VCCI_Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Công Thương

Thứ Ba 08:46 12-10-2021

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương

Ngày 27/9/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 5879/BCT-PC của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là Phương án). VCCI có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

  1. Tính nhất quán trong các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa
  • Đề xuất bỏ “yêu cầu thời hạn tối thiểu trong hợp đồng thuê”

Phương án đề xuất đơn giản hóa điều kiện “có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng” trong điều kiện hoạt động của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 87/2018/NĐ-CP theo hướng “có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng”, tức là bỏ quy định về thời hạn hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm.

Đề xuất này là phù hợp. Tuy nhiên, dạng quy định “yêu cầu thời hạn tối thiểu của hợp đồng thuê” có trong các điều kiện kinh doanh ở một số hoạt động kinh doanh khác, ví dụ:

– Nghị định 87/2018/NĐ-CP: Pha chế khí (Điều 9); Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai (Điều 10);

– Nghị định 83/2014/NĐ-CP: Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (Điều 7); Điều kiện đối với thương nhân phân phối xăng dầu (Điều 13); Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (Điều 16);

Đối với những quy định có tính chất tương tự như quy định được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa, Phương án lại không có đề xuất. Điều này khiến cho hoạt động rà soát và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa tại Phương án thiếu nhất quán.

Đề nghị bổ sung đề xuất bỏ“yêu cầu thời hạn tối thiểu của hợp đồng thuê” trong các quy định được liệt kê ở trên.

  • Đề xuất bỏ phải ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Điểm 1.1.1 Mục I đề xuất “đơn giản hóa quy định về điều kiện liên quan đến đăng ký ngành nghề kinh doanh: Có đăng ký kinh doanh mặt hàng nguyên liệu thuốc lá”, lý do phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Đề xuất này là hợp lý. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý còn nhiều điều kiện kinh doanh có tính chất tương tự như trên (yêu cầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh) (ví dụ: điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu), vì vậy đề nghị rà soát tổng thể và đưa ra các đề xuất tương ứng để đảm bảo tính nhất quán trong phương án.

  1. Về tiến độ thực hiện

Phương án đưa ra đề xuất đơn giản hóa đối với điều kiện nhân sự trong điều kiện trong hoạt động hóa chất (bỏ điều kiện “người lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất của cơ sở sản xuất phải được đào tạo”, điều kiện này chỉ còn là người lao động phải được “huấn luyện và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất”) với lý do “phù hợp với Nghị định 113/2017/NĐ-CP chỉ quy định về huấn luyện an toàn hóa chất, không quy định về đào tạo hóa chất”. Tiến độ dự kiến sửa là năm 2023.

Theo giải trình thì quy định hiện tại đối với điều kiện của người lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP đang chưa thống nhất với Nghị định 113/2017/NĐ-CP, Phương án đề xuất đơn giản hóa điều kiện này để phù hợp với Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Đây là đề xuất phù hợp và cần phải thực hiện ngay để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất (bởi vì, cơ quan quản lý có thể yêu cầu doanh nghiệp chứng minh đã huấn luyện người lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất, trong khi thực tế pháp luật về an toàn lao động lại không có quy định về việc này).

Tiến độ dự kiến sửa năm 2023 là quá lâu, đề nghị Phương án thay đổi tiến độ thực hiện, đề xuất sửa đổi trong năm 2021 – 2022.

  1. Điều kiện đối với hoạt động kinh doanh khí

Điểm 3.1.1.b mục I Phương án đề xuất bãi bỏ hoạt động cho thuê chai LPG trong điều kiện “Có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG kinh doanh LPG chai”. Điều kiện này sẽ được sửa thành “Có chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG kinh doanh LPG chai”.

Đề xuất này là chưa hợp lý. Mục tiêu “Đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng” phải kiểm soát thông qua chất lượng và nguồn gốc hợp pháp của chai LPG. Hoạt động thuê chai LPG có thể đáp ứng được mục tiêu này.

Đề xuất thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí phải sở hữu chai LPG mà không được thuê sẽ gia tăng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Vì vậy, Ban soạn thảo cần phải đưa ra phương thức tính toán chi phí tuân thủ tại Phương án, căn cứ vào đâu để cho rằng với đề xuất trên, chi phí tuân thủ sẽ tiết kiêm được 15.000.000 đồng?

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị bỏ đề xuất tại tại điểm 3.1.1b.

  1. Kinh doanh khí và điều kiện về an ninh, trật tự

“Kinh doanh khí” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (khoản 13 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP). Để kinh doanh ngành nghề này, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, gồm các điều kiện về: i) thành lập theo quy định của pháp luật; ii) nhân lực: điều kiện của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự; iii) điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy (Điều 7). Và phải làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Điều 14).

Theo quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP thì để kinh doanh khí, các thương nhân phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh khí và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Một trong các điều kiện kinh doanh khí là điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, trong hồ sơ xin cấp phép, thương nhân phải có “tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy” (Điều 37, 38, 39, 40, 41, 42).

Như vậy, đối với lĩnh vực “kinh doanh khí” thương nhân phải cần có hai loại giấy phép do hai cơ quan có thẩm quyền khác nhau cấp. Khi xem xét để cấp hai loại giấy phép này, các cơ quan cấp phép cùng xem xét chung một điều kiện về phòng cháy và chữa cháy. Việc hai cơ quan quản lý khác nhau cùng đánh giá chung về cùng một điều kiện kinh doanh và cấp hai loại giấy phép khác nhau là sự chồng lấn về mặt quản lý.

Đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất với cơ quan quản lý về an ninh trật tự để đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp kinh doanh khí theo hướng:

  • (1) Hoặc bỏ quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy trong Nghị định 87/2018/NĐ-CP, vì điều kiện này sẽ được kiểm soát thông qua Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
  • (2) Hoặc bỏ quy định về phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, các yếu tố về phòng cháy, chữa cháy sẽ được quản lý theo điều kiện kinh doanh khí.

Khuyến nghị theo phương án (2).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.