VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Năm 15:48 18-06-2020

Kính gửi: Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 5400/BTC-TCNH ngày 05/05/2020 của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh ngiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:

  1. Thủ tục mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

Điều 7.3 của dự thảo quy định: ít nhất 15 ngày trước khi mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành phải công bố công khai thông tin về việc mua lại, hoán đổi theo phương án mua lại đã được thông qua. Tuy nhiên, việc mua lại trái phiếu trước hạn không phải lúc nào cũng theo các điều kiện, điều khoản xác định trước mà còn phụ thuộc vào thoả thuận cụ thể giữa doanh nghiệp phát hành và chủ sở hữu trái phiếu. Trong nhiều trường hợp, các bên sẽ đạt được thoả thuận về việc mua lại trước, sau đó lại phải xây dựng phương án mua lại, rồi công bố 15 ngày. Như vậy có thể sẽ làm chậm và tăng rủi ro của các giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

  1. Điều kiện thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong ba năm

Điều 9.1.e của Dự thảo quy định một trong những điều kiện phát hành trái phiếu là doanh nghiệp phát hành phải “thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong ba (03) năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp phát hành trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn”. Quy định này có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau: Doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng đủ cả hai điều kiện hay chỉ cần một trong hai điều kiện: (1) thanh toán đủ cả nợ trái phiếu, và (2) thanh toán đủ nợ khác trong 3 năm? Thời hạn ba năm chỉ áp dụng cho các khoản nợ khác hay áp dụng cho cả trái phiếu đã phát hành? Quy định này được hiểu là nhằm hạn chế trường hợp các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng xấu phát hành trái phiếu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: Doanh nghiệp phát hành phải thanh toán đủ cả nợ trái phiếu trong 3 năm và nợ vay khác trong 3 năm trước đợt phát hành.

Thêm vào đó, quy định các khoản nợ ngoài trái phiếu ở đây liệu có bao gồm các khoản công nợ với đối tác, nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước? Nếu bao gồm các khoản này thì rất hiếm doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều kiện 3 năm liên tiếp không có bất kỳ một khoản nợ đến hạn nào bị chậm thanh toán. Hơn nữa, Điều 13.1.c của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có tài liệu chứng minh doanh nghiệp đáp ứng điều kiện thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp. Nếu bao gồm tất cả các khoản nợ trên thì doanh nghiệp dường như không thể lưu trữ đầy đủ các hoá đơn, chứng từ chứng minh thanh toán đúng hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ các khoản nợ khác ở đây chỉ bao gồm nợ tại các tổ chức tín dụng chứ không bao gồm các khoản nợ với đối tác kinh doanh, nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

  1. Khái niệm nhà đầu tư chiến lược

Dự thảo sử dụng khái niệm nhà đầu tư chiến lược là đối tượng tham gia mua trái phiếu. Khái niệm nhà đầu tư chiến lược đã được định nghĩa tại Điều 4.17 của Luật Chứng khoán: Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư được Đại hội đồng cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 năm. Tuy nhiên, do Luật Chứng khoán chỉ áp dụng đối với các công ty cổ phần nên định nghĩa này cũng chỉ phù hợp với các công ty cổ phần. Trong khi đó, quyền phát hành trái phiếu lại bao gồm cả các công ty trách nhiệm hữu hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung khái niệm nhà đầu tư chiến lược của công ty trách nhiệm hữu hạn để tránh vướng mắc khi áp dụng.

  1. Giao dịch trái phiếu

Điều 16.1 Dự thảo quy định “Việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. So với quy định hiện hành thì quy định này đã giới hạn rất nhiều các đối tượng được phép giao dịch trái phiếu. Điều 6.8 của Nghị định 163 quy định: “Trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư; trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.” Sự thay đổi này vô hình chung đã làm giảm tính thanh khoản của các trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, từ đó làm giảm giá trị của trái phiếu, ảnh hưởng đến quyền tài sản chính đáng của chủ sở hữu trái phiếu.

Trong khi đó, Điều 40.1.a của Dự thảo về điều khoản chuyển tiếp quy định: “Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành: a) Tiếp tục thực hiện theo điều kiện, điều khoản của phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt và công bố thông tin cho nhà đầu tư; không được thay đổi điều kiện, điều khoản của phương án phát hành trái phiếu.” Quy định này chưa rõ về việc các loại trái phiếu được phát hành theo Nghị định 163 thì có được giao dịch rộng rãi hay sẽ bị giới hạn theo Nghị định mới này.

Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền tài sản của các chủ đầu tư đã mua trái phiếu, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định tại điều khoản chuyển tiếp theo hướng đối với trái phiếu được phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thì vẫn được quyền giao dịch rộng rãi như trước đây.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.