VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư
Kính gửi: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 2058/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về căn cứ pháp lý
Theo Tờ trình thì một số văn bản luật như: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng năm 2020 có nội dung liên quan đến nội dung thẩm định và có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư, do đó Thông tư cần được ban hành để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật này. Như vậy, quy định của Dự thảo sẽ căn cứ vào quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng năm 2020. Tuy nhiên, trong phần căn cứ ban hành Thông tư tại Dự thảo lại không có các văn bản này.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các văn bản luật được nêu ở trên vào phần căn cứ pháp lý ban hành Thông tư.
- Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực
Theo nội dung của Tờ trình thì:
- Trước khi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực, việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư được thực hiện theo Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN. Thông tư này hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ năm 2014 và Nghị định 04/2014/NĐ-CP;
- Hiện nay, việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, hai văn bản này lại chưa có hướng dẫn cụ thể về các văn bản cần được ban hành để thực hiện thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư.
Như vậy, Thông tư này được ban hành để giải quyết khoảng trống về quy định thực hiện thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư theo pháp luật về chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được xem xét như sau:
- Thông tư 03/2016/TT-BKHCN quy định về hồ sơ, nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, trong đó có quy định các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư. Quy định tại Dự thảo không bãi bỏ các quy định về biểu mẫu phục vụ thẩm định và có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư tại Thông tư 03. Như vậy sẽ có hai thông tư cùng quy định về biểu mẫu phục vụ thẩm định và có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư. Điều này sẽ gây ra tình trạng chồng lấn và mâu thuẫn giữa các quy định, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định về biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư tại Thông tư 03/2016/TT-BKHCN.
- Như giải trình trong Tờ trình thì Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP không có quy định cụ thể về việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư. Dự thảo chỉ quy định về biểu mẫu, không quy định về trình tự, thủ tục thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư. Như vậy, quy trình này sẽ áp dụng theo quy định nào? Có tiếp tục áp dụng Thông tư 03/2016/TT-BKHCN không hay là áp dụng tại một văn bản khác, trong khi Thông tư 03 là văn bản được áp dụng trước khi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực.
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về vấn đề này.
- Về các biểu mẫu
Về Mẫu số 1. Phiếu thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư trong giai đoạn xem xét quyết định chủ trương đầu tư
Theo Mẫu số 01 thì cơ quan thẩm định công nghệ sẽ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ các nội dung:
- Việc đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho vận hành dây chuyền công nghệ của DAĐT (nếu có)
- Dự thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có)
Nội dung này là chưa rõ về cơ quan thẩm định công nghệ sẽ xem xét và đánh giá vấn đề gì? Căn cứ để đánh giá là gì? Bởi vì, ở các nội dung thẩm định khác đều nêu rõ nội dung và căn cứ thẩm định, ví dụ: Nội dung thẩm định về “phương án công nghệ” sẽ xem xét đánh giá “sự phù hợp của phương án công nghệ được lựa chọn với mục tiêu, quy mô, công suất của DAĐT”, “sự phù hợp, khả năng đáp ứng của nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng cho việc vận hành, công nghệ, thiết bị của DAĐT”, …
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các vấn đề đánh giá và căn cứ đánh giá các nội dung ở trên trong Mẫu số 01.
Góp ý tương tự, bổ sung các vấn đề đánh giá và căn cứ đánh giá các nội dung đối với:
- Mẫu số 02, 04, 06: ở các nội dung “Chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị”; “Chi phí đầu tư cho công nghệ, máy móc, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật”;
- Mẫu số 03, 05: ở các nội dung “đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho vận hành dây chuyền công nghệ của DAĐT”; “Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ”;
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.