mâu thuẫn với Điều 5 Dự thảo (Điều 5 quy định các tài liệu cần phải có trong hồ sơ và không có quy định mở về việc sẽ có các tài liệu khác) vừa khiến cho quy định trở nên thiếu minh bạch (doanh nghiệp sẽ không biết mình sẽ phải cung cấp thêm những tài liệu nào ngoài các tài liệu theo quy định).
Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 theo hướng, trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định.
- Thời hạn gửi hồ sơ lấy ý kiến
Khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của tổ chức kinh tế đầy đủ, hợp lệ, sơ bộ đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 4 Quyết định này, cơ quan đầu mối gửi bản sao hồ sơ đến cơ quan phối hợp để tham gia ý kiến thẩm định.
15 ngày làm việc để thực hiện việc lấy ý kiến các Cơ quan phối hợp khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của tổ chức kinh tế là khá dài. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rút ngắn thời gian này xuống (có thể là 07 ngày làm việc).
- Thẩm định của Cơ quan phối hợp
Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Dự thảo thì:
- Thời hạn Cơ quan phối hợp gửi ý kiến thẩm định tới Cơ quan đầu mối là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan đầu mối;
- Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn của Cơ quan đầu mối, các Cơ quan phối hợp chủ động có văn bản yêu cầu tổ chức kinh tế hoặc các đối tượng liên quan bổ sung thông tin để hoàn thiện ý kiến thẩm định. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm gửi ý kiến thẩm định cho Cơ quan đầu mối trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ bổ sung của tổ chức kinh tế
Theo quy định trên thì Cơ quan phối hợp có quyền yêu cầu thêm hồ sơ, tài liệu trực tiếp từ doanh nghiệp gửi hồ sơ. Điều này có thể khiến cho việc thiết kế thủ tục hành chính theo hướng tập hợp thông tin (đầu vào, đầu ra) từ cơ quan đầu mối trở nên ít ý nghĩa và khiến doanh nghiệp không thể nhận biết được tất cả các tài liệu, thông tin phải cung cấp khi thực hiện thủ tục hành chính này.
Mặt khác, Điều 5, 6 Dự thảo quy định về hồ sơ xin cấp phép đã thể hiện đầy đủ điều kiện được cấp phép thể hiện tại Điều 4 Dự thảo, có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào hồ sơ có thể đánh giá được doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện hay không. Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm tài liệu, thông tin ngoài các thông tin trong hồ sơ xin cấp phép vừa khiến cho quy định thiếu nhất quán vừa làm cho quy định chưa đảm bảo tính minh bạch.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định các Cơ quan phối hợp yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm thông tin trong quá trình thẩm định quy định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo.
- Thời hạn Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
Dự thảo chưa quy định rõ trong khoảng thời hạn bao lâu kể từ thời điểm nhận được bản tổng hợp ý kiến của Cơ quan đầu mối thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định theo thẩm quyền. Đề nghị Ban soạn thảo quy định về thời hạn này.
- Thời hạn làm rõ thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Theo quy định tại khoản 6 Dự thảo thì, trường hợp cần bổ sung, làm rõ thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan đầu mối và các Cơ quan phối hợp sẽ phối hợp để nghiên cứu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không xác định được các nội dung vướng mắc cụ thể thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan phối hợp nào, Cơ quan đầu mối báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan cho ý kiến, gửi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Quy định trên là chưa rõ về các khoảng thời gian cơ quan nhà nước phối hợp, nghiên cứu và có kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp cũng không thể nhận biết được trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu kể từ thời điểm nộp hồ sơ sẽ biết được kết quả là được chấp thuận hay từ chối.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ: trong trường hợp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cần phải làm rõ thông tin thì quy trình xử lý của các cơ quan liên quan sẽ như thế nào? Thời hạn xử lý trong bao lâu?
- Về điều khoản thi hành
Dự thảo quy định chuyển tiếp cho trường hợp tổ chức kinh tế đã cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người cư trú và thay đổi khoản vay ra nước ngoài, khoản bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực là thực hiện theo quy định của pháp luật, các văn bản đã được chấp thuận.
Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định cho trường hợp doanh nghiệp đã nộp hồ sơ để xin cấp phép cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người cư trú và thay đổi khoản vay ra nước ngoài, khoản bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài đến thời điểm Quyết định này có hiệu lực vẫn chưa được cấp phép thì sẽ áp dụng theo quy định pháp luật nào? Theo Báo cáo tổng kết thì hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nhận được các phiếu chuyển hồ sơ của các trường hợp: thay đổi Bên cho vay ra nước ngoài đối với những khoản vay đã thực hiện của Hoàng Anh Gia Lai; đề nghị được cho vay ra nước ngoài của ba doanh nghiệp. Quy định rõ về trường hợp chuyển tiếp trên sẽ có hướng xử lý cho các trường hợp này. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định chuyển tiếp cho trường hợp này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Tài liệu tổng kết và đánh giá thực trạng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ – tài liệu đính kèm Dự thảo