VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Ba 17:36 24-12-2024

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 6914/BTP-VĐCXDPL của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Đăng tải công khai nhiều lượt hồ sơ, dự thảo văn bản pháp luật 

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2015/NĐ-CP (Điều 39), các cơ quan soạn thảo chỉ có nghĩa vụ đăng tải dự thảo 2 trong quá trình xây dựng văn bản. Các dự thảo sau đó, gồm dự thảo 3 – gửi đến cơ quan thẩm định, dự thảo 4 – trình cơ quan ban hành, dự thảo 5 – sau chỉnh lý kỹ thuật hiện chưa có quy định bắt buộc đăng tải. Một số trường hợp doanh nghiệp phản ánh tình trạng văn bản được ban hành cuối cùng được bổ sung thêm chính sách lớn mà chưa được lấy ý kiến từ dự thảo 2. Điều này khiến cho các doanh nghiệp không có cơ hội để góp ý vào chính sách quan trọng cũng như không có thời gian để chuẩn bị đáp ứng tuân thủ quy định mới. 

Trên thực tế, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tiến hành đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ các dự thảo 3 được gửi đến để thẩm định. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp và hiệp hội, VCCI nhận thấy cộng đồng kinh doanh đánh giá rất cao hành động này của Bộ Tư pháp, bởi nó giúp doanh nghiệp theo dõi được quá trình thảo luận chính sách. Khi đăng tải dự thảo 2 để lấy ý kiến rộng rãi, không ít cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ đăng duy nhất một tài liệu là dự thảo văn bản, mà không hề có các tài liệu khác đi kèm như tờ trình, bản thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết thi hành, báo cáo rà soát văn bản pháp luật, báo cáo kinh nghiệm quốc tế, báo cáo đánh giá thủ tục hành chính… Điều này gây nhiều khó khăn cho việc theo dõi, tham gia ý kiến. Trong khi đó, các dự thảo 3 được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp bao gồm đầy đủ thành phần hồ sơ như trên và cả các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến. Đây là một thực tiễn tốt và nên được luật hoá.

Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu bổ sung quy định về việc bắt buộc đăng tải thêm các dự thảo 3, dự thảo 4 và dự thảo 5, cùng với các tài liệu khác đi kèm mỗi dự thảo đó. 

2. Cơ chế xử lý vướng mắc, bất cập của VBQPPL xuất phát từ thực tiễn

Quá trình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay nảy sinh nhiều trường hợp VBQPPL có vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi theo đề nghị của đối tượng chịu tác động như các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, các đối tượng chịu tác động này có quyền gửi đề nghị cho bộ ngành phụ trách hoặc các cơ quan khác như Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng… Tuy nhiên, các cơ quan khác hiện cũng thường chỉ chuyển công văn cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục giải quyết. 

Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo thường không có động lực giải quyết sớm vì như vậy là gián tiếp thừa nhận văn bản do mình soạn thảo trước đó chưa bảo đảm chất lượng, gây khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng. Do đó, các cơ quan này thường không trả lời, hoặc trả lời qua loa, hoặc kể cả có thừa nhận vướng mắc, bất cập thì cũng chưa đề xuất điều chỉnh ngay mà phải đợi đến kỳ sơ kết, tổng kết. Điều này khiến cho vướng mắc bất cập tồn tại kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho người dân và doanh nghiệp.

Do đó, cần có cơ chế riêng để xử lý các vướng mắc, bất cập của các văn bản pháp luật xuất phát từ kiến nghị của các đối tượng chịu tác động, không đi theo thủ tục thông thường. Thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành cũng đã có các đợt rà soát vướng mắc, bất cập và cho phép sửa văn bản nhanh. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn theo từng đợt và chưa trở thành một cơ chế chính thức để có thể giải quyết ngay những vấn đề thực tiễn.

Đề nghị nghiên cứu cơ chế có một cơ quan độc lập làm đầu mối tiếp nhận và đốc thúc giải quyết các kiến nghị về vướng mắc, bất cập như vậy. Cơ quan này có quyền tổ chức đối thoại giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các đối tượng chịu tác động đang gửi kiến nghị. Cơ quan này có quyền báo cáo kết quả đối thoại cùng với đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi văn bản đó lên cơ quan đã ban hành văn bản hoặc cơ quan cấp trên để xử lý. Việc tiếp nhận và xử lý các đề xuất, kiến nghị của đối tượng chịu sự tác động này cần có các quy định cụ thể về điều kiện và thời hạn thực hiện. 

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan