VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý thiết bị y tế đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 07/2023/NĐ-CP
VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu (lần 2)
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 10326/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu (lần 2) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (Điều 1)
- Hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Điều 43b)
Theo quy định tại khoản 4 Điều 43b, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt “trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 3 Điều này”. Thời điểm tính là nhận được hồ sơ hợp lệ được tính từ ngày nào: ngày nhận được ý kiến thẩm định của các cơ quan được lấy ý kiến hay là ngày cuối cùng của thời hạn 12 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người có thẩm quyền gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư?
Mặt khác, Dự thảo cũng không có quy định để giải quyết cho trường hợp, các cơ quan được lấy ý kiến không có ý kiến thẩm định hoặc có ý kiến thẩm định muộn hơn 07 ngày làm việc theo quy định.
Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
Góp ý tương tự đối với khoản 21 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 83 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn trường hợp quy định tại điểm o khoản 1 Điều 82 Nghị định.
- Hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền (Điều 43c)
Điều 43c quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền, nhưng không quy định rõ về các bước thực hiện quy trình cũng như thời hạn thực hiện của mỗi bước. Quy định tại Điều 43c cũng có một số điểm chưa thực sự rõ. Ví dụ: “trường hợp cần thiết” là trường hợp nào? Thời hạn các cơ quan có ý kiến khi nhận được đề nghị cho ý kiến của cơ quan có thẩm quyền? Hồ sơ của bên mời thầu trình cơ quan có thẩm quyền gồm tài liệu gì? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề này.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu (Điều 2)
- Hồ sơ, quy trình, thủ tục báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng theo quy định của nhà tài trợ hoặc của tổ chức quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Đấu thầu (khoản 3 Điều 2)
Khoản 1 Điều 2a Dự thảo quy định “trước khi đàm phán, ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu, cơ quan chủ quản dự án gửi văn bản đề xuất áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu đến cơ quan chủ trì đàm phán để xin ý kiến các cơ quan liên quan, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng theo quy định của nhà tài trợ hoặc của tổ chức quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”
Quy định này cần được xem xét ở các điểm:
– Trên thực tế, có nhưng thỏa thuận về vốn ODA là những thỏa thuận khung liên quan tới chiến lược, chính sách, khuôn khổ hợp tác, lĩnh vực ưu tiên, chưa có nội dung cụ thể về đấu thầu. Đến khi xây dựng văn kiện dự án để đàm phán, ký kết với nhà tài trợ, trong văn kiện có thể đề cập đến các nội dung về đấu thầu khác hoặc chưa quy định tại Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này, cơ quan chủ quản dự án có cần phải xin ý kiến về nội dung đấu thầu không? Hay là bắt buộc phải áp dụng Luật Đấu thầu?
– Quy định trên đang chưa rõ về quy trình, thủ tục báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng theo quy định của nhà tài trợ hoặc tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cơ quan nào là cơ quan chủ trì trình Chính phủ xem xét quyết định: cơ quan chủ quản dự án hay là cơ quan chủ trì đàm phán? Quy trình xin ý kiến các cơ quan liên quan như thế nào (thời hạn, nội dung lấy ý kiến)? Cơ quan nào có trách nhiệm thúc đẩy việc tiếp nhận ý kiến phản hồi, thẩm định văn bản đề xuất? Các căn cứ để chấp thuận hoặc từ chối “về quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu”.
Đây là văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện trên thực tế vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên để tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng.
- Sửa đổi quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng (khoản 23 Điều 2)
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 97 Nghị định 24/2024/NĐ-CP theo hướng “hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu được đánh giá hợp lệ khi nhà thầu không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia Hệ thống”.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp nhà thầu không trong trạng thái bị khóa tài khoản vào quy định đánh giá tính hợp lệ của các hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu.
- Bổ sung quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng (điểm a khoản 29 Điều 2)
Dự thảo bổ sung quy định xử lý cho các trường hợp đấu thầu trước nhưng có sự thay đổi dự toán, giá gói thầu hoặc thay đổi tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật quy định trong hồ sơ mời thầu đã phát hành, theo đó trường hợp không dẫn đến tăng từ 30% trở lên dự toán, giá gói thầu, không thay đổi tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật quy định trong hồ sơ mời thầu đã phát hành và gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu trúng thầu thì chủ đầu tư được sửa đổi, bổ sung khối lượng công việc vào hợp đồng ký với nhà thầu. Quy định này chưa giải quyết cho trường hợp có sự thay đổi về dự toán, giá gói thầu trong hồ sơ mời thầu đã phát hành, nhưng chưa đến mức phải hủy thầu, và thời điểm này chưa lựa chọn được nhà thầu trúng thầu thì giải quyết như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định về vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.