VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường, và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 3356/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2012/NĐ-CP và Nghị định 74/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 86/2012/NĐ-CP và Nghị định 74/2018/NĐ-CP, về cơ bản bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1258/QĐ-TTg (sửa đổi các quy định có vướng mắc khi triển khai trên thực tiễn). Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung những quy định mặc dù không có trong chỉ đạo của Quyết định 1258, nhưng trên thực tế có khó khăn, bất cập. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị, cải cách từ đơn vị chủ trì soạn thảo, cộng đồng doanh nghiệp hoanh nghênh việc sửa đổi, bổ sung hai Nghị định trên.
Để các quy định tại Dự thảo thực sự thể hiện được tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 74/2018/NĐ-CP
- Sửa đổi, bổ sung điểm k khoản 7 Điều 7 Nghị định 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) (khoản 1 Điều 2 Dự thảo)
Dự thảo sửa đổi quy định về sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu, theo đó “nguyên liệu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa trong trường hợp hàng hóa đã được quản lý chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (trừ nguyên liệu để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật)”.
Theo nội dung tại Quyết định 1258/QĐ-TTg thì hướng sửa đổi cho quy định này tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP là “miễn kiểm tra chất lượng đối với hàng nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa”.
Như vậy, so sánh giữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1258/QĐ-TTg thì phạm vi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa sửa đổi tại Nghị định 74 được miễn kiểm tra là hẹp hơn (loại trừ nguyên liệu để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), trong khi đó tại Tờ trình, Ban soạn thảo cũng chưa giải trình về việc tại sao lại loại trừ hai loại nguyên liệu nhập khẩu này.
Để đảm bảo đúng tinh thần cải cách thể hiện tại Quyết định 1258/QĐ-TTg, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định bổ sung miễn kiểm tra chất lượng đối với hàng nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa (không loại trừ loại nguyên liệu nào) hoặc trong trường hợp có lý do hợp lý để loại trừ nguyên liệu để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung giải trình về quy định này.
- Bãi bỏ điểm p khoản 7 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP) (khoản 2 Điều 2 Dự thảo)
Dự thảo đã bỏ “các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) theo quy định của pháp luật” ra khỏi đối tượng là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.
Việc sửa đổi theo hướng trên của Dự thảo chưa thực sự đúng tinh thần của Quyết định 1258/QĐ-TTg “quy định cụ thể về hàng không nhằm mục đích kinh doanh bao gồm những mục đích gì và giải thích loại hình phi mậu dịch” và về lý thuyết là gia tăng thêm thủ tục hành chính cho các chủ thể nhập khẩu loại mặt hàng này (vì theo quy định tại Nghị định 74 thì không phải thực hiện kiểm tra nhà nước, trong khi đó theo quy định tại Dự thảo thì lại phải thực hiện kiểm tra).
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ lý do không sửa đổi quy định theo chỉ đạo tại Quyết định 1258/QĐ-TTg để đảm bảo tính minh bạch của chính sách.
- Sửa đổi khoản 2 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) (khoản 3 Điều 2 Dự thảo)
Dự thảo đã sửa đổi quy định về việc tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 theo hướng “Đối với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng mã nước ngoài, tổ chức tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã nước ngoài này”, đồng thời bỏ quy định tại Điều 19d Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) về thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài hoặc ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch.
Quy định này có nghĩa, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng mã nước ngoài không phải thực hiện thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài hoặc ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch. Việc sửa đổi này đã thể hiện rất rõ tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, để tinh thần này thể hiện một cách triệt để trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét quy định trên ở điểm sau:
- Việc sử dụng khái niệm “mã nước ngoài” khiến cho phạm vi điều chỉnh của khoản này rộng hơn quy định tại Điều 19b – chỉ quy định về mã số, mã vạch;
- Quy định “tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã nước ngoài này” có thể hiểu, tổ chức sử dụng mã nước ngoài sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật điều chỉnh về mã nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay các quy định để điều chỉnh về mã nước ngoài đang không rõ ở các văn bản pháp luật nào, bản thân quy định tại Dự thảo, Nghị định 132, Nghị định 74 đang không quy định về mã nước ngoài. Vì vậy, quy định này khi triển khai trên thực tế có thể gây lúng túng cho đối tượng áp dụng;
Việc bỏ hoàn toàn quy định tại khoản 2 Điều 19b sẽ đảm bảo thống nhất trong cách hiểu là tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 sẽ không phải thực hiện bất kì thủ tục nào liên quan đến việc sử dụng mã này.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định bãi bỏ khoản 2 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) đồng thời rà soát và bỏ quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được xây dựng để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật (bởi vì, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 119/2017/NĐ-CP vẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản”).
- Bổ sung khoản 2d Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (khoản 5 Điều 2 Dự thảo)
Dự thảo bổ sung quy định về xử lý hàng hóa nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tuy nhiên quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Quy định này quy định về trình tự xử lý hàng hóa nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng nhưng lại không quy định về khoảng thời gian xử lý giữa các bước này, vì vậy quy trình này trở nên chưa rõ ràng;
- Điểm b3 quy định “trường hợp người nhập khẩu đề xuất phương án tiêu hủy thì phương án tiêu hủy phải được cơ quan quản lý môi trường chấp thuận”. Đây là một dạng của “giấy phép con” nhưng không rõ về trình tự, thủ tục, tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận phương án này? Hoặc không rõ văn bản nào quy định về thủ tục này? Sự thiếu rõ ràng này có thể gây khó khăn, lúng túng cho đối tượng áp dụng trên thực tế;
- Điểm b5 quy định, trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan đến kết quả đánh giá sự phù hợp hoặc kết quả đánh giá sự phù hợp không thống nhất về cùng một lô hàng nhập khẩu, thì việc đánh giá này có thể được thực hiện lại. Nhưng sau khi đánh giá lại, nếu kết quả trước đó là chính xác hoặc không chính xác thì quy trình xử lý tiếp theo như thế nào lại không thấy quy định?
Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường
Về cơ bản các quy định sửa đổi tại Dự thảo là phù hợp với Quyết định 1258/QĐ-TTg.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2012/NĐ-CP và Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.