VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm

Thứ Năm 17:20 18-11-2021

Kính gửi:  Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 3572/BTP-ĐKGDBD ngày 11/10/2021 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, VCCI gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý ban đầu đối với Dự thảo như sau:

  1. Hiệu lực của đăng ký (Điều 5 Dự thảo)

Khoản 3 Điều 5 quy định “Việc đăng ký thay đổi không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký và không làm chấm dứt hiệu lực của việc đăng ký, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”.

Cùng Điều này, khoản 4 quy định các trường hợp mà thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản hoặc bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm “là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm”.

Về nguyên tắc, đăng ký giao dịch bảo đảm là việc ghi nhận chính thức các thông tin về giao dịch bảo đảm của các chủ thể, bao gồm cả thông tin được thay đổi. Do đó, cần thiết phải ghi nhận hiệu lực của đăng ký lần đầu và (các) đăng ký thay đổi sau đó nếu có. Đối với tất cả các trường hợp này, thời điểm có hiệu lực là thời điểm ghi sổ hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định: nếu đã thuộc trường hợp phải đăng ký thay đổi thì ghi rõ hiệu lực cả lần đăng ký đầu và lần thay đổi. Trường hợp không phải đăng ký thay đổi mà các bên vẫn đăng ký theo nhu cầu cũng áp dụng cách tính tương tự.

  1. Các trường hợp từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 6 Dự thảo)

VCCI nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng góp ý về quy định này với mong muốn làm rõ các quy định, tạo thuận lợi cho việc hiểu và áp dụng, cụ thể như sau:

  • Điểm b, khoản 1, Điều 6 quy định về trường hợp cơ quan quản lý được phép từ chối đăng ký là: b) Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận…”.

Ý kiến của doanh nghiệp cho rằng quy định “thông tin trong hồ sơ đăng ký” là quá rộng. Hồ sơ đăng ký gồm nhiều loại khác nhau  (Phiếu đăng ký, Hợp đồng bảo đảm, Văn bản uỷ quyền, Giấy tờ khác có liên quan đến tài sản…) nên để xác định thông tin nào không phù hợp là không rõ ràng. Cơ quan quản lý dễ tuỳ tiện trong việc áp dụng khi có thể dựa vào các thông tin không thiết yếu cho việc cấp đăng ký hay không?

  • Bổ sung dẫn chiếu cụ thể cho điểm h, khoản 1 Điều 6: “Trường hợp khác mà luật quy định cơ quan đăng ký không thực hiện việc đăng ký” là bao gồm quy định ở các văn bản nào. Nếu không làm rõ, đề nghị Ban soạn thảo bỏ điểm này khỏi Dự thảo.
  • Bổ sung: “trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 38 và Điều 43 Nghị định này” vào điểm c khoản 1 Điều này, để bảo đảm tính thống nhất với các trường hợp ngoại lệ quy định tại điểm b cùng khoản này.
  • Về việc ghi rõ lý do, căn cứ trong văn bản từ chối đăng ký được quy định tại khoản 2 Điều 6: thực tế cho thấy có trường hợp cán bộ trả hồ sơ chỉ trả lời lý do bằng miệng hoặc viết trực tiếp nội dung cần sửa trên Phiếu yêu cầu đăng ký. Việc này là trái với quy định nhưng là thực trạng vẫn đang xảy ra ở một số địa phương. Vì vậy, doanh nghiệp cho rằng rất cần thiết phải bổ sung: (1) chế tài đối với việc ban hành văn bản từ chối đăng ký không ghi rõ lý do, căn cứ từ chối (2) quyền của người yêu cầu đăng ký được đề nghị cơ quan đăng ký trả lời bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do căn cứ cụ thể cho việc từ chối đăng ký vào khoản 1 Điều 9 Dự thảo.
  1. Thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin (Điều 11 Dự thảo)

Theo Điều này, Văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền đăng ký đối với đất và tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 36 và điểm a, b, đ, g khoản 1 Điều 59. Điểm c khoản 1 Điều 59 cũng quy định về tài sản gắn liền với đất nhưng không thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai, cụ thể là: “Đăng ký thoả thuận về về việc dùng tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký và cũng chưa được đăng ký theo yêu cầu để bảo đảm nghĩa vụ”.

Tuy nhiên, rà soát các khoản tiếp theo của Điều 11 và các quy định khác trong dự thảo, trường hợp này cũng không thuộc thẩm quyền của Trung tâm đăng ký giao dịch hay cơ quan nào khác. Trong khi đó, khoản 3 Điều 37 Dự thảo lại quy định đây là trường hợp mà “Văn phòng Đăng ký từ chối đăng ký”. Cách quy định này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hiểu và áp dụng.

Vì vậy, Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các bên có quyền đăng ký trong trường hợp này hay không và đăng ký với cơ quan nào. Có thể sửa đổi theo hướng cho phép cùng đăng ký đất và tài sản gắn liền với đất (không phân biệt có buộc phải đăng ký hay không) tại Văn phòng đăng ký nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện quản lý nhất quán hơn cho cơ quan nhà nước.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin (Điều 12 Dự thảo)

            Dự thảo đã bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan đăng ký khi vi phạm nguyên tắc đăng ký. Đây là quy định hợp lý, giúp tăng cường trách nhiệm của các cơ quan này trong quá trình thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của quy định này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung:

  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan đăng ký trong trường hợp các bên đã đăng ký mới phát hiện thuộc trường hợp phải từ chối;
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan cung cấp thông tin trong trường hợp vi phạm nguyên tắc, nghĩa vụ có liên quan;
  • Chỉ hướng dẫn một lần về tất cả các thông tin cần bổ sung, chỉnh sửa trong hồ sơ đăng ký cho người đăng ký được biết, tránh trường hợp yêu cầu sửa đi sửa lại nhiều lần, gây tốn kém chi phí.
  1. Quy định về trường hợp Chi nhánh, Phòng giao dịch là bên yêu cầu đăng ký:

Ý kiến của doanh nghiệp căn cứ quy định của Bộ luật dân sự và Luật doanh nghiệp cho rằng chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Do đó, về bản chất bên nhận bảo đảm là pháp nhân chứ không phải chi nhánh và cần thiết phải thể hiện thông tin của pháp nhân trong đăng ký. Việc này không làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước. Về quan điểm này, Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về thông tin của pháp nhân uỷ quyền cho chi nhánh, phòng giao dịch hoặc các chủ thể khác được uỷ quyền để bảo đảm chính xác, đầy đủ và thống nhất về thông tin;

Ngoài ra, thực tế hoạt động của các ngân hàng cho thấy trong một số trường hợp Phòng giao dịch cũng là chủ thể thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm khi được uỷ quyền. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hướng dẫn trong trường hợp Phòng giao dịch thực hiện việc đăng ký theo uỷ quyền của tổ chức tín dụng.

  1. Người yêu cầu cung cấp thông tin

Theo quy định và thực tế hoạt động hiện nay, việc tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm của cá nhân, tổ chức đã mở rộng cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Mặc dù vậy, cách thể hiện trong Dự thảo chưa thực sự làm rõ tinh thần này. Để tạo cách hiểu rõ ràng hơn cho các chủ thể, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số điểm sau:

  • Bổ sung định nghĩa về người yêu cầu cung cấp thông tin theo hướng bao gồm tất cả các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về tài sản (bất động sản, động sản, giao dịch có giá trị bảo đảm khác), về cá nhân, tổ chức khác trong hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm;
  • Quy định rõ Phiếu yêu cầu thông tin chỉ áp dụng với trường hợp yêu cầu trực tiếp tại cơ quan đăng ký. Đối với việc tra cứu thông tin thực hiện trên Hệ thống tra cứu trực tuyến thì cá nhân, tổ chức không phải khai bất kỳ thông tin nào và không phải trả phí, trừ trường hợp yêu cầu cấp Giấy chứng nhận cung cấp thông tin;
  • Quy định rõ nội dung thông tin mà cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu bằng cách sắp xếp lại Điều 55 và 56 Dự thảo, có thể theo hướng gộp lại thành một Điều về nội dung, phương thức yêu cầu cung cấp thông tin như sau:
    1. (khoản 1 Điều 66): nội dung về giao dịch bảo đảm đã đăng ký (bao gồm: bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thời gian đăng ký/thay đổi, tài sản đăng ký)
    2. (khoản 2 Điều 55)
    3. (khoản 3 Điều 55)
    4. (khoản 1 Điều 55) (đây chỉ là các thông tin liên quan đến văn bản pháp luật, trình tự, thủ tục, phí…nên không cần thiết phải đưa lên đầu Chương V và cũng không phù hợp với nội dung quy định tại khoản 2, 3 Dự thảo hiện tại)
    5. (khoản 2 Điều 66).
  1. Về thay đổi người đại diện của người yêu cầu đăng ký (Điều 17 Dự thảo):

Khoản 3 Điều này quy định:3. Trường hợp có sự thay đổi người đại diện của người yêu cầu đăng ký trong thực hiện các thủ tục đăng ký liên quan đến cùng biện pháp bảo đảm thì chữ ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký, giấy tờ, tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký là chữ ký của người đại diện hợp pháp tại thời điểm thực hiện thủ tục đăng ký…”.

Tuy nhiên, không rõ “sự thay đổi” này là quy định cho trường hợp nào: thay đổi người đại diện trong khoảng thời gian ký kết giao dịch bảo đảm và thời gian đăng ký giao dịch, dẫn đến khác biệt giữa chữ ký của người đại diện ở hợp đồng bảo đảm và chữ ký của người đại diện mới trên Phiếu yêu cầu đăng ký? hay là thay đổi người đại diện sau khi đã hoàn thành việc đăng ký giao dịch bảo đảm trước đó rồi?

Theo ý kiến doanh nghiệp, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu rằng chữ ký bắt buộc phải có là chữ ký của người đại diện tại thời điểm đăng ký ban đầu, sẽ không hợp lý đối với trường hợp thay đổi người đại diện sau đăng ký.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này thành: “…là chữ ký của người đại diện hợp pháp tại thời điểm thực hiện thủ tục” không phân biệt thủ tục đăng ký lần đầu hay thủ tục đăng ký thay đổi.

  1. Về các trường hợp đăng ký thay đổi (Điều 22 Dự thảo)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các điểm sau:

  • Bỏ Điểm a khoản 1 Điều 22 quy định phải đăng ký thay đổi khi “thay đổi số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm trong trường hợp số giấy tờ này là tiêu chí tìm hiểu, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm” vì quy định này không hợp lý, có thể gây gia tăng thủ tục và cách áp dụng không thống nhất. Thay đổi số lượng giấy tờ không phản ánh thay đổi về tư cách pháp lý của các bên. Do đó, rất khó để xác định trường hợp nào số lượng giấy tờ trở thành tiêu chí tìm hiểu, cung cấp thông tin;
  • Bổ sung điều khoản về các trường hợp không phải đăng ký thay đổi để tăng tính chặt chẽ của quy định;
  • Xem xét lại tính thống nhất giữa các quy định về “rút bớt tài sản bảo đảm” giữa điểm c khoản 1, khoản 4 Điều 22 và khoản 3 Điều 25 Dự thảo vì không rõ trường hợp này phải thay đổi đăng ký hay là xoá đăng ký. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa theo hướng chỉ quy định xoá một phần nội dung đã được đăng ký, bỏ các khoản điểm tại Điều 22, chỉ giữ lại khoản 3 Điều 25.
  1. Về thời hạn giải quyết hồ sơ

Dự thảo hiện tại chỉ quy định thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký và hồ sơ cung cấp thông tin (Điều 20) mà chưa có quy định nào về thời hạn giải quyết đăng ký thay đổi, và/hoặc thông báo về việc xoá, huỷ đăng ký và chỉnh lý thông tin có sai sót. Đây là nội dung cần thiết, bảo đảm quyền về thông tin của các bên. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung:

  • Thời hạn trả lời kết quả hồ sơ đăng ký bổ sung;
  • Thời hạn thông báo cho người yêu cầu đăng ký khi phát hiện thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký;
  • Thời hạn thông báo cho người yêu cầu, các bên liên quan khi xoá đăng ký tương tự với quy định tại khoản 3 Điều 26 Dự thảo về huỷ đăng ký.
  1. Một số góp ý khác:
  • Về hoạt động của hệ thống đăng ký trực tuyến (Điều 31 Dự thảo): Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung hướng dẫn: trường hợp cần hỗ trợ về sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến, cá nhân, tổ chức liên hệ với đơn vị nào.
  • Về công khai thông tin (Điều 65 Dự thảo): khoản 3 Điều này quy định thời hạn Văn phòng đăng ký đất đai phải gửi thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường là 05 ngày. Tuy nhiên, dựa trên các quy định khác về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý cùng trong Nghị định này cho thấy thời hạn này có thể rút ngắn hơn, chậm nhất là sau 01 ngày, nếu không thể tự động cập nhật ngay tại thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm.
  • Về tiêu chí tìm hiểu, cung cấp thông tin (Điều 67 Dự thảo): bổ sung trường hợp tổ chức nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài thì tiêu chí là mã số thuế hoặc số giấy phép đầu tư.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Ngoài ra, gửi kèm theo đây các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội gửi về VCCI góp ý cho Dự thảo, rất mong quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.