VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện

Thứ Sáu 17:46 27-11-2020

Kính gửi:    Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 7658/BCT-ATMT ngày 12/10/2020 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Thỏa thuận xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không

Điều 17 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục thỏa thuận xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định xử lý trong trường hợp chủ đầu tư công trình không đồng ý với văn bản không thỏa thuận của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp. Không rõ chủ đầu tư xây dựng công trình có thể đề nghị cơ quan hoặc tổ chức nào để xem xét tính hợp pháp, hợp lý của văn bản không thỏa thuận của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này.

  1. Kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ, vật liệu điện

Chương VI Dự thảo quy định về việc kiểm định an toàn kỹ thuật với các thiết bị, dụng cụ, vật liệu điện. Tuy nhiên, các quy định này dường như không có căn cứ pháp lý để ban hành. Lý do là vì Điều 2.1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP bãi bỏ quy định tại Điều 24.1.d Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc ban hành quy định hướng dẫn việc tổ chức kiểm định chất lượng các thiết bị, dụng cụ và sản phẩm điện về tiêu chuẩn an toàn.[1] Trong khi đó, Điều 11 Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015 quy định văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ pháp lý để ban hành các quy định tại Chương VI Dự thảo. Trong trường hợp không giải trình được, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định này.

Trong trường hợp giải trình được, các quy định về đăng ký hoạt động kiểm định các thiết bị, dụng cụ, vật liệu điện của tổ chức kiểm định từ Điều 23 – 25 Dự thảo là trùng lặp và không thống nhất với các văn bản pháp luật khác, cụ thể:

Các quy định về đăng ký hoạt động kiểm định là các điều kiện kinh doanh.

  • Về mặt nội dung: Điều 23 Dự thảo quy định các tổ chức kiểm định phải đáp ứng được để thực hiện hoạt động kiểm định thiết bị, dụng cụ, vật liệu điện, trong đó có các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất (trang thiết bị, nhà xưởng, hệ thống quản lý chất lượng). Các điều kiện được quy định tại Dự thảo là các điều kiện mà các cơ sở phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động kiểm định, và do vậy, được coi là các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 2.7 Nghị định 118/2015/NĐ-CP;
  • Về mặt hình thức: Kết quả của việc xem xét các điều kiện này là văn bản thông báo đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm định, cũng là một trong các hình thức điều kiện đầu tư kinh doanh theo Điều 9.2.e Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Trong khi đó, các tổ chức đánh giá sự phù hợp (có kinh doanh dịch vụ kiểm định) đã phải đáp ứng điều kiện kinh doanh được quy định tại Điều 25.5 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 và Điều 9 Nghị định 107/2016/NĐ-CP.

Như vậy, cùng một hoạt động kiểm định, nhưng doanh nghiệp lại phải chịu hai nhóm quy định về điều kiện kinh doanh khác nhau được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Dự thảo này. Việc này không phù hợp với chủ trương cắt giảm thực chất các điều kiện về đầu tư kinh doanh tại Nghị quyết 02/2020 của Chính phủ.

Mặc khác, vì các quy định trên có dạng là các điều kiện kinh doanh nên không thể ban hành dưới dạng Thông tư của Bộ trưởng (do Điều 7.3 Luật Đầu tư 2014 nghiêm cấm Bộ, cơ quan ngang bộ không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh).

Vì những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Các nội dung tương tự các nội dung trong Chương VI Dự thảo hiện đang được quy định trong Thông tư 33/2015/TT-BCT, được ban hành căn cứ theo tại Điều 24.1.d Nghị định 14/2014/NĐ-CP.