VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải
VCCI_Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 4822/BNN-VP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:
Về cơ bản các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong Dự thảo là hợp lý, dự báo sẽ cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đánh giá cao các đề xuất: bỏ các quy định phải thực hiện báo cáo, thay vào đó cơ quan quản lý sẽ trích xuất từ hệ thống dữ liệu để nắm bắt thông tin quản lý; bỏ việc cấp một số loại giấy chứng nhận. Các đề xuất này thể hiện tinh thần cầu thị từ phía cơ quan soạn thảo.
Tuy nhiên, để hoàn thiện và thể hiện tinh thần cải cách hơn nữa, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số điểm sau:
- Lĩnh vực đăng kiểm tàu cá (Mục I)
Thủ tục cấp thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá (khoản 5 Điều 5 Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT)
- Về tài liệu trong hồ sơ
Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 01/2022/TTBNPTNT trong hồ sơ cấp, cấp lại thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá phải có “bản sao Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng I và hạng II hoặc hạng III (đối với trường hợp cấp lần đầu)”.
Khoản 1 Điều 8 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT thì Tổng cục Thủy sản là đơn vị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá. Tổng cục Thủy sản cũng chính là cơ quan cấp, cấp lại thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá. Như vậy, cơ quan cấp thẻ sẽ có thông tin về việc tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá của người xin cấp thẻ. Yêu cầu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá là không cần thiết và đi ngược lại xu hướng cắt, giảm đơn giản hóa chi phí tuân thủ mà các Bộ đang đề xuất gần đây: không yêu cầu các tài liệu mà cơ quan giải quyết thủ tục đã có.
Đề nghị cân nhắc bổ sung đề xuất bỏ yêu cầu phải có “bản sao Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng I và hạng II hoặc hạng III” trong thủ tục cấp thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá.
- Về thời gian giải quyết thủ tục
Theo quy định thời hạn giải quyết thủ tục là 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời hạn này để xem xét hồ sơ gồm những tài liệu rất đơn giản và khá rõ ràng (Đơn; Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng I và hạng II hoặc hạng III; ảnh) là quá dài. Để đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện, đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục xuống còn 05 hoặc 07 ngày làm việc.
- Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh: kiểm dịch động vật (Mục III)
Về thủ tục hành chính: cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạnh nhập khẩu; kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu
Các đề xuất tại Dự thảo là hợp lý, tuy nhiên là chưa đủ khỉ chỉ cắt giảm, đơn giản hóa các chỉ tiêu kiểm dịch và việc lấy mẫu xét nghiệm.
Theo quy định hiện hành, quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu đang được thiết kế theo hướng thủ tục vừa thực hiện trên phương thức điện tử (nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa) vừa phải nộp bản chính bằng giấy để đối chiếu. Điều này khiến cho thủ tục trở nên phức tạp. Đề nghị bổ sung đề xuất sửa đổi quy định về quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu theo hướng: việc nộp, thẩm định hồ sơ thực hiện hoàn toàn trực tuyến, cơ quan nhà nước có thể kiểm tra bản chính bằng hình thức hậu kiểm, hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản giấy khi cơ quan nhà nước thực hiện kiểm dịch.
Hiện tại, Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản đã được ban hành trong đó đã thực hiện các đề xuất về kiểm dịch động vật tại Dự thảo. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đề xuất về quy trình kiểm dịch động vật trên để sửa đổi, bổ sung quy định liên quan.
- Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác (Mục IV)
Theo đề xuất tại Dự thảo thì sẽ “bỏ quy định cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh thủy sản đối với cơ sở phải đánh giá lại” và kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Nội dung này cần xem xét ở các điểm:
- Khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT quy định “Cục Thú y tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, vùng an toàn dịch bệnh động vật thủy sản; thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cấp xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất thủy sản giống theo yêu cầu của chủ cơ sở hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu; cơ sở sản xuất thủy sản giống bố mẹ.”. Không rõ việc bỏ quy định cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở phải đánh giá lại thì sẽ điều chỉnh nội dung gì ở quy định này?
- Theo quy định tại Điều 32 Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT thì đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trong trường hợp: i) Cơ sở có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu khi thực hiện thủ tục đánh giá cấp Giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; ii) Cơ sở có giấy chứng nhận nhưng đã hết hiệu lực và có nhu cầu cấp giấy.
Như vậy, nếu bỏ cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở phải đánh giá lại thì đề xuất này có được hiểu là cơ sở không cần phải thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trong lần đầu tiên hoặc trong trường hợp giấy chứng nhận hết hiệu lực? Có nghĩa là bãi bỏ toàn bộ quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh quy định tại Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT?
Nếu không được hiểu theo cách trên, thì trong trường hợp không cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (trên cạn hoặc thủy sản) đối với cơ sở phải đánh giá lại thì các cơ sở này sẽ phải thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận lần đầu? Nếu hiểu theo cách này thì đề xuất không có tính thuận lợi hơn.
Tóm lại, đề xuất liên quan đến cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại Mục IV Dự thảo là chưa rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ hơn đề xuất này để có cơ sở đánh giá.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.