VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
Kính gửi: Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Trả lời đề nghị của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN& MT) của Quốc hội về việc góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia thu nhận tại Hội thảo “Góp ý đối với Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Qúy Cơ quan phối hợp tổ chức, VCCI tổng hợp các ý kiến như sau:
- Về phát triển công nghiệp hoá chất
- Về phát triển ngành công nghiệp hoá chất
Khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định “Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này, phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan…”. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định trên dù đảm bảo tính thống nhất về chủ trương ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án hoá chất trọng điểm song vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Hóa chất, Luật Đầu tư, và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…
Để đảm bảo tính thống, khả thi, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi đối với phát triển công nghiệp hoá chất trọng điểm.
- Về danh mục các dự án hoá chất thuộc diện được ưu đãi
Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định các dự án thuộc diện được ưu đãi theo cơ chế liệt kê các lĩnh vực công nghiệp hoá chất trong điểm. Các doanh nghiệp cho rằng cách quy định này mang tính chất định tính, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai trên thực tế.
Ví dụ, điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định “sản xuất hoá chất cơ bản” là một lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. “Hoá chất cơ bản” đang được định nghĩa tại Dự thảo là “các hóa chất được dùng với vai trò là nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia, dung môi trong quá trình sản xuất hóa chất khác hoặc trong quá trình sản xuất của các ngành kinh tế”. Trên thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp thì định nghĩa này rất rộng. Theo đó, hoá chất cơ bản vừa là nguyên liệu vừa là sản phẩm cuối cùng (như xút, một số loại axit, toluene là dung môi) nhưng cũng vừa là nguyên liệu để sản xuất thuốc nổ TNT.
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng lượng hóa, quy định rõ các tiêu chí để xác định các dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được ưu đãi.
- Về hoạt động tư vấn chuyên ngành hoá chất
Điều 8 Dự thảo quy định “Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất thuộc danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện”. Quy định này dẫn đến câu hỏi có nhất thiết phải quy định “hoạt động tư vấn hóa chất” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không?
Tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư, mục 49 chỉ quy định ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với kinh doanh hóa chất. Mặt khác, khoản 35 Điều 3 Dự thảo định nghĩa “Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, trao đổi, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng trên thị trường nhằm mục đích sinh lời”. Như vậy, các quy định tại Điều 8 của Dự thảo đã mở rộng hơn so với phạm vi của Luật Đầu tư.
Hai là, việc đặt điều kiện kinh doanh cho một ngành, nghề, trước hết, cần xác định yếu tố lợi ích công ngành nghề đó có thể xâm hại nếu không được quản lý. Hiện Tờ trình Dự thảo chỉ đề cập các dự án hóa chất mang tính đặc thù, chuyên môn sâu, do vậy cần có các quy định riêng đối với hoạt động tư vấn xây dựng dự án hóa chất. Các tài liệu đính kèm Dự thảo cũng không có thông tin, số liệu thực tiễn xem liệu các hoạt động tư vấn xây dựng dự án hóa chất có nguy cơ, tác động gì nếu không có quy định quản lý, nên không rõ là cơ quan quản lý nhà nước muốn quản lý vấn đề gì trong hoạt động của doanh nghiệp và liệu điều kiện kinh doanh có thực sự giải quyết được mục tiêu chính sách hay không?.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại điều kiện kinh doanh đối với hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất, có thể cân nhắc bỏ quy định này.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 9 Dự thảo đặt ra yêu cầu “Cá nhân hoạt động tư vấn hóa chất quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này có thể không cần thiết và tạo ra tình trạng “giấy phép con”, gây thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh quốc tế, ở các nước phát triển, chuyên gia tư vấn không nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này theo hướng xác định rõ ràng các yêu cầu về kinh nghiệm và trình độ cho từng vị trí tư vấn, nhằm giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
- Về khai báo hóa chất nhập khẩu
Khoản 5, Điều 13 Dự thảo yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này chưa hợp lý và cần xem xét lại.
Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện nay, nhiều quốc gia chỉ yêu cầu khai báo hóa chất có điều kiện và cần kiểm soát đặc biệt nhằm tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Ví dụ, tại Thái Lan, chỉ những hóa chất nằm trong danh mục hóa chất cần kiểm soát và hóa chất cần kiểm soát đặc biệt mới phải khai báo nhập khẩu. Tương tự, ở Nhật Bản, các hóa chất thuộc danh mục MEIT (Manufactured Chemical Substances in Japan) đã được thương mại hóa và có mã MEIT thì không cần khai báo khi nhập khẩu và chỉ có những hóa chất mới, nằm ngoài danh mục MEIT sẽ phải thông báo trước khi sản xuất hay nhập khẩu. Tại Hàn Quốc, việc khai báo cũng chỉ áp dụng đối với các hóa chất độc hại thuộc danh mục kiểm soát khi nhập khẩu. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành của Việt Nam cũng đã quy định rất chặt chẽ việc quản lý hóa chất theo từng công đoạn như vận chuyển, lưu trữ, sử dụng và xử lý.
Do đó, việc yêu cầu khai báo tất cả các loại hóa chất như hiện nay gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng chỉ khai báo đối với hóa chất có điều kiện và hóa chất cần kiểm soát đặt biệt.
- Đăng ký hóa chất mới và thông tin bí mật doanh nghiệp
- Đăng ký hoá chất mới
Khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định “Hóa chất mới chỉ được đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường sau khi được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời, khoản 6 Điều 2 Dự thảo định nghĩa “Hóa chất mới là chất chưa có trong danh mục hóa chất quốc gia, các danh mục hóa chất quy định tại Luật này và danh mục hóa chất nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, doanh nghiệp hiện gặp nhiều vướng mắc khi xác định hoá chất mới cần phải đăng ký trước khi lưu thông khi tham chiếu đến danh mục hoá chất quốc gia hay danh mục hoá chất nước ngoài.
Theo Luật Hoá chất hiện hành, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xây dựng Danh mục hoá chất quốc gia. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Hoá chất không quy định cụ thể cơ quan nào sẽ xây dựng, ban hành Danh mục hoá chất quốc gia. Dự thảo hiện đang giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định danh mục hoá chất cơ bản và Bộ trưởng các bộ ban hành danh mục hoá chất trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công.
Trên thực tế, trong suốt quá trình áp dụng Luật Hoá chất 2007, các doanh nghiệp hoá chất đã liên tục thông báo cho Cục Hoá chất, Bộ Công Thương để cập nhật, ban hành mới Danh mục hoá chất quốc gia. Hiện phiên bản mới nhất của danh mục này được công bố vào tháng 4 năm 2021 và từ đó cho đến nay, nhiều hoá chất mới đã được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, đáp ứng các quy định về hoá chất và môi trường. Tuy nhiên, danh mục này vẫn chưa được cập nhật, ban hành mới gây ra các vướng mắc trong quá trình xác định hoá chất nào là hóa chất mới để doanh nghiệp tiến hành đăng ký.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền ban hành Danh mục hoá chất quốc gia, tiêu chí danh mục và thời hạn cập nhật danh mục.
- Thông tin bí mật doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 25 Dự thảo quy định những thông tin không được bảo mật liên quan đến bí quyết công nghệ, bí mật thương mại. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định định nghĩa như thế nào là thông tin kinh doanh bảo mật (CBI) cũng như cách thức các nhà sản xuất và nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp CBI cho cơ quan có thẩm quyền.
Các doanh nghiệp phải nhập khẩu hoá chất phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh gặp những khó khăn khi phải đăng ký hoá chất trước khi nhập khẩu. Trong quá trình đăng ký này, doanh nghiệp cũng phải khai báo 100% các thành phần hoá chất phục vụ sản xuất, từ đó gây ra những lo ngại về bí mật công nghệ và bí mật kinh doanh. Hơn nữa khi nhập khẩu, các nhà cung cấp giữ bí mật các thành phần hoá chất vì lý do thương mại. Khi quy định về CBI chưa rõ ràng, các doanh nghiệp nhập khẩu rất khó để yêu cầu các nhà cung cấp có thể tuân thủ.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hoá chất đăng ký, khai báo, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung định nghĩa về thông tin kinh doanh bảo mật và quy định rõ quy trình nhà cung cấp nước ngoài có thể khai báo thông tin cho cơ quan thẩm quyền.
- Về áp dụng nguyên tắc phân loại, ghi nhãn
Khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định: “Việc phân loại hóa chất thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) và theo quy định chi tiết của Bộ Công Thương”. Đồng thời, khoản 4 Điều 2 Dự thảo cũng quy định “Hóa chất nguy hiểm là hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại của Bộ Công Thương”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, các quy định trên có xu hướng đi ngược lại thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng.
Theo đó, GHS hiện đang được hầu hết các quốc gia áp dụng cũng như được cập nhật thường xuyên. Khi áp dụng hệ thống phân loại, ghi nhãn quốc tế như GHS sẽ giúp hàng hoá dễ dàng được chấp nhận bởi quốc gia nhập khẩu, vì phần lớn các sản phẩm xuất khẩu cần tuân thủ yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Việc áp dụng hệ thống quốc tế cho phép Việt Nam có thể tận dụng được các nguyên tắc tiên tiến mà không cần phải tiêu tốn thời gian và nguồn lực để xây dựng lại các nguyên tắc mới. Bên cạnh đó, mặc dù Dự thảo quy định giao cho Bộ Công Thương xây dựng nguyên tắc phân loại, tuy nhiên hiện chưa có cơ sở pháp lý, hướng dẫn cụ thể để Bộ Công Thương có thể triển khai hoạt động này.
Vì vậy, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định áp dụng nguyên tắc phân loại, ghi nhãn quốc tế GHS như quy định hiện hành tại Luật Hóa chất 2007.
- Ứng phó và xử lý sự cố hóa chất
- Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Điểm d khoản 2 Điều 36 Dự thảo quy định “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được thẩm định đồng thời với quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này làm tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thông tin dự án thường chưa đầy đủ và chi tiết để đáp ứng yêu cầu xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt đối với các dự án lớn, thiết 3 bước hoặc sử dụng gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC). Việc yêu cầu lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch này đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi có thể dẫn đến việc phải điều chỉnh sau khi dự án hoàn thiện thiết kế và đi vào hoạt động.
Mặt khác, thời điểm thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 113/2017/NĐ-CP như sau “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phải được thẩm định, phê duyệt trước khi chính thức đưa dự án vào hoạt động”. Hiện nay, các doanh nghiệp hoá chất vẫn triển khai thực hiện theo quy định này mà không phát sinh khó khăn hay vướng mắc.
Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thiểu gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định về thời điểm thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
- Trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Điểm d khoản 3 Điều 40 Dự thảo quy định về trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa của tổ chức, cá nhân như sau: “Khi xảy ra sự cố, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải làm báo cáo về nguyên nhân, biện pháp ứng phó, khối lượng hóa chất bị thất thoát, hậu quả, phương hướng khắc phục sự cố gửi cho cơ quan quản lý ngành tại địa phương; đồng thời, cơ quan quản lý ngành tại địa phương có trách nhiệm tổng hợp thông tin, diễn biến sự cố, hiện trạng và kiến nghị về ảnh hưởng của sự cố đến con người và môi trường đến Bộ quản lý ngành”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này không phù hợp với thực tế và tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo đó, để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chủ đầu tư đã phải đảm bảo tuân thủ rất chặt chẽ các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, như yêu cầu về kế hoạch quản lý, giám sát môi trường, trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường…
Bên cạnh đó, sự cố hoá chất có nhiều mức độ khác nhau và có ảnh hưởng khác nhau đến con người và môi trường. Nếu có sự cố hoá chất nhỏ tại cơ sở hoạt động không gây ảnh hưởng tới con người và môi trường bên ngoài khu vực của cơ sở thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động xử lý, khắc phục. Khi đó việc thực hiện báo cáo theo quy định gây mất thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này theo hướng làm rõ mức độ, phạm vi sự cố hóa chất cần báo cáo.
- Góp ý khác
- Hoá chất cần kiểm soát đặc biệt
Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định về phạm vi, yêu cầu đối với hoá chất cần kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên Dự thảo chưa đề cập đến khái niệm “hoá chất cần kiểm soát đặc biệt”. Việc không quy định rõ ràng có thể gây ra những khó khăn cho các cơ quan khi lập danh mục hoá chất cần kiểm soát đặc biệt và định danh các hoá chất phù hợp với thông lệ quốc tế tại Công ước Stockholm về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ và Công ước Rotterdam.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm “hoá chất cần kiểm soát đặc biệt” và tham chiếu quy định của Công ước Stockholm và Công ước Rotterdam khi quy định các tiêu chí xây dựng danh mục hoá chất cần kiểm soát đặc biệt.
- Giải thích từ ngữ
Khái niệm “hoá dược” chưa được quy định tại Dự thảo. Điều này gây khó khăn trong việc phân định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi do bản chất khái niệm này nằm giữa hai khái niệm hoá học và dược phẩm. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm “hoá dược”.
Bên cạnh đó, thuật ngữ “tạp chất” và “sản phẩm phụ” chưa được định nghĩa cụ thể trong Dự thảo cũng văn bản pháp luật khác. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp trong quá trình phân loại và khai báo hóa chất, đặc biệt khi phải xác định xem các chất này có cần kiểm soát đặc biệt hay không. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ 2 thuật ngữ trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.