VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo và Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Khoa học và Công nghệ
VCCI_Góp ý Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 10918/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ thông tin phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đang có vướng mắc, bất cập khi thực hiện trên thực tế. Doanh nghiệp đánh giá cao đối với sửa đổi về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, để hoàn thiện thêm Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (khoản 3 Điều 2)
- Về chuyển nhượng dự án đầu tư
Dự thảo đã bỏ quy định “tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã” thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh quy định trên là chưa hợp lý, lý do sửa đổi là chưa thực sự thuyết phục, cụ thể:
i) Khó phân biệt giữa chuyển nhượng dự án đầu tư và chuyển nhượng tài sản:
Chuyển nhượng dự án đầu tư phải thực hiện theo trình tự thủ tục quy định tại pháp luật về đầu tư và các luật chuyên ngành liên quan (ví dụ: chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; …). Đây là một dạng thủ tục hành chính, các bên trong hoạt động chuyển nhượng phải thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được phép thực hiện chuyển nhượng. Trong khi đó, chuyển nhượng tài sản có tính chất là giao dịch dân sự đơn thuần, các bên trong giao dịch không cần thực hiện các trình tự thủ tục như hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư.
Chuyển nhượng một phần dự án đầu tư, nhà đầu tư cũng phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư và các luật chuyên ngành khác liên quan đối với phần dự án chuyển nhượng.
Như vậy, với các quy định hiện hành thì hoàn toàn có thể phân biệt được chuyển nhượng dự án đầu tư và chuyển nhượng tài sản.
ii) Theo phản ánh của doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid 19, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư. Để khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực tài chính nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và tiếp tục triển khai thì quy định việc chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và không phân biệt việc chuyển nhượng dự án đầu tư là để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT hay không chịu thuế GTGT là cần thiết. Bởi vì, nếu tính thuế GTGT với dự án đầu tư sẽ tạo ra khó khăn cho bên nhận chuyển nhượng. Dự án thường ở giai đoạn ban đầu, dù phát sinh thuế GTGT được khấu trừ nhưng còn thời gian dài mới đến giai đoạn phát sinh thuế GTGT đầu ra để bù trừ nên thường phải mất rất nhiều năm để khấu trừ hết thuế GTGT đầu vào. Hậu quả là doanh nghiệp chịu chi phí vốn quá lớn, không đảm bảo nguyên tắc gián thu của thuế GTGT.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ nguyên như quy định hiện hành.
- Về sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến
Dự thảo quy định “doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác ở khâu kinh doanh thương mại, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng”. Cụm từ “khâu kinh doanh thương mại” là không rõ và có thể khiến cho quy định này thiếu rõ ràng, gặp vướng khi triển khai. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ này.
- Giá tính thuế (Điều 4)
– Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định “đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho”. Quy định về thời điểm xác định giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho là chưa hợp lý. Bởi vì, sẽ có chênh lệch giữa giá trị hàng hóa thời điểm mua về làm quà và thời điểm cho, biếu, tặng. Điều này dẫn đến chênh lệch về số thuế GTGT: có thể cao hơn khiến cho người nộp thuế phải nộp thêm thuế, trong khi việc cho, biếu, tặng không mang lại doanh thu cho doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, đối với hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp phải mua vào thì giá tính thuế GTGT là giá trên hóa đơn GTGT đầu vào;
– Giá đất được trừ để tính thuế GTGT trong trường hợp nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán (điểm 3.a.1)
Dự thảo quy định về xác định giá đất được trừ để tính thuế GTGT trong trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định rõ tiền sử dụng đất không được xem là doanh thu không chịu thuế GTGT khi tính thuế GTGT không được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.
Với bản chất của đối tượng chịu thuế GTGT là tính trên giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ, trong khi đó phần tiền đất tương ứng mà chủ đầu tư trả cho Nhà nước, chủ đầu tư không phát sinh, không tạo ra giá trị gia tăng của phần tiền đất này. Vì vậy, nếu phải thực hiện phân bổ thì chưa phù hợp với bản chất của thuế GTGT và gây bất lợi cho doanh nghiệp. Trên thực tế, cơ quan thuế ở các địa phương có cách xử lý khác nhau với nội dung trên (có trường hợp yêu cầu phân bổ, có trường hợp không). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng để áp dụng thống nhất và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Giá đất được trừ để tính thuế GTGT trong trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Điểm a.4, khoản 3 Điều 4 Dự thảo thay đổi quy định với trường hợp nhận chuyển nhượng QSDĐ gồm cơ sở hạ tầng theo hướng giá đất được trừ không bao gồm thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng, tuy nhiên chưa làm rõ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng được khấu trừ. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với phần cơ sở hạ tầng không tính vào giá đất được trừ khi chuyển nhượng để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và tạo cách hiểu thống nhất trong áp dụng giữa các cơ quan thuế địa phương.
- Hoàn thuế giá trị gia tăng (Điều 10)
Về cơ bản các quy định sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo liên quan đến hoàn thuế đối với dự án đầu tư là hợp lý, giải quyết được khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là quy định hoàn thuế quy định tại Điểm 2.a Điều 10 Dự thảo.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế vấn đề hoàn thuế GTGT còn một số vướng mắc, cần được tháo gỡ, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào quy định tại Dự thảo, cụ thể:
- Bổ sung quy định cho phép hoàn thuế GTGT với số thuế GTGT lũy kế 12 tháng/04 quý liên tục chưa khấu trừ hết
- Bổ sung quy định cho phép hoàn thuế cho trường hợp sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% nhưng đầu vào chủ yếu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 04 quý.
Về nguyên tắc, thuế GTGT tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ từ khâu sản xuất, lưu thông tới tiêu dùng cuối cùng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ luôn phát sinh thuế GTGT phải nộp sau khi khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại một số trường hợp phát sinh số thuế GTGT đầu vào lớn hơn đầu ra khiến doanh nghiệp bị tồn đọng số thuế GTGT đầu vào lớn trong thời gian dài, gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong doanh nghiệp vẫn phải đi vay, đặc biệt trong giai đoạn phải đối phó với tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Vì vậy, việc bổ sung các quy định cho phép hoàn thuế như trên sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khi bị tồn đọng số thuế GTGT chưa được khấu trừ trong giai đoạn dài, ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Một số góp ý khác
- Vướng mắc liên quan đến kê khai tính thuế GTGT
Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế khi kê khai tính thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đặc biệt là trường hợp đất chưa có cơ sở hạ tầng có một số vướng mắc do giá đất thay đổi giữa thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thời điểm chuyển quyền sử dụng đất.
Ví dụ: khi nhận quyền sử dụng đất năm 2005 thì doanh nghiệp chỉ trả giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 20 triệu đồng/m2. Năm 2022, doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân khác theo giá đất tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2022 là 30 triệu đồng/m2. Theo quy định, giá đất được trừ khi tính thuế chỉ là 20 triệu đồng/m2, vì vậy bên chuyển nhượng phải xuất hóa đơn GTGT và kê khai tính nộp thuế GTGT cho phần chênh lệch 10 triệu đồng/m2 nhân với diện tích đất chuyển nhượng và thuế suất 10%.
Trong trường hợp này bên chuyển quyền sử dụng đất vẫn kê khai nộp thuế đầu ra nhưng bên nhận chuyển nhượng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì quyền sử dụng đất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định giải quyết cho trường hợp này.
- Áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu
Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội việc áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu vẫn còn phát sinh bất cập, vướng mắc đối với việc xác định dịch vụ xuất khẩu. Quy định hiện hành vẫn chưa hướng dẫn rõ một số trường hợp đặc thù của dịch vụ xuất khẩu, bao gồm:
- Các dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, ví dụ: quản trị sản xuất theo tiêu chuẩn của hàng hóa/đơn đặt hàng; hướng dẫn sản xuất tiêu chuẩn của hàng hóa/đơn đặt hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu, …
- Các dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho tổ chức nước ngoài và thay mặt tổ chức nước ngoài thực hiện trong khu vực phi thuế quan (ví dụ: kho ngoại quan, doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất).
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung hướng dẫn các dịch vụ trên được xác định là dịch vụ xuất khẩu, áp dụng thuế suất GTGT 0%
- Về xử lý thuế GTGT khi điều chuyển tài sản cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc
Hiện nay, các quy định về thuế GTGT không có quy định về xử lý thuế GTGT khi điều chuyển tài sản cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc. Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC có quy định về vấn đề này nhưng ở khía cạnh hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, Thông tư 78/2021/TT-BTC đã bãi bỏ các hướng dẫn tại Thông tư 39/2014/TT-BTC và không có hướng dẫn về vấn đề này.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn việc xử lý thuế GTGT khi điều chuyển tài sản cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.