VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí duy trì sử dụng tên miền và địa chỉ Internet, lệ phí đăng ký sử dụng tên miền gia ".vn" và lệ phí đăng ký sử dụng địa chỉ Internet (IP)
VCCI_Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước
Trả lời Công văn số 2292/NHNN-DBTK ngày 15/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Khai thác biểu mẫu báo cáo
Điều 21 Dự thảo quy định về đơn vị, cá nhân được phép khai thác các thông tin, số liệu thống kê. Theo đó, các đơn vị trực tiếp theo dõi, tổng hợp và các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước được Thống đốc cho phép có quyền tiếp cận các thông tin, số liệu thống kê. Tuy nhiên, qua rà soát nội dung biểu mẫu, có một số biểu mẫu có chứa thông tin định danh của các tổ chức, cá nhân khác (có quan hệ kinh doanh với tổ chức tín dụng) cùng với các thông tin về cấp tín dụng của tổ chức, cá nhân đó, chẳng hạn như tình hình cho vay để đầu tư ra nước ngoài, báo cáo tình hình xử lý nợ xấu, báo cáo danh sách khách hàng cá nhân có tiền gửi tiết kiệm/tiền gửi có kỳ hạn; Báo cáo cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu, cổ phiếu…Việc cung cấp toàn văn các dữ liệu cho các đơn vị khác (ngoài đơn vị quản lý số liệu) có thể tạo thêm các lỗ hổng, dẫn đến nguy cơ rò rì dữ liệu. Hơn nữa, Điều 57.1.a Luật Thống kê 2015 cũng quy định thông tin gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân là loại thông tin thống kê được giữ bí mật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về khai thác biểu mẫu báo cáo, theo đó các đơn vị khác chỉ tiếp cận các thông tin này sau khi đã khử thông tin định danh (tên, số chứng minh thư, mã số thuế…).
Tương tự, để đảm bảo bảo mật thông tin, trong trường hợp các cơ quan nhà nước khác có nhu cầu tiếp cận các thông tin báo cáo, Ngân hàng Nhà nước có cung cấp hay không? Nếu cung cấp, nội dung cung cấp, trình tự và thủ tục yêu cầu như thế nào? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này.
- Số lượng báo cáo
Dự thảo dự kiến yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo với số lượng lớn, gần 200 mẫu biểu với số lượng thông tin rất chi tiết và phức tạp. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện trách nhiệm báo cáo này mất rất nhiều thời gian và công sức của các doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giảm bớt khối lượng báo cáo bằng cách giảm một số mẫu biểu liên quan, có thể khai thác thông tin từ mẫu biểu khác.
- Thời hạn gửi báo cáo
Điều 11.2.c Dự thảo đã rút ngắn thời gian báo cáo tháng. Theo đó, báo cáo tháng sẽ phải nộp vào ngày 8 hàng tháng, thay cho ngày 12 hàng tháng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc này sẽ gây khó khăn cho các đối tượng báo cáo. Lý do là vì số lượng báo cáo hàng tháng tương đối nhiều, khoảng trên 100 loại báo cáo với mức độ chi tiết cao. Nếu thời gian báo cáo là ngày 8 hàng tháng, thời gian thực tế làm việc chỉ từ 5 – 6 ngày (làm việc), doanh nghiệp sẽ phải bố trí thêm nhân sự chỉ để phục vụ hoạt động này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo giữ nguyên như quy định hiện hành, ngày 12 hàng tháng.
Góp ý tương tự với Điều 12 Dự thảo
- Thời điểm có hiệu lực của Thông tư
Theo phản ánh của doanh nghiệp, Dự thảo bổ sung thêm nhiều biểu mẫu báo cáo và chỉnh sửa nội dung báo cáo với nhiều báo cáo hiện có, trong đó liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều thông tin chi tiết và phức tạp. Các tổ chức tín dụng sẽ cần nhiều thời gian để chuẩn bị, chuẩn hoá và tổng hợp các thông tin, dữ liệu này. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thời điểm có hiệu lực của Dự thảo, có thể cân nhắc thời hạn 6-9 tháng kể từ thời điểm ban hành.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.