VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Kính gửi: Cục Giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 5135/BTC-QLKT ngày 27/04/2020 của Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh ngiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:
VCCI đồng tình với việc ban hành Thông tư này thay thế cho Quyết định 169/2000/QĐ-BTC (được sửa đổi bởi Quyết định 131/2002/QĐ-BTC) về chế độ kế toán hộ kinh doanh. Việc đơn giản hoá chế độ kế toán đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại Dự thảo Thông tư là rất cần thiết, giúp giảm chi phí tuân thủ cho các chủ thể này.
VCCI có thêm một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:
- Phân loại các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Dự thảo Thông tư áp dụng chung chế độ kế toán chung cho tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trên thực tế, hiện nay đa số các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ có quy mô rất nhỏ, không có hoặc một vài lao động. Tuy nhiên, cũng có tình trạng một số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phát triển đến quy mô lớn tương ứng với mức xác định doanh nghiệp nhỏ, thậm chí tương ứng mức xác định doanh nghiệp vừa. Việc áp dụng chung chế độ kế toán đơn giản đối với tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh này không còn phù hợp.
Cần đặt ra nguyên tắc rằng, chế độ kế toán phải tương ứng với quy mô hoạt động của chủ thể kinh doanh, chứ không nên phụ thuộc vào loại hình chủ thể kinh doanh. Luật Quản lý thuế 2019 tại Điều 51.5 đã đưa ra nguyên tắc này, theo đó: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.”
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy mô và áp dụng chế độ kế toán phù hợp với từng loại.
- Kỹ thuật xây dựng văn bản
Dự thảo Thông tư hiện tại đang được dẫn chiếu đến nhiều văn bản khác như Luật Kế toán, pháp luật thuế, Thông tư 132/2018/TT-BTC. Cách trình bày này phù hợp với kỹ thuật xây dựng văn bản nói chung. Tuy nhiên, Thông tư này được dành cho đối tượng đặc thù là hàng triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên cả nước, với trình độ quản trị kinh doanh không cao. Việc yêu cầu các chủ thể này phải nghiên cứu quy định tại Thông tư sau đó lại phải dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác có thể sẽ gây khó khăn và làm giảm mức độ tuân thủ.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định đây là trường hợp đặc thù và quy định rõ luôn trong Thông tư để thuận tiện cho người đọc (chấp nhận việc quy định lại các vấn đề đã quy định tại văn bản khác). Thêm vào đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định giao cho một đơn vị đầu mối trong Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng hướng dẫn tuân thủ cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hướng dẫn này được trình bày dưới dạng thân thiện, dễ đọc, dễ hiểu chứ không phải hình thức của văn bản quy phạm pháp luật.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.