VCCI_Góp ý về nội dung thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống thiên tai
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan
Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 1163/BVHTTDL-PC của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Về cơ bản các quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2019/NĐ-CP tại Dự thảo là hợp lý. Bên cạnh những điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo, cân nhắc sửa đổi, bổ sung một số quy định khác tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP như sau:
- Khái niệm chưa rõ ràng
Nghị định 45/2019/NĐ-CP có một số quy định sử dụng khái niệm “kịp thời”/ “không kịp thời” để xác định hành vi vi phạm bị xử phạt (khoản 2, điểm a khoản 4 Điều 6; khoản 1 Điều7). Đây là các khái niệm chưa đủ rõ ràng, có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ quy định tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung các quy định có khái niệm này theo hướng có thể định lượng được (có thể quy định về một khoảng thời gian cụ thể phải thực hiện nghĩa vụ).
- Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành (Điều 7)
- Điểm d, e khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “hợp đồng lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định”, “hợp đồng đại lý thiếu một trong các nội dung theo quy định”. Mặc dù, Luật Du lịch 2017 quy định các nội dung cần phải có trong hợp đồng lữ hành, hợp đồng đại lý, nhưng việc thiếu các nội dung này cũng rất ít ảnh hưởng đến mối quan hệ hành chính và đã có các quy định của pháp luật dân sự xử lý, vì vậy quy định xử phạt là chưa thực sự phù hợp.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ điểm d, e khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
- Điểm c khoản 6 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “không tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán”. Đây là hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng giữa bên lữ hành và bên nhận đại lý lữ hành và sẽ được xử lý theo các thỏa thuận trong hợp đồng đại lý lữ hành và các quy định của pháp luật dân sự. Vì vậy, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ quy định tại điểm c khoản 6 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
- Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành (Điều 8)
Khoản 7 Điều 8 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với “hành vi không đăng ký kinh doanh đại lý lữ hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.
Quy định này là chưa phù hợp bởi vì:
- Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh và các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành cũng không xem xét về ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong các hoạt đông quản lý nhà nước của mình. Vì vậy, Nghị định 45/2019/NĐ-CP xử phạt đối với hành vi này là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Hành vi này có tính chất là vi phạm về hoạt động đăng ký kinh doanh, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ quy định tại khoản 7 Điều 8 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
- Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch khác (Điều 13)
Điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “không nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành”. Trên thực tế, nhiều quán ăn, điểm vui chơi giải trí vẫn chưa có phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, vì vậy xử phạt đối với hành vi này sẽ gây khó khăn cho một số đơn vị kinh doanh du lịch khác, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bãi bỏ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.