VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi về biểu thuế xuất nhập khẩu
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 3622/BTC-CST ngày 24/02/2025 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Thuế xuất khẩu với sản phẩm tài nguyên khoáng sản chế biến sâu
Phụ lục I Nghị định 26/2023/NĐ-CP quy định về biểu thuế xuất khẩu, trong đó có thuế xuất khẩu với các sản phẩm tài nguyên khoáng sản (TNKS). Mục tiêu của thuế xuất khẩu với sản phẩm TNKS nhằm hạn chế xuất khẩu các tài nguyên thô, thúc đẩy các hoạt động chế biến sâu. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, cách thiết kế quy định hiện tại chưa phù hợp. Danh mục xây dựng theo phương pháp liệt kê mã HS mà không phân biệt sản phẩm TNKS thô hay đã chế biến sâu. Cách thiết kế như vậy khiến các sản phẩm chế biến sâu cũng chịu thuế giống như các sản phẩm thô, tạo ra sự thiếu công bằng trong chính sách thuế. Đồng thời, quy định như vậy cũng không phù hợp với định hướng phát triển nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại, hạn chế tối đa xuất khẩu, thúc đẩy chế biến sâu, gia tăng giá trị theo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, việc rà soát, tách riêng mã HS và giảm thuế xuất khẩu với các sản phẩm TNKS chế biến sâu là vô cùng cần thiết.
Cụ thể, đề nghị cơ quan soạn thảo giảm thuế xuất khẩu từ 5% xuống 0% đối với sản phẩm bismuth và các sản phẩm làm từ bismuth chứa hàm lượng Bi > 70% (mã HS 8106.90.10.90); giảm thuế xuất khẩu từ 10% xuống 0% với sản phẩm fluorspar cấp axit có hàm lượng CaF2 > 97% (mã HS 2529.22.00).
Việt Nam hiện sở hữu trữ lượng khoáng sản fluorit lớn thứ 5 thế giới và khoáng sản bismuth lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, quy mô các ngành công nghiệp trong nước còn nhỏ nên các sản phẩm TNKS từ các mỏ khoáng sản này chủ yếu phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, sản phẩm Fluospar cấp axit (hàm lượng CaF2>97%) có quy mô thị trường thế giới lên tới 2.1 tỷ USD (năm 2023), nhưng trong nước chỉ có thể tiêu dùng Fluorit cấp luyện kim (hàm lượng CaF2 65% -85%) làm chất gây cháy trong sản xuất thép, nhôm. Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Đức, Bỉ, Úc, Mexico, Canada, Nam Phi… Trong khi các quốc gia này áp dụng thuế xuất khẩu 0%, doanh nghiệp Việt Nam lại chịu mức thuế 5% – 10% cùng với quy định không được hoàn thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2025, làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng thị trường cũng như thu hút đầu tư vào chế biến sâu.
Việc điều chỉnh thuế xuất khẩu về 0% không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị phần, mà còn phù hợp với định hướng chính sách của Chính phủ về phát triển công nghiệp khoáng sản bền vững. Theo Quyết định 334/QĐ-TTg, Chính phủ đã đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản theo hướng hiện đại, hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô và thúc đẩy chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Các sản phẩm bismuth và fluorspar tinh chế đã được Bộ Công Thương xác nhận là sản phẩm khác, thuộc nhóm khuyến khích xuất khẩu, do đó cần được áp dụng thuế suất 0% để tạo động lực phát triển ngành chế biến khoáng sản trong nước.
Đồng thời, việc áp dụng mức thuế suất 0% từ ngày 1/7/2025 sẽ hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội thị trường, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung ngoài Trung Quốc.
Tóm lại, việc sửa đổi chính sách thuế xuất khẩu không chỉ tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao nội lực, mở rộng đầu tư vào chế biến sâu mà còn góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, tận dụng tối đa cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong những năm tới.
- Mặt hàng khô dầu đậu tương
Khô dầu đậu tương (Soybean meal) là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu mặt hàng này, với kim ngạch lớn thứ 3 thế giới[1] do nước ta không có lợi thế sản xuất mặt hàng đậu tương. Hoa Kỳ là một trong các quốc gia Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này nhiều nhất, đứng thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2024.
Theo kết cấu phiên bản HS 2022, nhóm 23.04 (Khô dầu và phế liệu rắn khác) được chi tiết thêm loại khô đậu tương, được tách ra từ mã số 2304.00.90 của phiên bản HS 2017, theo đó:
+ Mặt hàng khô dầu đậu tương, dùng làm thức ăn gia súc (không thích hợp dùng cho người), dạng bột thô (dạng bột lẫn vảy nhỏ, hạt nhỏ, mảnh vụn nhỏ), thuộc mã số 2304.00.29.
+ Mặt hàng khô dầu đậu tương, dùng làm thức ăn gia súc (không thích hợp dùng cho người), ở các dạng khác như dạng viên, dạng bánh, khối, thuộc mã số 2304.00.90.
Hiện nay, mặt hàng khô dầu đậu tương đang được nhập khẩu nhiều thuộc mã số 2304.00.29. Các nước xuất khẩu chính mặt hàng này như Mỹ, Argentina, Brazil cũng sản xuất phần lớn khô dầu đậu tương theo mã số trên. Việc giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng này là phù hợp với mục tiêu chính sách đặt ra.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng khô đậu tương có mã số HS 2304.00.29.
- Mặt hàng ethanol
Dự thảo đề xuất giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng ethanol từ 10% xuống 5%. Đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc mức giảm xuống 2.5% vì lợi ích cho cả hai phía. Về phía Hoa Kỳ, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất từ Hoa Kỳ. Đồng thời, mức 2.5% bằng với mức thuế nhập khẩu Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng này. Về phía nước ta, việc giảm thuế sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm chi phí cho mặt hàng xăng trong nước, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] https://baoquangninh.vn/10-thang-nam-2024-viet-nam-chi-hon-900-trieu-usd-de-nhap-khau-dau-tuong3327862.html#:~:text=Hi%E1%BB%87n%20nay%2C%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20l%C3%A0,t%E1%BB%AB%20%C4%91%E1%BA%A7u%20n%C4%83m%20%C4%91%E1%BA%BFn%20nay.