VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ

Thứ Năm 15:58 17-02-2022

Kính gửi: Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 8387/BCT-TTTN của Bộ Công Thương đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

  1. Về các loại chợ
  • Chợ mang tính truyền thống

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là “chợ mang tính truyền thống”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định nào giải thích cho khái niệm này. Vì vậy, sẽ rất khó để xác định phạm vi áp dụng của Nghị định.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định giải thích khái niệm “chợ mang tính truyền thống”.

  • Phân biệt các loại chợ

Điều 2 Dự thảo giải thích một số khái niệm về các loại chợ. Nhưng các tiêu chí để xác định các loại chợ lại không thống nhất, do đó rất khó để phân biệt các loại chợ với nhau. Ví dụ:

  • “Không có cư dân sinh sống” là đặc điểm để xác định “chợ dân sinh”, “chợ đầu mối” nhưng trong các khái niệm về “chợ tạm”, “chợ tự phát”, “chợ nông thôn”, “chợ đêm”, “chợ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc” lại không có đặc điểm này;
  • Yếu tố “quy hoạch” được xác định để phân biệt “chợ tạm”, “chợ tự phát”, “chợ đêm” nhưng lại không có trong các chợ còn lại. Do đó theo quy định này thì, “chợ tự phát”, “chợ tạm” cũng có thể là “chợ dân sinh” (vì “kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân”); cũng có thể là “chợ đầu mối” nếu các chợ này có “tập trung một lượng hàng hóa lớn”, nguồn để phân phối tới các chợ, các kênh lưu thông khác;
  • Đặc điểm “xây dựng kiên cố/bán kiên cố” được xác định đối với “chợ tạm” nhưng các chợ còn lại không thấy đề cập đến yếu tố xây dựng. Do đó, “chợ dân sinh”, “chợ đầu mối”, “chợ đêm” cũng có thể là “chợ tạm” nếu “chưa được xây dựng kiên cố/bán kiên cố”.

Tóm lại, quy định về giải thích từ ngữ rất quan trọng, nhằm xác định chính xác các loại chợ và chính sách tương ứng với mỗi loại chợ này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và điều chỉnh lại các quy định về giải thích từ ngữ để có thể phân biệt rõ ràng các loại chợ.

  • Một số quy định chưa rõ

Khoản 5 Điều 2 Dự thảo quy định “chợ tạm là chợ trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố/bán kiên cố hoặc khu vực được kinh doanh tạm tời có sự cho phép của chính quyền địa phương”. Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục để có được sự cho phép của chính quyền địa phương. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự, thủ tục này.

  1. Phân loại chợ (Điều 3)
  • Chưa phân định rõ giữa “chợ dân sinh” và “chợ đầu mối”

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Dự thảo thì “chợ dân sinh là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên”. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định các tiêu chí của chợ đầu mối: vị trí, quy mô (diện tích tối thiểu), các hạng mục công trình … Đây là những tiêu chí không khớp với chợ dân sinh hạng 1 quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại Điều 3 để đảm bảo thống nhất giữa các quy định trong Dự thảo.

  • Tiêu chí xác định “chợ đầu mối” chưa rõ ràng

Điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định các tiêu chí xác định chợ đầu mối. Tuy nhiên, một số khái niệm trong quy định này chưa thật rõ ràng, vì vậy rất khó để phân loại chính xác chợ đầu mối. Ví dụ: “quy mô lớn” (không rõ như thế nào được cho là quy mô lớn); “tác động xấu tới môi trường” được hiểu như thế nào?

Đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định theo hướng định lượng hoặc bỏ các khái niệm này.

  1. Một số quy định có tính chất tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho đối tượng áp dụng
  • Phê duyệt Nội quy chợ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo thì doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ phải trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt Nội quy chợ. Quy định này sẽ tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xét duyệt mới được phép áp dụng. Nội dung chính của nội quy chợ phần lớn đều dựa trên quy định pháp luật hiện hành, dù có hay không thì doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê đều phải tuân thủ. Do đó, không cần thiết cơ quan nhà nước phải xét duyệt Nội quy chợ.

Mặt khác, Điều 10 Dự thảo quy định về nội dung chính của Nội quy chợ. Doanh nghiệp có thể dựa vào quy định này để xây dựng nội quy. Cơ quan nhà nước có thể quản lý bằng hình thức hậu kiểm, nếu nhận thấy nội dung nào chưa phù hợp sẽ yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa.

Hơn nữa, xét về tính minh bạch, Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp được phê duyệt Nội quy chợ. Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng.

Từ các phân tích trên, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải xin phê duyệt Nội quy chợ quy định tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo.

  • Phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ

Điểm a khoản 1 Điều 11 Dự thảo quy định doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Các ngành nghề kinh doanh đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ và do các cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý. Việc bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/hợp tác tã kinh doanh khai thác sợ. Vì vậy, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện phê duyệt phương án kinh doanh là chưa phù hợp, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ và dường như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt khác, xét tính minh bạch, không rõ cơ quan nhà nước sẽ dựa vào tiêu chí gì để phê duyệt các phương án này? Trình tự thủ tục như thế nào?

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Dự thảo.

  1. Quản lý điểm kinh doanh tại chợ (Điều 11)

Khoản 4 Điều 11 Dự thảo quy định “Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân không vượt quá thời hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định”. Quy định này là chưa hợp lý trong trường hợp doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ. Các giao dịch về thuê địa điểm kinh doanh giữa doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Yêu cầu thời hạn sử dụng hoặc thuê địa điểm kinh doanh không vượt quá thời hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của hai bên. Về quản lý, Nhà nước đã có pháp luật về đất đai quản lý về đất xây dựng chợ; pháp luật về quy hoạch, xây dựng quản lý về vấn đề đầu tư, xây dựng chợ; pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm … quản lý về vấn đề kinh doanh trong chợ. Vì vậy, không cần thiết phải can thiệp vào những giao dịch của chủ thể quản lý với các thương nhân kinh doanh trong chợ.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân không vượt quá thời hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định” áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ.

  1. Quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ (Điều 12)

Khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định thương nhân kinh doanh tại chợ khi sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh còn trong thời hạn hợp đồng phải được sự chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh chợ.

Việc sang nhượng, cho thuê lại địa điểm kinh doanh là một dạng giao dịch tài sản, cần được tạo điều kiện để thu hút thương nhân kinh doanh tại chợ. Việc yêu cầu phải có chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh tại chợ sẽ khiến cho giao dịch gặp khó khăn, phức tạp hơn. Mặt khác, cũng không rõ đơn vị quản lý, kinh doanh tại chợ sẽ dựa vào căn cứ nào để chấp thuận hoặc từ chối. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của thương nhân kinh doanh tại chợ, khi lợi ích của mình lại phụ thuộc vào chủ thể khác.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định phải có sự chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh chợ quy định tại khoản 4 Điều 12 Dự thảo.

  1. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Điều 25)
  • Phân biệt hình thức “chuyển nhượng có thời hạn” và “cho thuê” khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Điều 24, 25 Dự thảo quy định về việc “cho thuê khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ” và “chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng chợ”. Đây là hai hình thức khai thác khác nhau tài sản kết cấu hạ tầng chợ. Tuy nhiên, theo quy định hai hình thức này rất khó với nhau phân biệt, cụ thể ở các điểm:

  • Đều là hình thức giao cho chủ thể khác khai thác kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định;
  • Bên nhận chuyển nhượng và bên thuê quyền khai thác có quyền và nghĩa vụ gần như tương đương nhau;
  • Trình tự, thủ tục để xác định các chủ thể nhận chuyển nhượng, thuê quyền khai thác là tương tự nhau.

Việc thiếu rõ ràng và khó phân biệt giữa hai hình thức giao tài sản, khiến cho việc triển khai sẽ gặp một số hạn chế như:

  • Không rõ trường hợp nào sẽ xác định cho thuê quyền khai thác tài sản, trường hợp nào là chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng?
  • Phân chia thành hai trường hợp này sẽ là không cần thiết, vì có tính chất giống nhau.

Để đảm bảo tính minh bạch và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định để phân biệt rõ ràng hai hình thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng trên.

  • Tính chất của hình thức chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng

Xét bản chất, chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng có thời hạn là chuyển giao quyền sở hữu cho bên nhận chuyển nhượng trong một thời hạn nhất định. Dựa trên tính chất này thì bên nhận chuyển nhượng có quyền sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng. Điều 25 Dự thảo lại không thể hiện điều đó. Điểm c khoản 10 Điều 25 Dự thảo quy định, bên nhận chuyển nhượng “không được chuyển nhượng, bán, tặng cho, thuế chấp, góp vốn” dường như chưa phù hợp. Quy định này ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của bên chuyển nhượng, nhất là khi họ muốn huy động vốn và hợp tác kinh doanh với đối tác để khai thác hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này và điểu chỉnh theo hướng, trong trường hợp chuyển nhượng lại tài sản kết cấu hạ tầng, bên nhận chuyển nhượng lại phải tuân thủ các điều kiện mà bên chuyển nhượng trước đó đã cam kết với bên chuyển nhượng ban đầu.

  1. Một số góp ý khác
  • “Hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ” (khoản 12 Điều 2): Dự thảo quy định “hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ …. được cơ quan có thẩm quyền giao kinh doanh, khai thác và quản lý chợ”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo, hợp tác xã không phải là một trong những đối tượng được cơ quan có thẩm quyền giao kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “được cơ quan có thẩm quyền giao” quy định tại khoản 12 Điều 2 Dự thảo.

  • Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Điều 29): Đề nghị bỏ quy định “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” vì không rõ ràng, có thể tạo ra rủi ro nhà đầu tư chợ;
  • Bán tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Điều 31): Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp Nhà nước bán tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.