VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Thứ Tư 09:11 25-11-2020

Kính gửi: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 3461/BTP-ĐKGDBĐ của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
  • Khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định “Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất””.

Quy định này chưa bao quát được hết các tài sản gắn liền với đất trên thực tế, đó là tài sản gắn liền với đất thuộc dự án không phải là nhà ở. Do đó đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khoản 3 Điều 3 theo hướng “Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng thuộc dự án bất động sản; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất”.

  • Khoản 13 Điều 3 Dự thảo quy định “Thời hạn hợp lý là khoảng thời gian để các bên trong biện pháp bảo đảm hoặc người khác có quyền, lợi ích liên quan có thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong điều kiện bình thường”. Quy định này đã loại bỏ trường hợp “thời hạn hợp lý” được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Điều này là chưa phù hợp vì đây là một giao dịch dân sự, các bên có thể thỏa thuận về các điều khoản, trong đó cả thời hạn hợp lý để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến biện pháp bảo đảm. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng “Thời hạn hợp lý là khoảng thời gian do các bên thỏa thuận hoặc các bên trong biện pháp bảo đảm hoặc người khác có quyền, lợi ích liên quan có thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong điều kiện bình thường”.

  1. Về áp dụng biện pháp bảo đảm (Điều 5)
  • Khoản 1 Điều 5 quy định “Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm bằng một hoặc nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp được bảo đảm bằng nhiều biện pháp bảo đảm mà việc thực hiện trước một hoặc một số biện pháp đã đủ để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm thì không thực hiện biện pháp còn lại.”

Quy định này là chưa rõ ở các điểm:

  • Trong trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều biện pháp bảo đảm, thứ tự xử lý tài sản bảo đảm như thế nào? Theo thứ tự thời gian nhận tài sản bảo đảm hay theo giá trị tài sản hay theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm? Bên nhận bảo đảm có quyền được lựa chọn các biện pháp bảo đảm để xử lý không?
  • Trong trường hợp một biện pháp đã đủ để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm thì hiệu lực pháp lý của các biện pháp còn lại như thế nào? Có chấm dứt không? Việc xử lý tiếp theo sẽ như thế nào?

Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  • Khoản 2 Điều 5 quy định “Trường hợp không có thỏa thuận rõ ràng về biện pháp bảo đảm được áp dụng nhưng nội dung thỏa thuận phù hợp với một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Dân sự, trừ cầm giữ thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với thỏa thuận đó”.

Quy định này chưa giải quyết cho trường hợp không xác định được nội dung thỏa thuận phù hợp với bất kì biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nào quy định tại Bộ luật Dân sự hoặc có sự giao thoa giữa các biện pháp bảo đảm khiến cho việc rất khó xác định chính xác là biện pháp bảo đảm nào thì xử lý như thế nào? Áp dụng quy định nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

  1. Về truy đòi tài sản bảo đảm (Điều 7)
  • Điểm b khoản 3 quy định người nhận chuyển nhượng không phải trả lại tài sản cho bên nhận bảo đảm trong trường hợp “tài sản được chuyển nhượng tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Quy định này được hiểu, trường hợp tài sản bảo đảm (đang được bảo đảm tại Ngân hàng A) mà khách hàng thực hiện chuyển nhượng cho người khác và người này lại dùng tài sản này để bảo đảm tại Ngân hàng B thì Ngân hàng A không có quyền yêu cầu Ngân hàng B trả lại tài sản. Quy định này là chưa đảm bảo quyền lợi cho bên nhận bảo đảm ban đầu và có thể nảy sinh tranh chấp. Để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về quyền yêu cầu được xử lý tài sản, truy đòi và ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm ban đầu.
  • Điểm d khoản 3 quy định người nhận chuyển nhượng không phải trả lại tài sản cho bên nhận bảo đảm trong trường hợp “bên nhận bảo đảm đã nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc tài sản bảo đảm được chuyển nhượng cho người khác nhưng không có ý kiến phản đối trong thời hạn pháp luật quy định”. Không rõ văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể về thời hạn này trong Dự thảo hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định.
  1. Thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm do bán hoặc chuyển giao quyền yêu cầu thanh toán, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu khác hoặc nghĩa vụ khác (Điều 12)

Khoản 2 Điều 12 quy định “trường hợp bên có nghĩa vụ được bảo đảm bán hoặc chuyển giao nghĩa vụ của mình cho người khác thì biện pháp bảo đảm chấm dứt”. Quy định này cần phải được xem xét lại ở điểm: trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm được bán hoặc chuyển giao cho người khác và người mua hoặc người nhận chuyển giao không có tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ này thì từ nghĩa vụ được bảo đảm chuyển thành nghĩa vụ không được bảo đảm. Như vậy, quyền lợi của bên nhận bảo đảm sẽ không được bảo vệ.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định theo hướng, nếu bên có nghĩa vụ chuyển giao nghĩa vụ của mình cho người khác thì sẽ không đương nhiên chấm dứt biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp bên nhận chuyển giao nghĩa vụ dùng tài sản bảo đảm khác để bảo đảm và được sự đồng ý của Bên nhận bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm đồng ý.

  1. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan đến cá nhân, pháp nhân nước ngoài (Điều 13)

Quy định tại Dự thảo vẫn còn chung chung và chưa bao quát được hết các trường hợp trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bổ sung quy định về việc chuyển giao tài sản bảo đảm trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ cho Tổ chức nước ngoài. Bởi vì, một số loại tài sản theo quy định pháp luật Việt Nam chỉ được thế chấp tại TCTD Việt Nam (như quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất) hoặc một số tài sản như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam hoặc trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp Việt Nam phát hành có quy định hạn chế về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài vậy khi bán nợ thì cơ chế chuyển giao biện pháp bảo đảm tương ứng của khoản nợ sẽ xử lý như thế nào? Dự thảo cần quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện;
  • Bổ sung quy định trường hợp người không cư trú dùng tài sản của mình tại nước ngoài bảo đảm cho: (i) Nghĩa vụ của mình tại Việt Nam; ii) Nghĩa vụ của bên thứ 3 là người cư trú trong giao dịch với người cư trú khác tại Việt Nam.
  • Bổ sung quy định cho trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam dùng tài sản của mình tại Việt Nam để bảo đảm cho: i) Nghĩa vụ của mình với bên thứ 3 là người không cư trú trong giao dịch ở nước ngoài; ii) Nghĩa vụ của bên thứ 3 là người không cư trú trong giao dịch ở nước ngoài với người không cư trú khác.
  1. Mô tả tài sản bảo đảm (Điều 15)
  • Khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định:

2. Tài sản bảo đảm là vật đặc định phải được mô tả cụ thể về dấu hiệu đặc định của vật; là vật đồng bộ phải được mô tả các dấu hiệu cụ thể của các phần, các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể của vật đồng bộ; là vật có vật phụ thì phải mô tả được vật phụ gắn với vật.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 295 Bộ luật dân sự: “Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.”. Việc mô tả tài sản theo đó không bắt buộc phải mô tả cụ thể, việc ràng buộc bên nhận bảo đảm phải mô tả cụ thể về tài sản gây khó khăn và rủi ro cho bên nhận bảo đảm. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Dự thảo.

  • Khoản 5 Điều 15 Dự thảo quy định:

Tài sản bảo đảm là kho hàng phải được mô tả cụ thể địa chỉ của kho hàng, giá trị thành tiền của hàng hóa trong kho.

Quy định như trên có thể gây nhầm lẫn với tài sản bảo đảm là bất động sản (kho chứa) với tài sản là hàng hoá trong kho. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại Khoản 5 Điều 15 Dự thảo theo hướng quy định “Tài sản bảo đảm là một phần hoặc toàn bộ hàng hoá trong kho”.

  1. Đầu tư vào tài sản thế chấp (Điều 22)

Khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định trường hợp đầu tư vào tài sản bảo đảm như sau “trường hợp bên thế chấp, người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp để làm phát sinh một tài sản độc lập với tài sản thế chấp thì phần tài sản hình thành sau đầu tư trở thành tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận”. Quy định được hiểu, trường hợp khách hàng đầu tư vào tài sản thế chấp để hình thành nên tài sản mới, ví dụ: khách hàng xây nhà, công trình trên đất đã thế chấp thì nhà, công trình trên đất chỉ trở thành tài sản bảo đảm khi có sự thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 318 BLDS 2015 quy định “trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do đó, theo quy định này, trường hợp khách hàng thế chấp quyền sử dụng đất thì mặc nhiên tài sản gắn liền với đất (nếu có) cũng sẽ thuộc tài sản thế chấp.

Như vậy, quy định tại Dự thảo đang chưa thống nhất với BLDS, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại để đảm bảo tính nhất quán.

  1. Hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba (Điều 24)
  • Thời điểm có hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 thì thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật và bên nhận bảo đảm đã xác lập quyền đối với tài sản bảo đảm.

Khoản 2 Điều 24 quy định một số trường hợp thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm phát sinh từ thời điểm được đăng ký cơ quan có thẩm quyền.

Có thể thấy, thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đang quy định khác nhau giữa khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Dự thảo. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại khoản 2 Điều 24 Dự thảo theo hướng hợp đồng bảo đảm của các trường hợp sau phát sinh hiệu lực từ thời điểm được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

  • Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Dự thảo (và các nội dung khác của Dự thảo) thì đối với tài sản là “tài sản gắn liền với đất” sẽ dùng biện pháp bảo đảm là “cầm cố”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 326 “Thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất” Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) thì đối với tài sản bảo đảm là “tài sản gắn liền với đất” thì biện pháp bảo đảm sẽ là “thế chấp”, không phải “cầm cố”. Đồng thời theo thông lệ hiện nay việc nhận tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất cũng là thế chấp chứ không phải cầm cố, do đó đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại về nội dung này để đảm bảo tính thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự.
  • Khoản 7 Điều 24 quy định “trường hợp hợp đồng bảo đảm chấm dứt nhưng biện pháp bảo đảm chưa được xóa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì việc đăng ký này vẫn còn hiệu lực”. Quy định này được hiểu dù hợp đồng bảo đảm chấm dứt nhưng chưa được xóa đăng ký thì vẫn còn hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Điều này chưa phù hợp vì hợp đồng bảo đảm chấm dứt thì quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan đến hợp đồng cũng đồng thời chấm dứt. Việc đăng ký chỉ là thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước, không thể can thiệp vào tính chất của hợp đồng. Do đó, để đảm bảo tính hợp lý và tinh giản thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng trường hợp hợp đồng bảo đảm chấm dứt thì việc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền sẽ tự động chấm dứt.
  1. Trường hợp bên bảo đảm là người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Điều 29)

Khoản 3 Điều 29 Dự thảo quy định việc đại diện trong xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm phải đáp ứng các điều kiện:

  • Có căn cứ chứng minh là vì lợi ích của người được đại diện (điểm a): Không rõ căn cứ nào chứng minh được điều này?
  • Đã xem xét nguyện vọng của người được đại diện của người chưa thành niên từ đủ 09 tuổi trở lên (điểm b): nguyện vọng này có cần được lập thành văn bản không?
  • Người đại diện theo pháp luật là cha mẹ thì giữa cha mẹ phải có thỏa thuận (điểm d): thỏa thuận ở đây là về nội dung gì? Có cần phải lập thành văn bản không?

Để đảm bảo thuận lợi thực hiện trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  1. Phương thức xử lý, lựa chọn tài sản để xử lý (Điều 54)

Khoản 1 Điều 54 Dự thảo quy định “Thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp phải tuân thủ quy định của luật về giới hạn việc thực hiện quyền của bên nhận bảo đảm trong nhận chính tài sản cầm cố, thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ, trong trao đổi tài sản cầm cố, thế chấp bằng tài sản khác hoặc giới hạn khác”.

Theo quy định tại Điều 303 BLDS có các phương thức xử lý sau:

Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

  1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
  2. a) Bán đấu giá tài sản;
  3. b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
  4. c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
  5. d) Phương thức khác.
  6. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Dự thảo chưa hướng dẫn các phương thức xử lý tài sản bảo đảm bằng biện pháp bên nhận tài sản tự bán tài sản, bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Thiếu các quy định về cách thức để xác định giá trị tài sản khi xử lý, cách thức lựa chọn Đơn vị đấu giá bán tài sản khi Bên bảo đảm cố tình không hợp tác thoả thuận lựa chọn Đơn vị thẩm định giá, Đơn vị đấu giá tài sản.

Đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bổ sung quy định chi tiết về phương thức bên nhận thế chấp bán tài sản, bên nhận bảo đảm nhận tài sản theo Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-NHNN
  • Bổ sung quy định về xác định giá trị tài sản, lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản, lựa chọn Đơn vị đấu giá tài sản khi các bên không có thoả thuận xử lý tài sản.
  1. Một số góp ý khác
  • Giấy tờ có giá, số dư trong tài khoản ngân hàng, chứng khoán, tài sản được bảo hiểm (Điều 19)

Khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định về số dư tài khoản ngân hàng như sau:

2. Số dư tiền gửi trên tài khoản, số dư tiền gửi tiết kiệm trên thẻ tiết kiệm, tiền gửi theo hợp đồng gửi tiền được dùng để bảo đảm.

Quy định này là chưa phù hợp với quy định nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước về tài khoản, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn. Cách quy định này gây khó khăn trong việc xác định chính xác tài sản bảo đảm. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại theo hướng: “Số dư trên tài khoản thanh toán, số dư tiền gửi tiết kiệm, số dư tiền gửi theo thoả thuận tiền gửi được dùng để bảo đảm”.

  • Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản chung của vợ chồng (Điều 30): Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định đối với trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng các tài sản chung khác của vợ chồng ngoài quy định tại khoản 1 nêu trên thì Dự thảo hiện chưa quy định.
  • Giữ tài sản cầm cố (Điều 33): Khoản 2 Điều 33 Dự thảo quy định “bên nhận cầm cố có thể thỏa thuận với bên cầm cố về việc tài sản cầm cố được giữ tại bên cầm cố”, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trách nhiệm, rủi ro về tài sản của các bên phải chịu để tránh tranh chấp trên thực tế.
  • Phương thức xử lý, lựa chọn tài sản để xử lý, thời hạn xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (Điều 54): Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ giá thị trường quy định tại khoản 3 là do hai bên thỏa thuận hay bên thứ ba xác định?

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra, VCCI gửi kèm theo đây các ý kiến của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.