VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số
Kính gửi: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Trả lời Công văn số 3341/UBKHCNMT15 ngày 05/03/2025 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến như sau:
Ngành công nghệ số có sự phát triển vô cùng nhanh chóng với thay đổi diễn ra liên tục, đồng thời là ngành có tính chất kỹ thuật phức tạp. Do vậy, các quy định tại Dự thảo cần xây dựng linh hoạt, phù hợp với đặc thù và bản chất của các mô hình kinh doanh trong ngành để đảm bảo tính khả thi và không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
- Dán nhãn sản phẩm do trí tuệ nhân tạo (TTNT) tạo ra
Điều 45 Dự thảo yêu cầu sản phẩm do hệ thống TTNT tạo ra phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng. Quy định này dường như là chưa phù hợp vì có nguy cơ lỗi thời trước khi kịp ban hành. Hiện nay, công nghệ dán nhãn sản phẩm do TTNT tạo ra có những phát triển tiên tiến, trong đó cho phép dán nhãn bằng định dạng máy có thể đọc được mà không cần hiển thị trực tiếp cho con người như SynthID hoặc C2PA. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi và sức sống của quy định, đề nghị sửa đổi theo hướng việc dán nhãn công nghệ thực hiện bằng định dạng máy có thể đọc được và có thể phát hiện do TTNT tạo ra hoặc can thiệp.
- Trách nhiệm của chủ thể phát triển hệ thống TTNT
Điều 46.1 Dự thảo đặt ra trách nhiệm cho các chủ thể phát triển hệ thống TTNT. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét thêm ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, về chủ thể, Điều 46.1 Dự thảo đặt ra trách nhiệm chung với chủ thể phát triển hệ thống TTNT. Quy định như vậy là chưa phù hợp vì phạm vi quá rộng, bao hàm nhiều chủ thể khác nhau. Một hệ thống TTNT gồm nhiều thành phần khác nhau gồm: mô hình TTNT, dữ liệu đầu vào, phần cứng (trung tâm dữ liệu, robot), giao diện tương tác với người dùng… Việc phát triển một hệ thống TTNT có thể đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Do chỉ đảm nhận một phần của hệ thống TNTT, các chủ thể này không có khả năng kiểm soát các rủi ro, và do đó không thể thực hiện các trách nhiệm tại Dự thảo. Ví dụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho hệ thống TTNT không có khả năng đánh giá, giải thích các rủi ro an toàn của hệ thống TTNT. Tương tự, các nhà cung cấp dịch vụ đầu sau (back-end) như cung cấp quyền truy cập vào mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) chỉ cung cấp một thành phần của hệ thống TTNT và không có quyền kiểm soát với sản phẩm hoàn thiện. Như vậy, quy định này sẽ không khả thi với nhiều chủ thể tham gia vào việc phát triển hệ thống.
Thực tế, chỉ có chủ thể chịu trách nhiệm phát triển mô hình TTNT mới kiểm soát mô hình này và có khả năng thực hiện các nghĩa vụ này. Do vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng chủ thể là “nhà phát triển mô hình TTNT”
Thứ hai, Điều 46.1.b yêu cầu các nhà phát triển mô hình TTNT có trách nhiệm bảo quyền riêng tư, thông tin cá nhân, giải quyết kịp thời các yêu cầu của cá nhân theo pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quy định này không phù hợp với cách thức huấn luyện mô hình AI hiện nay. Một doanh nghiệp phát triển mô hình AI sử dụng dữ liệu công khai trên internet, việc bảo vệ quyền riêng tư và giải quyết các yêu cầu về thông tin cá nhân là không khả thi. Hơn nữa, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đang soạn thảo và dự kiến thông qua vào 05/2025. Do vậy, để tránh chồng chéo và tính khả thi của quy định, đề nghị bỏ quy định này.
- Đánh giá chất lượng dữ liệu
Điều 16.2 Dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá, công bố sự phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng dữ liệu số đầu vào trong sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này không phù hợp ở các điểm sau:
Thứ nhất, chưa có lý do rõ ràng về sự cần phải thiết lập tiêu chuẩn chung đối với chất lượng dữ liệu và áp dụng cho tất cả các công ty. Mỗi công ty khi sử dụng dữ liệu, kể cả bộ dữ liệu tương đồng, cũng có những mục đích khác nhau. Chất lượng dữ liệu do doanh nghiệp tự quyết định phù hợp với nhu cầu của mình, chứ không nên bắt buộc phải theo tiêu chuẩn chung.
Thứ hai, quy định này khó khả thi. Theo phản ánh của doanh nghiệp, không thể xác định một thước đo chung để đo lường “chất lượng dữ liệu” vì nó phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt khi sử dụng dữ liệu theo yêu cầu. Ví dụ: loại dữ liệu được thu thập bởi một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ khác với dữ liệu được thu thập bởi một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản khách hàng.
Thứ ba, vì lý do bảo mật, một số nhà cung cấp dịch vụ không thể truy cập dữ liệu khách hàng; do đó, không thể kiểm tra hay đánh giá dữ liệu theo yêu cầu của Dự thảo.
Do vậy, đề nghị bỏ quy định này
- Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) có thể được coi là một dạng ưu đãi với ngành công nghệ số nhằm tạo điều kiện thử nghiệm mô hình kinh doanh mới trong môi trường pháp lý linh hoạt. Để đảm bảo tính khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, về cơ quan tiếp nhận thử nghiệm, Điều 36.4 Dự thảo đang phân chia thẩm quyền của các cơ quan theo phạm vi địa bàn quản lý, cụ thể: (1) UBND tỉnh cấp phép trong phạm vi địa bàn quản lý; (2) Bộ quản lý chuyên ngành cấp phép trong phạm vi lĩnh vực quản lý hoặc vượt qua địa bàn một tỉnh.
Cách phân chia này có thể không phù hợp với bản chất của sandbox. Cơ chế sandbox được đề cập trong Dự thảo là cơ chế thử nghiệm pháp lý (regulatory sandbox), nghĩa là thử nghiệm xem việc áp đặt cách thức quản lý có phù hợp với mô hình kinh doanh đó hay không, từ đó các cơ quan nhà nước có thể ban hành cơ chế pháp lý áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Thông thường, sau thời gian thử nghiệm, các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá lại cơ chế thử nghiệm, tiến hành soạn thảo và ban hành văn bản pháp lý để áp dụng chung. Nếu như vậy, các Bộ, ngành – các đơn vị trực tiếp phụ trách vấn đề làm chính sách mới là những người nên trực tiếp quản lý sandbox. Họ có thể xác định cách thức quản lý trong mô hình sandbox, và đánh giá được sự phù hợp của cách thức đó. Như vậy, việc trao thẩm quyền cho UBND tỉnh dường như chưa thực sự phù hợp, và có thể tạo ra khoảng trống trong thực tế: sau khi thử nghiệm kết thúc thì cơ quan nhà nước nào sẽ có đảm nhận trách nhiệm ban hành quy định để cho phép mô hình đó đi vào hoạt động chính thức?
Thêm vào đó, quy định này có vẻ rất rõ ràng, nhưng với 2 cấp như vậy, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của mình. Trong nhiều trường hợp, các ranh giới phân chia này có thể không rõ ràng hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đi lại giữa nhiều cơ quan để tìm ra nơi chịu tiếp nhận đơn của mình hay không? Hay một số ranh giới cũng chưa rõ ràng, như khu vực trong địa bàn quản lý (thẩm quyền của UBND tỉnh) không rõ là khu vực nào? (địa điểm đặt trụ sở, phạm vi hoạt động của đề án…).
Do đó, đề nghị sửa đổi quy định theo hướng thiết lập một cơ chế mở linh hoạt hơn. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò như cơ quan đầu mối một cửa. Sau khi nhận được tài liệu từ doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm đầu mối làm việc với các bộ, ngành, địa phương để cấp phép cho doanh nghiệp. UBND tỉnh, Bộ, ngành vẫn có thẩm quyền cấp phép (doanh nghiệp được phép nộp xin cấp phép theo thẩm quyền).
Thứ hai, tiêu chí tham gia vào cơ chế thử nghiệm. Điều 36.3 Dự thảo quy định các tiêu chí để doanh nghiệp tham gia vào cơ chế thử nghiệm như mô hình có tính đổi mới, rủi ro thấp, có khả năng mở rộng… Tuy nhiên, một số tiêu chí còn mơ hồ và khó định lượng, gây khó khăn trong xét duyệt hồ sơ, cụ thể:
– Tiêu chí có rủi ro thấp: về bản chất, cơ quan quản lý chưa có hiểu biết về mô hình kinh doanh, chưa xác định cụ thể được các rủi ro, nguy cơ nên mới cần thử nghiệm để có thể hình dung các vấn đề – trong một không gian nhỏ để kiểm soát để tránh rủi ro có thể lan rộng. Yêu cầu sản phẩm, dịch vụ phải có rủi ro thấp mới vào được sandbox sẽ đi ngược lại bản chất thử nghiệm của sandbox. Hơn nữa, cũng không rõ làm sao để xác định mức độ “thấp” của các rủi ro này, theo tiêu chí định lượng gì?
– Tiêu chí tính đổi mới, có giá trị mới cũng có thể gây vướng trong thực tế. Thực tế, có thể các doanh nghiệp đã triển khai mô hình trên thực tế, nhưng phải vận dụng các quy định pháp luật chung. Đây chỉ là giải pháp tình thế đến khi có cơ chế pháp lý chuẩn, và doanh nghiệp vẫn rất mong ngóng được tham gia vào cơ chế thử nghiệm. Nếu yêu cầu tiêu chí này thì có thể rất nhiều mô hình kinh doanh có triển vọng, đã phát triển tốt (trên thị trường) lại không được hưởng lợi ích từ cơ chế này.
Thứ ba, cơ chế sandbox cần đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cơ chế sandbox, về một mặt nào đó, có thể coi như một quyền lợi của các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia. Do đó, sẽ luôn có nhiều hơn một doanh nghiệp muốn tham gia vào cơ chế này. Do nguồn lực hạn chế, cơ quan quản lý không thể nhận tất cả doanh nghiệp cho một mô hình kinh doanh.
Hiện, Dự thảo chỉ thiết kế cơ chế cấp phép theo từng dự án riêng lẻ mà không có cơ chế điều phối chung. Khi đó, quy định này có thể hoặc là có quá nhiều sandbox cho cùng một mô hình kinh doanh, mà thậm chí giống nhau, không bổ trợ nhau; hoặc việc cấp phép bị ngừng trệ vì các cơ quan tiếp nhận hồ sơ lại chờ nhau. Ở phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng có thể lo lắng khi đối thủ lại được cấp phép thử nghiệm trước mình, tạo lợi thế để chiếm lĩnh thị trường.
Để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, đề nghị áp dụng song song hai cơ chế xét duyệt: (i) cơ chế xét duyệt chung; (ii) cơ chế xét duyệt với từng dự án.
Cơ chế xét duyệt chung sẽ áp dụng với các mô hình kinh doanh phổ biến nhưng cần có sandbox thử nghiệm pháp lý, với quy trình như sau:
- Cơ quan quản lý rà soát các mô hình kinh doanh có nhu cầu và công bố danh sách này
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ doanh nghiệp trong thời gian nhất định.
- Lựa chọn doanh nghiệp tham gia thử nghiệm dựa trên tiêu chí rõ ràng.
Cơ chế xét duyệt riêng áp dụng với các dự án có mô hình kinh doanh không nằm trong danh sách trên.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.