VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (lần 2)
Kính gửi: Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 84/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc thẩm định Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) một số ý kiến đối với Dự thảo như sau:
Ngày 31/12/2019, VCCI đã có Công văn số 3067/PTM-PC góp ý Dự thảo gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. So với phiên bản tháng 12/2019 thì phiên bản tháng 03/2020 Dự thảo đã có nhiều thay đổi, trong đó một số ý kiến của VCCI đã được tiếp thu và điều chỉnh trong Dự thảo hiện tại. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến chưa được tiếp thu, do đó VCCI tiếp tục có ý kiến góp ý đối với Dự thảo phiên bản tháng 3/2020 như sau:
- Sự cần thiết ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP
Một trong những điểm thay đổi lớn nhất của Dự thảo so với quy định về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cơ chế quản lý đối với các chủ thể kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu và kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Theo quy định tại Nghị định 79 và Nghị định 15 hiện hành thì cơ chế quản lý cho các hoạt động kinh doanh nói trên là cấp phép cho từng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu và không kiểm soát điều kiện của chủ thể kinh doanh của các dịch vụ này. Cơ chế quản lý theo từng hoạt động mà không phải theo chủ thể thực hiện hoạt động (doanh nghiệp tổ chức hoạt động) này là phù hợp bởi:
- Yếu tố tác động đến lợi ích công cộng trong lĩnh vực này là từng hoạt động/sự kiện nghệ thuật cụ thể (từng chương trình biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, thời trang) mà không phải là bản thân doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này
- Việc quản lý chủ thể hoạt động không bảo đảm được rằng các hoạt động mà chủ thể đó tổ chức sẽ không xâm phạm lợi ích công cộng liên quan (ví dụ doanh nghiệp có thể đã đáp ứng tất cả các điều kiện yêu cầu khi xin phép hoạt động nhưng không có gì bảo đảm rằng một hoạt động nghệ thuật cụ thể mà doanh nghiệp này tổ chức đáp ứng các yêu cầu)
Tuy nhiên, Dự thảo đã thay đổi cơ chế quản lý đối với các hoạt động này. Cụ thể, bên cạnh cơ chế quản lý theo hoạt động như hiện tại, Dự thảo đã bổ sung thêm cơ chế quản lý theo chủ thể kinh doanh bằng cách bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh của các chủ thể kinh doanh dịch vụ. Việc bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh dịch vụ có thể là phù hợp với Luật Đầu tư (do Luật này xếp ngành nghề này vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Tuy nhiên, như đã phân tích, xét về bản chất, việc xác định “kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện – qua đó quản lý theo chủ thể kinh doanh là không hợp lý và quá mức cần thiết (trong bối cảnh Nhà nước đã quản lý chặt chẽ từng hoạt động và dù chủ thể nào thực hiện các hoạt động đó thì cũng sẽ bị kiểm soát theo hoạt động cụ thể, tức là yếu tố tác động đến lợi ích công cộng đã được kiểm soát).
Hiện tại, Dự thảo Luật Đầu tư đang được soạn thảo trong đó sẽ sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đề nghị Ban soạn thảo kiến nghị đưa nhóm ngành nghề này ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
VCCI chia sẻ với Ban soạn thảo những vướng mắc được nêu trong mục I Dự thảo Tờ trình và cần thiết phải sửa đổi Nghị định 79, Nghị định 15 (về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư). Tuy nhiên, với vấn đề này, VCCI đề nghị Ban soạn thảo tạm hoãn soạn thảo Dự thảo Nghị định này đến khi Dự thảo Luật Đầu tư được thông qua, trong đó đã bỏ “kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” ra khỏi Danh mục.
- Về điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu
Trong trường hợp Dự thảo vẫn được soạn thảo và ban hành thì đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại cơ chế quản lý đối với các chủ thể kinh doanh dịch vụ này ở các vấn đề sau đây:
- Về loại điều kiện kinh doanh (giấy phép hay điều kiện kinh doanh không cần giấy phép)
Theo quy định tại Dự thảo thì các chủ thể kinh doanh dịch vụ này sẽ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép mới được phép hoạt động. Đây là biện pháp quản lý chặt chẽ quá mức, nhất là khi xét bản chất đây không phải là ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh (như phân tích ở trên). Theo quy định của Luật Đầu tư thì ngành nghề kinh doanh có điều kiện được kiểm soát bằng hai hình thức: điều kiện kinh doanh có giấy phép và điều kiện kinh doanh không cần giấy phép.
Vì vậy, để giảm thiểu gánh nặng tuân thủ chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế cơ chế quản lý theo hướng yêu cầu chủ thể kinh doanh đáp ứng điều kiện kinh doanh và không cần phải cấp giấy phép, tức là các quy định về trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nghệ thuật, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu.
- Về các điều kiện kinh doanh cụ thể
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo thì doanh nghiệp phải có “người điều hành … tốt nghiệp một chuyên ngành thuộc ngành đào tạo về nghệ thuật biểu diễn”. Quy định này cần được xem lại ở các điểm sau:
- Mục tiêu quản lý chưa phù hợp
Theo giải trình của Ban soạn thảo thì yêu cầu về trình độ của người điều hành vì “tính chất đặc thù của vị trí việc làm là điều hành hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu có tác động đến tư tưởng, tâm lý và thậm chí là sức khỏe của nhiều người nên cần phải đáp ứng điều kiện về chất lượng sản phẩm nghệ thuật ở mức cao[1]”.
Mục tiêu này chưa thật hợp lý vì yếu tố cần kiểm soát của hoạt động này chính là nội dung của các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu có vi phạm các điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo không? Và điều này đã được kiểm soát thông qua việc cấp phép cho từng hoạt động rồi.
Còn việc dựa vào trình độ của người quản lý để bảo đảm một chương trình có chất lượng sản phẩm nghệ thuật ở mức cao hay không lại không phù hợp bởi: (i) rất khó để có sự thống nhất về tiêu chí hay tiêu chuẩn “chất lượng cao” của một sản phẩm nghệ thuật; (ii) không có gì bảo đảm một người được đào tạo đại học có thể tạo ra một chương trình/sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao và (iii) pháp luật chỉ can thiệp vào một sản phẩm nghệ thuật nếu chất lượng của nó ảnh hưởng bất lợi tới lợi ích công cộng đến mức bị cấm, còn sản phẩm đó có chất lượng cao hay trung bình nhưng không ảnh hưởng xấu đáng kể tới lợi ích công cộng.
- Thiếu tính hợp lý:
Trên thực tế, vai trò của người điều hành của một doanh nghiệp là quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác (kể cả các lĩnh vực chuyên môn sâu), người quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực này không nhất thiết phải có trình độ chuyên môn về “ngành nghệ thuật biểu diễn” mà vẫn quản lý và điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, VCCI bảo lưu ý kiến trong Công văn 3067/PTM-PC, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng “người đại diện theo pháp luật có trình độ từ trung cấp trở lên”.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban đầu đối với Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Trang 8 Tờ trình