VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi
Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 2146/BNN-PC của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (khoản 3 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó quy định “trường hợp hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này mà người có hành vi vi phạm không chứng minh được thời điểm kết thúc hành vi vi phạm thì được xác định là hành vi vi phạm còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”. Quy định này yêu cầu người có hành vi vi phạm phải chứng minh thời điểm kết thúc hành vi vi phạm để xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Điều này dường như chưa phù hợp với tinh thần của pháp luật về vi phạm hành chính.
Điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”. Như vậy, người vi phạm thì có “quyền chứng minh” – họ có thể sử dụng quyền này hoặc không, trong khi đó người có thẩm quyền xử lý vi phạm có “nghĩa vụ chứng minh” đây là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện. Xác định còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính hay không rất quan trọng, tác động đến việc hành vi vi phạm có bị xử lý hay không. Do đó, trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt phải có nghĩa vụ chứng minh về thời điểm kết thúc của hành vi vi phạm để xác định thời hiệu xử phạt, chứ không phải là người vi phạm.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định trên theo hướng, người có thẩm quyền xử phạt phải có nghĩa vụ chứng minh thời điểm kết thúc hành vi vi phạm. Nếu không chứng minh được thời điểm kết thúc hành vi vi phạm thì xác định là hành vi vi phạm không còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP)
Vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính (Điều 14 Nghị định 31/2016/NĐ-CP)
Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “Không có hoặc không thuê nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trồng trọt, bảo vệ thực vật trở lên hoặc có giấy chứng nhận, xác nhận tập huấn về trồng trọt, bảo vệ thực vật” trong nhóm hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh giống cây trồng chính (điểm b khoản 1 Điều 14) và “điều kiện sản xuất giống cây trồng chính với mục đích thương mại” (điểm c khoản 2 Điều 14).
Quy định này là chưa phù hợp với Luật Trồng trọt 2018 khi Điều 22 Luật này quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng không quy định về điều kiện về nhân lực.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ quy định tại điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định 31/2016/NĐ-CP.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.