VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ
Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 3486/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế (Điều 5)
Điểm 2.2 Điều 5 Dự thảo quy định các trường hợp rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn gồm:
- (1) Doanh thu kê khai hàng năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh phải nộp thấp dưới 100 triệu đồng (1%);
- (2) Các doanh nghiệp có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ tăng đột biến so với số lượng hóa đơn sử dụng bình quân các kỳ trước (tăng 2 đến 3 lần);
- (3) Các doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo);
- (4) Cơ sở kinh doanh mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu: đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề.
Quy định trên cần được xem xét, cân nhắc ở các điểm sau:
- (1): quy định trên không rõ doanh thu kê khai thuế GTGT hay doanh thu kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp? Một số doanh nghiệp phản ánh, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT chiếm tỷ trọng lớn (ví dụ: hoạt động kinh doanh ngoại tệ có doanh thu bán ra khi kê khai thuế GTGT là giá bán ngoại tệ thường rất lớn; hoạt động cho vay của ngân hàng, …). Nếu xét các doanh nghiệp này vào trường hợp có rủi ro cao về thuế là chưa phù hợp, vì vậy doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này;
- (2): quy định trên là chưa rõ “kỳ” được hiểu là tháng, quý hay năm? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
- (3): quy định đánh đồng các hành vi “không có báo cáo” và “chậm báo cáo” vào cùng một tính chất là chưa phù hợp. “Chậm báo cáo” là hành vi có nộp báo cáo nhưng không đúng thời hạn quy định. “Không nộp báo cáo” là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ nộp báo cáo. Chậm nộp báo cáo 01 ngày không thể so sánh với “không nộp báo cáo” do đó, xếp trường hợp doanh nghiệp chậm nộp báo cáo vào nhóm rủi ro cao về thế là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- (4): quy định này vừa chưa rõ (bao nhiêu ngành nghề đăng ký kinh doanh được xem là nhiều ngành nghề) vừa chưa hợp lý (thực tế khá nhiều doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Pháp luật về doanh nghiệp cũng không quy định hạn chế vấn đề này. Hơn nữa, theo tinh thần về “quyền tự do kinh doanh”, cơ quan nhà nước cũng không xem xét về ngành nghề đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp – trừ các ngành nghề cấm kinh doanh. Do đó, việc xếp doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề đăng ký kinh doanh vào nhóm rủi ro về thuế là chưa hợp lý). Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- Về xử lý hóa đơn điện tử có sai sót
Điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định “trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế”.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hướng dẫn chi tiết trong Dự thảo về việc bên bán sẽ thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo từng lần phát sinh sai sót hay theo kỳ kê khai thuế GTGT (tháng/quý). Nếu trong kỳ kê khai có phát sinh nhiều hóa đơn có sai sót hoặc số lượng/tỷ lệ số lượng hóa đơn có sai sót là bao nhiêu thì sẽ được tổng hợp và thực hiện thông báo với cơ quan thuế (theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT) cùng với kỳ kê khai thuế GTGT (tháng/quý) để giảm thiểu các thủ tục hành chính cho bên bán hàng cũng như cơ quan thuế do các chỉ tiêu sai sót nêu trên không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp/được khấu trừ phát sinh trong kỳ.
Đối với trường hợp khi cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ và hóa đơn đã được lập tại thời điểm thu tiền, nếu có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì hóa đơn điện tử đã được lập trước đó sẽ được xử lý như thế nào? Bên bán có được hủy hóa đơn đã lập trước đó và thực hiện kê khai điều chỉnh lại hồ sơ khai thuế của kỳ khai thuế tương ứng không? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn cho trường hợp này.
- Về hóa đơn đối với một số sản phẩm đặc thù ngành ngân hàng
Các quy định về hóa đơn hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết cho một số các sản phẩm đặc thù của ngành ngân hàng như kinh doanh ngoại tệ (mua ngoại tệ và bán ngoại tế), sản phẩm từ hoạt động tài chính phái sinh (giao dịch hoán đổi lãi suất một đồng tiền, giao dịch hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền, giao dịch quyeefnc họn lãi suất giới hạn trần/sàn/kết hợp trần – sàn và giao dịch hoán đổi giá hàng hóa). Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn việc phát hành hóa đơn điện tử cho các sản phẩm đặc thù của ngân hàng trong các trường hợp nêu trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.