VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định về nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện các hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng
Kính gửi: Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 3456/NHNN-TTGSNH ngày 13/05/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Điều kiện có phương án kinh doanh khả thi
Điều 7.4 của Dự thảo yêu cầu công ty thông tin tín dụng phải “có phương án kinh doanh khả thi”. Quy định này chưa minh bạch và không cần thiết. Về tính minh bạch, cơ quan nhà nước sẽ không có cơ sở nào để đánh giá phương án kinh doanh của doanh nghiệp là khả thi hay không khả thi. Về tính cần thiết, doanh nghiệp đã bỏ tiền kinh doanh thì họ là người nắm rõ nhất tính khả thi của phương án đầu tư kinh doanh của họ, cơ quan nhà nước không cần thiết phải đánh giá lại. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải “có phương án kinh doanh khả thi”.
- Điều kiện có 15 tổ chức tín dụng cam kết cung cấp thông tin
Điều 7.5 của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu 15 tổ chức tín dụng cam kết cung cấp thông tin và các tổ chức tín dụng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định cung cấp thông tin một cách độc quyền, bởi những lý do sau:
- Thứ nhất, quy định này sẽ tạo rào cản gia nhập thị trường vô cùng cao một cách không cần thiết cho các công ty mới muốn gia nhập thị trường cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng. Ví dụ, khi các tổ chức tín dụng đều đã cam kết cung cấp thông tin cho các công ty thông tin tín dụng đã tồn tại trên thị trường thì quy định này khiến công ty mới buộc phải thuyết phục được ít nhất 15 tổ chức tín dụng phá hợp đồng để chuyển sang công ty mới. Điều này rất khó xảy ra.
- Thứ hai, quy định này cũng không cần thiết vì khi một tổ chức tín dụng cam kết cung cấp thông tin cho hai công ty thông tin tín dụng thì cũng không gây tác hại đến xã hội và thị trường, thậm chí còn giúp thị trường phát triển tốt hơn. Khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ khiến các công ty thông tin tín dụng phải cải tiến công nghệ, quy trình quản lý để phục vụ các tổ chức tín dụng tốt hơn. Điều này có lợi cho sự phát triển về lâu dài của thị trường và cả về mặt công nghệ, dịch vụ xử lý dữ liệu. Ví dụ, sẽ có công ty kết hợp thông tin tín dụng và nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác để có thể giúp đưa ra tư vấn, đánh giá khách hàng tốt hơn cung cấp cho các tổ chức tín dụng.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
- Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận
Điều 10.1.l của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “Văn bản cam kết cung cấp thông tin tín dụng của các tổ chức tín dụng”. Việc yêu cầu nộp văn bản cam kết tại Điều 10.1.l là cần thiết và phù hợp với Điều 7 của Dự thảo về các điều kiện cấp phép.
Tuy nhiên, Điều 10.1.m yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “Văn bản thỏa thuận về việc thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa doanh nghiệp với tổ chức tín dụng đã cam kết cung cấp thông tin tín dụng”. Tài liệu này trùng lặp về mặt ý nghĩa với Văn bản cam kết tại Điều 10.1.l, vì cơ quan nhà nước cũng chỉ cần quan tâm xem tổ chức tín dụng có cam kết cung cấp thông tin không, chứ cũng không cần phải can thiệp chi tiết vào từng thoả thuận giữa các bên.
- Thời hạn trả lời thủ tục hành chính
Dự thảo chưa có quy định về thời gian trả lời tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Mặc dù vậy, phần “Phân công công việc” (đính kèm dự thảo) lại có nội dung: “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp nhận, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ”. Nội dung này cần phải được thể hiện vào trong Nghị định để doanh nghiệp được biết và áp dụng chứ không nên để ở phần phân công công việc nội bộ của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, khoảng thời gian xem xét về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ lên đến 05 ngày làm việc là quá dài so với nhiều thủ tục hành chính khác. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời gian xem xét, trả lời về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ vào Dự thảo Nghị định và giới hạn ở mức 1-2 ngày làm việc.
- Về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận
Điều 11 của Dự thảo quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận phải có: (1) trình bày rõ lý do bị mất, bị rách hoặc hư hỏng và (2) văn bản xác nhận của cơ quan công an trong trường hợp mất vì lý do khách quan. Quy định này là không cần thiết và gây khó khăn cho quá trình thực hiện, vì cơ quan công an có thể sẽ từ chối xác nhận hoặc cũng sẽ chỉ xác nhận dựa trên lời khai của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ quy định tại Điều 11.2.b của Dự thảo.
- Khai trương hoạt động (Điều 14 Dự thảo)
Dự thảo yêu cầu công ty thông tin tín dụng phải khai trương trong thời gian 12 tháng, nếu không sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận. Lý giải cho việc này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng do không có căn cứ xác định như thế nào là không thực hiện hoạt động thông tin tín dụng theo quy định tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP nên sử dụng căn cứ thời điểm khai trương hoạt động. Quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo công ty thông tin tín dụng nhanh chóng đi vào hoạt động sau khi đã đạt đủ các điều kiện cần thiết, tránh việc công ty nắm trong tay một lượng dữ liệu rất lớn nhưng không hoạt động, thậm chí có thể dùng làm vỏ bọc cho mục đích khác. Tuy nhiên, việc khai trương chỉ mang ý nghĩa về mặt hình thức, không có nhiều giá trị pháp lý, không phản ánh thực chất việc công ty có hoạt động hay không, và do đó đáp ứng được mục tiêu của quy định. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo, căn cứ vào thực tiễn hoạt động của công ty thông tin tín dụng, sửa đổi quy định về khai trương hoạt động theo hướng sử dụng một tiêu chí làm căn cứ xác định thời điểm hoạt động như thời điểm phát sinh giao dịch đầu tiên, thời điểm sử dụng dịch vụ lần đầu tiên…
- Về việc công bố thông tin (khoản 2 điều 14 Dự thảo)
Dự thảo yêu cầu công ty thông tin tín dụng phải công bố thông tin trong trường hợp cấp, cấp lại, chấp thuận thay đổi nội dung Giấy chứng nhận.Việc cấp lại Giấy chứng nhận không làm thay đổi hoạt động hay các thông tin quan trọng của công ty thông tin tín dụng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa quy định này như sau: “2. Công ty thông tin tín dụng thực hiện công bố thông tin liên quan đến việc cấp, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận…”
- Đối tượng sử dụng sản phẩm thông tin là các tổ chức tín dụng
Điều 18 của Dự thảo hiện đang giới hạn công ty thông tin tín dụng chỉ được cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đối tác cung cấp thông tin cho mình. Như vậy, khi một tổ chức tín dụng muốn đánh giá rủi ro của một khách hàng sẽ chỉ có thể tiếp cận thông tin từ công ty thông tin tín dụng mà mình đã hợp tác cung cấp thông tin, không thể tiếp cận thông tin từ các công ty thông tin tín dụng khác. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng dữ liệu thông tin tín dụng và gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng sẽ cho phép các công ty thông tin tín dụng được cung cấp thông tin cho các tổ chức tín dụng không phải là đối tác của mình. Trong trường hợp này, các công ty thông tin tín dụng có quyền quyết định chi phí, thời gian và các điều kiện cung cấp thông tin khác so với các đối tác của mình.
- Đối tượng sử dụng thông tin tín dụng là cơ quan nhà nước
Điều 18 của Dự thảo quy định cơ quan quản lý nhà nước là đối tượng sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng. Để đảm bảo bảo mật thông tin khách hàng, việc sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng của cơ quan quản lý nhà nước cần được quy định chặt chẽ, bao gồm các nội dung sau: (i) các trường hợp được yêu cầu sử dụng; (ii) trình tự, thủ tục yêu cầu sử dụng; (iii) quy trình cấp hoặc từ chối cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng quy định chi tiết việc sử dụng của các cơ quan này.
- Nghĩa vụ bảo mật thông tin của công ty thông tin tín dụng
Điều 22.2.a của Dự thảo yêu cầu công ty thông tin tín dụng phải xây dựng quy trình nội bộ về một số nội dung. Tuy nhiên, các nội dung này chưa bao gồm quy trình bảo mật, phòng tránh và xử lý sự cố công nghệ thông tin. Quy trình này rất cần thiết đối với các doanh nghiệp nắm giữ một khối lượng rất lớn dữ liệu của khách hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin và yêu cầu các công ty thông tin tín dụng phải xây dựng phương án, quy trình phòng tránh và xử lý sự cố công nghệ thông tin.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.