VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Thứ Năm 11:32 16-12-2021

Kính gửi: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 9820/BTC-TCHQ ngày 27/08/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Người khai hải quan

Điều 4.4 Dự thảo quy định chủ hàng hóa nhập khẩu được quyền khai hải quan. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa phù hợp với Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh cho phù hợp.

  1. Xử lý trong trường hợp Hệ thống gặp sự cố

Điều 7.4 Dự thảo quy định cơ quan hải quan thông báo nếu Hệ thống gặp sự cố không khai báo được. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về phương thức cung cấp thông tin trong trường hợp này. Cụ thể, doanh nghiệp có được khai hồ sơ giấy (và cập nhật bản điện tử sau khi Hệ thống hoạt động trở lại) hay không? Nếu không, doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu do không thông quan được. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề trên.

  1. Trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia sử dụng Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử

Điều 8.1.b Dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật an toàn trong hoạt động giao dịch điện tử đảm bảo việc khai báo, truyền, nhận, lưu trữ thông tin khi truy cập và trao đổi thông tin với Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

  • Quy định chưa rõ ràng: không rõ các yêu cầu với hạ tầng kỹ thuật mà doanh nghiệp cần trang bị là gì?;
  • Quy định chưa phù hợp: Điều 8.2.b Dự thảo cho phép doanh nghiệp thực hiện theo một trong hai phương thức: (i) sử dụng trực tiếp chức năng trên Hệ thống; (ii) kết nối vào Hệ thống. Do đó, chỉ các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức (ii) mới có thể cần trang bị thêm một số hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cho việc kết nối. Quy định tại Điều 8.1.b Dự thảo áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp là chưa phù hợp trong trường hợp (i);
  • Quy định này dường như “thừa”: Điều 8.2.b Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp kết nối với Hệ thống phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật và định dạng dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố, nghĩa là doanh nghiệp đã phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nhất định trước khi kết nối vào Hệ thống. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp trang bị thêm hạ tầng kỹ thuật, trong khi chưa rõ hạng mục cần trang bị là “thừa”;

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 8.1.b Dự thảo.

  1. Mức độ truy cập dữ liệu từ Hệ thống dữ liệu thương mại điện tử

Điều 9.5 Dự thảo quy định về quyền và mức độ truy cập dữ liệu của các cơ quan nhà nước (trừ cơ quan hải quan) từ Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm loại (trường) dữ liệu nào cơ quan nhà nước được quyền tiếp cận, trong khi đó, các thông tin mà doanh nghiệp kê khai lên Hệ thống lại rất nhiều, trong đó có cả những thông tin cá nhân. Do vậy, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan khác cần đảm bảo không tiết lộ các thông tin cá nhân (thường của người mua hàng), chẳng hạn có thể thực hiện thông qua việc ẩn các trường thông tin này. Cơ quan nhà nước khác thực hiện truy cập bằng việc nhập Số tờ khai (định danh, được hệ thống tạo tự động) hoặc gửi thông tin yêu cầu đến cơ quan hải quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng trên.

  1. Khóa quyền truy cập

Điều 10.2 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục khóa quyền truy cập và sử dụng Hệ thống. Tuy nhiên, cách thiết kế như tại Dự thảo còn tương đối phức tạp và chưa thân thiện với người dùng. Cần lưu ý rằng việc khóa quyền truy cập chỉ ảnh hưởng trực tiếp và chủ yếu đến chủ tài khoản đó mà ít hoặc không có ảnh hưởng lên quyền lợi lên chủ thể khác. Như vậy, thủ tục khóa/ mở khóa quyền truy cập chỉ cần thiết kế đơn giản, chẳng hạn như sau: (i) Hệ thống được thiết kế có chức năng khóa quyền truy cập; (ii) người dùng có thể sử dụng chức năng này để khóa quyền truy cập bất cứ lúc nào (Hệ thống có thể hỏi lại “có muốn khóa không” để đảm bảo người dùng không bấm nhầm); (iii) thủ tục kích hoạt lại đơn giản: người dùng chỉ cần đăng nhập hệ thống, có thể bằng lớp bảo mật khác ngoài mật khẩu) (trừ trường hợp tài khoản của công chức hải quan hoặc của cơ quan nhà nước khác có quyền tiếp cận một lượng lớn thông tin thì cần được Cơ quan Hải quan mở). Do vây, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng trên.

  1. Miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Điều 13.1.b Dự thảo quy định hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu có giá trị hải quan từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành. Quy định này cần xem xét lại ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, quy định áp dụng cho các hàng hóa đơn chiếc trên 2 triệu đồng (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc Danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tuy nhiên, quy định này dường như chưa thực sự hợp lý. Bản chất của việc miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử là do giá trị của hàng hóa quá nhỏ so với chi phí kiểm tra. Do đó, việc miễn kiểm tra chuyên ngành toàn bộ cho nhóm này là chưa hợp lý. Thực tế nhiều hàng hóa đơn chiếc, chẳng hạn các mặt hàng điện, điện tử tương đối nhỏ gọn để vận chuyển xuyên biên giới, nhưng lại có giá trị lớn. Khi đó, việc áp dụng kiểm tra chuyên ngành với trường hợp này là cần thiết.

Thứ hai, Dự thảo đặt ra giới hạn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu là 01 đơn/ngày và không quá 4 đơn/tháng. Như vậy, có thể suy đoán quy định đang thiết kế để quản lý theo người mua (tại Việt Nam), và quản lý đơn hàng theo đơn vị ngày, tháng. Cách thiết kế này cần xem xét ở các điểm sau:

–  Cách thiết kế giới hạn theo đơn vị ngày, tháng rất khó áp dụng và thiếu tính khả thi. Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đơn hàng có được miễn kiểm tra chuyên ngành hay không cho người mua trước khi mua hàng. Việc này sẽ yêu cầu một cơ chế liên thông thông tin giữa tất cả các sàn. Cơ chế này sẽ rất phức tạp do đặc thù của hoạt động mua sắm thương mại điện tử, cụ thể:

     +  Người tiêu dùng thường sử dụng nhiều nền tảng sàn thương mại điện tử: Hệ thống phải kết nối thông tin giữa tất cả các sàn thương mại điện tử;

    +  Một người mua có thể đặt cùng lúc nhiều đơn hàng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn: do các chương trình khuyến mại lớn và người mua có thể lựa chọn sẵn sản phẩm cần mua, trong thời điểm khuyến mại, người mua có thể nhanh chóng đặt rất nhiều đơn hàng cùng lúc. Việc này yêu cầu Hệ thống truy vấn phải cực kỳ nhanh và cập nhật liên tục để trả kết quả chính xác đến từng giây;

Nếu Hệ thống truy vấn không thể đáp ứng được các yêu cầu trên, quy định này sẽ gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi không thể cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng và tăng rủi ro hủy đơn, dẫn đến tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng hạn ngạch nên được quản lý theo khoảng thời gian dài hơn (chẳng hạn, theo năm) hoặc quản lý đơn lẻ theo từng sàn thương mại điện tử.

–  Cách quản lý theo người mua cũng chưa phù hợp với giao dịch qua biên giới qua thương mại điện tử do những đặc điểm khác biệt của hình thức này so với việc giao dịch qua biên giới truyền thống, cụ thể:

      +  Giao dịch qua biên giới truyền thống: các đơn vị nhập khẩu ở Việt Nam thường là các đơn vị nhập khẩu thường xuyên nên có tính chuyên nghiệp và có thể xác định được một cách chính xác. Trong khi đó, các thông tin về người bán ở nước ngoài thường khó kiểm chứng, và thực tế có thể dùng nhiều cách thức để thay đổi từ người bán này sang người bán khác. Do vậy, cơ quan nhà nước thường quản lý hoạt động nhập khẩu theo người mua (đơn vị nhập khẩu);

       +  Giao dịch thương mại điện tử qua biên giới: hoạt động giao dịch qua sàn thương mại điện tử kiểm soát được thông tin từ cả hai phía (người mua và người bán), và đặc biệt là thông tin người bán được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều (theo các quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP). Hơn nữa, người mua trên sàn thường có xu hướng dựa vào các tiêu chí như đánh giá, số lượng mua hàng,… để lựa chọn người bán, và do đó các đơn hàng thường sẽ tập trung chủ yếu vào một số lượng người bán nhất định. Các thông tin về những người bán này (tên gian hàng, thông tin người bán, thông tin gian hàng) sẽ đầy đủ và khó thay đổi.

Do vậy, thay vì quản lý theo người mua, cơ chế kiểm soát hạn ngạch có thể áp dụng cho người bán. Theo đó, những người bán có số lượng đơn hàng trong năm thấp có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành, tương tự như cách thức quản lý với hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Những người bán có số lượng đơn hàng lớn có thể áp dụng việc kiểm tra chuyên ngành.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc: (i) sửa đổi quy định theo hướng áp dụng giới hạn theo năm hoặc theo từng sàn thương mại điện tử, hoặc (ii) xây dựng cơ chế quản lý theo người bán.

  1. Các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành

Điều 13.2 Dự thảo quy định việc miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành không áp dụng với trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Việc này là cần thiết nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng trong nước. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ở thời điểm áp dụng các quy định này. Việc có thể khiến đơn hàng dù đã được đặt và vận chuyển nhưng người mua bỏ hàng không nhận do chi phí phải trả lúc đó quá lớn so với dự tính ban đầu, từ đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng không áp dụng quy định về cảnh bảo với các đơn hàng đã gửi thông tin đến cho Hệ thống.

  1. Miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Điều 14.1 Dự thảo quy định giới hạn miễn thuế theo ngày, tháng. Như phân tích ở trên, việc quản lý theo ngày, tháng rất phức tạp và khó khăn. Việc cung cấp không chính xác thông tin về giá trị đơn hàng (bao gồm thuế) có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hoặc hủy đơn hàng của khách hàng, từ đó gây thiệt hại cho các sàn thương mại điện tử. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng áp dụng giới hạn theo năm.

  1. Kiểm tra thực tế hàng hóa

Điều 18.1 Dự thảo quy định việc kiểm tra thực tế với hàng hóa. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá khi có phát hiện nghi ngờ và theo nguyên tắc quản lý rủi ro là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hoá. Nhiều trường hợp hàng hoá thương mại điện tử được vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh. Nếu phát sinh việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể khiến doanh nghiệp dịch vụ chậm giao hàng và phải bồi thường cho khách hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hoá thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục. Khi đó, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hoá.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.