VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về thủ tục hải quan với hàng thương mại điện tử
Kính gửi: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 6153/BTC-TCHQ ngày 26/05/2020 của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:
- Thông tin về đơn hàng
Dự thảo đưa ra cơ chế các cá nhân, tổ chức thương mại điện tử sẽ cung cấp thông tin về đơn hàng cho Hệ thống để phục vụ hoạt động hải quan. Điều 3.1 của Dự thảo cũng đã giải thích khái niệm thông tin về đơn hàng. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn rất chung chung và chưa thể áp dụng trực tiếp.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử quan tâm đến việc Hệ thống của cơ quan hải quan sẽ cần những trường thông tin nào để các doanh nghiệp này chuẩn bị, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp một cách tốt nhất đến cho Hệ thống. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một phụ lục tại Nghị định này, quy định rõ về các trường dữ liệu và quy cách dữ liệu mà Hệ thống cần có để các doanh nghiệp chuẩn bị đáp ứng. Trong trường hợp chưa thể đưa ngay vào Nghị định thì cần giao Bộ Tài chính hướng dẫn ở cấp Thông tư.
- Xây dựng và vận hành Hệ thống
Việc xây dựng và vận hành Hệ thống thời gian đầu chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề phát sinh, do đây là quy trình quản lý mới, mô hình kinh doanh trên thị trường biến đổi rất nhanh. Do đó, cơ chế tiếp nhận đánh giá của người dùng và phản hồi các đánh giá đó rất quan trọng, giúp cơ quan hải quan có thể nhanh chóng phát hiện bất cập và điều chỉnh Hệ thống cho phù hợp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy định về cơ chế đánh giá, nhận xét của người dùng và phản hồi, cụ thể như sau:
- Hệ thống có chức năng tiếp nhận đánh giá, phản hồi, góp ý của người dùng
- Cơ quan Hải quan phải trả lời về việc tiếp thu hay không tiếp thu các góp ý về Hệ thống này trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được.
- Những góp ý và trả lời này phải được tổng hợp và báo cáo định kỳ cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan phụ trách Hệ thống này.
- Trách nhiệm cung cấp thông tin
Điều 11 của Dự thảo quy định nhiều đơn vị cung cấp thông tin cho Hệ thống và xử lý trường hợp có sự mâu thuẫn về thông tin do các đơn vị khác nhau cũng cấp. Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự tường minh và cụ thể. Đây là vấn đề cần được xử lý tương đối kỹ nhằm xác định trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực. Trong trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá và phát hiện ra các thông tin ban đầu không chính xác thì việc xác định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thông tin chưa được làm rõ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc xác định trách nhiệm của các bên khi thông tin được cung cấp cho Hệ thống không chính xác.
- Tờ khai hải quan và kiểm tra tờ khai hải quan
Điều 13 của Dự thảo quy định người khai hải quan phải thực hiện tờ khai hải quan và gửi lên Hệ thống. Hệ thống sẽ so sánh tờ khai với thông tin về đơn hàng đã được gửi đến trước đó. Trên thực tế, hàng hoá mua qua hình thức thương mại điện tử thường là hàng tiêu dùng, người mua là cá nhân đơn lẻ. Các cá nhân này cũng chỉ tiếp nhận thông tin về hàng hoá do sàn, website thương mại điện tử cung cấp, chứ không có thông tin gì khác. Như vậy, quy trình được thiết kế trong dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng người khai hải quan phải mất công khai lại những thông tin mà cơ quan hải quan đã biết, và được cung cấp chung từ một nguồn tin. Đây là sự lãng phí không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy trình khai và nộp tờ khai hải quan như sau:
- Hệ thống tự động sử dụng các thông tin về đơn hàng được gửi đến từ trước để điền vào các trường thông tin trên tờ khai hải quan.
- Người khai hải quan điền nốt những thông tin còn thiếu trên tờ khai hải quan và xác nhận những thông tin đã được điền sẵn. Trong trường hợp người khai hải quan phát hiện những thông tin được điền sẵn không chính xác thì thông báo lại cho Hệ thống.
Cơ chế như vậy vừa tạo thuận lợi cho người khai hải quan vừa tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập thông tin.
- Kiểm tra thực tế hàng hoá
Việc kiểm tra thực tế hàng hoá khi có phát hiện nghi ngờ và theo nguyên tắc quản lý rủi ro là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hoá. Nhiều trường hợp hàng hoá thương mại điện tử được vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh. Nếu phát sinh việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể khiến doanh nghiệp dịch vụ chậm giao hàng và phải bồi thường cho khách hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hoá thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục. Khi đó, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hoá.
- Xác định trị giá hải quan trong trường hợp hàng khuyến mãi, giảm giá
Khác với xuất nhập khẩu thông thường, đối với việc mua hàng qua các website thương mại điện tử thì sẽ có nhiều trường hợp hàng hoá có khuyến mãi, giảm giá. Theo lo ngại của nhiều doanh nghiệp, trong những trường hợp như vậy thì có thể nảy sinh tranh chấp với cơ quan hải quan về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo hướng dẫn rõ về việc xác định trị giá hải quan trong trường hợp hàng hoá có khuyến mãi, giảm giá.
- Các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành
Điều 20.2.a quy định trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thông báo gửi đến Tổng cục Hải quan hàng hoá không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành. Điều 20.4 quy định không áp dụng các trường hợp miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành khi bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khoẻ, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia hoặc có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Việc đưa ra các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành là cần thiết, nhằm bảo đảm các lợi ích công cộng trong nước. Tuy nhiên, dự thảo không xác định cơ chế, trình tự, thủ tục, hiệu lực của các lệnh không cho miễn kiểm tra chuyên ngành. Điều này có thể tạo ra sự tuỳ tiện khi áp dụng và ảnh hưởng lớn đến hoạt động lưu thông hàng hoá.
Ví dụ, xét trường hợp một món hàng có giá trị 500.000 đồng đã trên đường vận chuyển hoặc về đến kho ngoại quan. Người nhập khẩu tin rằng món hàng này được miễn kiểm tra nên mới đặt lệnh mua. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý đột ngột đưa lệnh dừng chế độ miễn kiểm tra thì món hàng đó sẽ phải kiểm tra trước khi thông quan. Đối với nhiều các dịch vụ kiểm tra chuyên ngành thì phí dịch vụ đánh giá sự phù hợp có thể lớn hơn giá trị của món hàng rất nhiều. Ví dụ, chi phí dịch vụ thử nghiệm mẫu hàng hoá đó thấp nhất đã là 1 triệu đồng/mẫu. Như vậy sẽ dẫn đến khả năng người mua bỏ hàng, không nhận, dù hàng đó có thể vẫn đáp ứng quy chuẩn, điều kiện để nhập khẩu, nhưng chi phí để chứng minh điều đó lớn hơn giá trị món hàng.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra nguyên tắc của việc ban hành các thông báo, cảnh báo không cho phép miễn kiểm tra chuyên ngành theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể:
- Danh sách các mặt hàng trị giá dưới 1 triệu đồng phải kiểm tra phải được ban hành ngay trong Nghị định này, tương tự như danh sách mặt hàng trị giá trên 1 triệu đồng được miễn kiểm tra tại Phụ lục II.
- Trường hợp có cảnh báo của cơ quan quản lý chuyên ngành theo hướng thêm các trường hợp phải kiểm tra thì thông báo cần nêu rõ về thời điểm bắt đầu áp dụng, nhưng không sớm hơn 30 ngày kể từ ngày ra cảnh báo và không áp dụng cho các đơn hàng đã gửi thông tin đến cho Hệ thống.
- Xác định các trường hợp hàng hoá trị giá trên 1 triệu đồng được miễn kiểm tra
Điều 20.2.b của Dự thảo đưa ra Phụ lục II về các trường hợp miễn kiểm tra hàng hoá trên 1 triệu đồng theo đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành. Trên thực tế, các cơ quan quản lý chuyên ngành thường không có động lực để chủ động đề xuất đưa hàng hoá do mình quản lý vào diện miễn kiểm tra. Hơn nữa, cả cơ quan hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành hiện cũng không có cơ sở, căn cứ để đề xuất mức hàng hoá nào sẽ được miễn.
VCCI cho rằng, bản chất của việc miễn kiểm tra hàng hoá giao dịch thương mại điện tử là do giá trị của hàng nhỏ so với chi phí kiểm tra. Do đó, đề nghị cơ quan hải quan khảo sát chi phí dịch vụ kiểm tra các loại hàng hoá tại các đơn vị đánh giá sự phù hợp. Sau đó, đưa ra tỷ lệ giá trị hàng trên chi phí kiểm tra để làm cơ sở trao đổi với các cơ quan quản lý chuyên ngành về việc xác định ngưỡng số lượng/giá trị hàng được miễn kiểm tra. Ví dụ, đối với mặt hàng A, mức phí thấp nhất để kiểm tra mặt hàng đó do các đơn vị đánh giá sự phù hợp thực hiện là 500 nghìn đồng, thì có thể đề xuất ngưỡng giá trị được miễn kiểm tra là 1 triệu đồng (gấp 2 lần). Đối với mặt hàng B có chi phí kiểm tra là 2 triệu đồng thì đề xuất ngưỡng giá trị miễn kiểm tra là 4 triệu đồng (có thể quy đổi từ ngưỡng giá trị sang ngưỡng số lượng/định lượng). Sử dụng phương pháp như vậy, cơ quan hải quan có thể đề xuất ngưỡng định lượng hàng hoá phải kiểm tra, sau đó trao đổi với cơ quan quản lý chuyên ngành để thống nhất con số cụ thể, đưa vào phụ lục Nghị định.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.