VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
Kính gửi: Vụ Môi trường – Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 5297/BGTVT-MT ngày 06/06/2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng(thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 và Điều 4 Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Điều kiện vốn pháp định 50 tỷ đồng khi xin Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ
Điều 6.2.c của Dự thảo quy định điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ là phải có vốn pháp định 50 tỷ đồng. Để chứng minh doanh nghiệp có vốn 50 tỷ đồng, Điều 7.2.c quy định doanh nghiệp phải nộp kèm văn bản xác nhận vốn pháp định. Quy định như vậy không cần thiết và cũng không hợp lý.
- Thứ nhất, điều kiện này sẽ loại bỏ những doanh nghiệp nhỏ và vừa được quyền kinh doanh lĩnh vực này, trong khi chủ trương chung của Nhà nước là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Thứ hai, điều kiện kinh doanh yêu cầu vốn như vậy chỉ nên áp dụng cho những ngành nghề cần tính thanh khoản về tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
- Thứ ba, nguy cơ tác động đến lợi ích công cộng của hoạt động phá dỡ tàu biển nằm ở các tác động về môi trường, trong khi không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc doanh nghiệp có vốn lớn với việc doanh nghiệp sẽ bảo vệ môi trường tốt hơn.
- Thứ tư, việc yêu cầu vốn chỉ thông qua một văn bản xác nhận của ngân hàng rất dễ vượt qua, doanh nghiệp chỉ cần vay tiền đưa vào một tài khoản, lấy xác nhận của ngân hàng rồi sau đó rút tiền ra trả lại cho người cho vay.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại tính cần thiết của điều kiện về vốn pháp định khi cấp phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
- Liên thông thủ tục hành chính
Dự thảo hiện quy định 2 thủ tục hành chính là cấp (1) Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động và (2) Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ. Hai thủ tục này đều cấp cho một chủ thể, đều do Cục Hàng hải cấp. Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cơ chế liên thông hai thủ tục này theo hướng dẫn tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Thời hạn giấy phép nhập khẩu (khoản 2 điều 6 Dự thảo)
Điều 6.2 của Dự thảo quy định giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có thời hạn 5 năm.Quy định này không hợp lý và không cần thiết:
Thứ nhất, việc quy định thời hạn của Giấy phép này sẽ tăng rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm động lực để các doanh nghiệp đầu tư bài bản như xây dựng nơi sản xuất kiên cố, mua sắm máy móc hiện đại, đào tạo hoặc cho nhân sự đi đào tạo. Ví dụ, thời hạn Giấy phép 5 năm sẽ khiến doanh nghiệp chỉ tập trung mua sắm những loại máy móc cũ, máy móc giá trị thấp có thời gian khấu hao sử dụng từ 5 năm trở xuống mà không dám mạo hiểm mua sắm máy móc hiện đại hơn.
Thứ hai, việc quy định thời hạn giấy phép là không cần thiết. Trong trường hợp cơ quan nhà nước lo ngại tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ thì đã có các quy định về thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất và quy định xử lý, thu hồi giấy phép khi có vi phạm.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thời hạn giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
- Trình tự thực hiện mua tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng
Điều 11 của Dự thảo quy định trình tự thực hiện mua tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng gồm: (i) phê duyệt chủ trương; (ii) lập, phê duyệt dự án; (iii) lựa chọn tàu và các điều kiện liên quan; (iv) ra quyết định mua tàu. Trong khi đó, Điều 12 của Dự thảo lại quy định doanh nghiệp ngoài quốc doanh tự quyết định việc phê duyệt chủ trương, quyết định mua tàu biển mà không cần xin ý kiến của cơ quan nhà nước. Như vậy, được hiểu rằng doanh nghiệp ngoài quốc doanh được quyền tự quyết nhưng vẫn phải tuân thủ 4 bước tại Điều 11. Quy định như vậy là không cần thiết, can thiệp quá mức và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 11 và Điều 12 theo hướng các quy định về trình tự, thẩm quyền thực hiện việc mua tàu nước ngoài đã qua sử dụng để phá dỡ tại Nghị định này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.