VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng
VCCI_Góp ý Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc
Kính gửi: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 8787/BYT-KH-TC của Bộ Y tế về việc góp ý Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Theo quy định tại Điều 2 Dự thảo, Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc mua tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá, danh mục thuốc cần cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ khỏi các danh mục thuốc; … Căn cứ pháp lý để đưa ra các đề xuất, tư vấn này phải là Luật Dược và các văn bản hướng dẫn.
Vì vậy, đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý để xem xét, tham chiếu và tư vấn là pháp luật về dược tại Điều 3.
2. Nguyên tắc và cách thức làm việc của Hội đồng (Điều 4)
- Về thành phần họp Hội đồng: Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định không rõ về thành phần mời họp Hội đồng là các thành viên của Hội đồng hay là các thành viên không thuộc Hội đồng? Hội đồng tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các doanh nhân, các nhà khoa học về vấn đề gì? Đề nghị quy định rõ nội dung tại khoản 3 Điều 4;
- Về họp bất thường: Nội dung tại khoản 5 không rõ về những vấn đề nào được cho là cấp bách?
- Về biểu quyết: Nội dung tại khoản 6 về cách thức quyết định của Hội đồng là theo đa số (75% số người dự họp trở lên biểu quyết thống nhất) và “thành viên Hội đồng có quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình nhưng không làm ảnh hưởng đến tiến độ của các hoạt động cung cấp thuốc của Ngành Y tế”. Như thế nào được xem là việc bảo lưu ý kiến của thành viên Hội đồng không ảnh hưởng đến tiến độ của hoạt động cung câp thuốc của Ngành Y tế? Nội dung này có được hiểu là trường hợp ý kiến của thành viên Hội đồng không đồng ý khiến cho Hội đồng không thống nhất được quyết định tư vấn và điều này khiến cho việc cung cấp thuốc của Ngành Y tế bị chậm trễ thì thành viên đó sẽ phải chịu trách nhiệm? Hoặc thành viên đó không được quyền có ý kiến phản đối vì việc phản đối này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp thuốc của Ngành Y tế? Nếu được hiểu theo cách này thì ý kiến của thành viên Hội đồng sẽ không còn giá trị vì không thể hiện ý chí của cá nhân.
Mặt khác, ý kiến của Hội đồng chỉ mang tính chất là tư vấn, còn quyết định cuối cùng lại là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sẽ là chưa hợp lý nếu quy trách nhiệm cho thành viên của Hội đồng đối với hoạt động cung cấp thuốc của Ngành Y tế.
Tóm lại, đây là nội dung quan trọng liên quan đến cách thức hoạt động của Hội đồng, đề nghị quy định rõ và đảm bảo tính hợp lý.
- Về hoãn cuộc họp: khoản 7 quy định về việc hoãn cuộc họp khi chỉ có dưới 50% số thành viên Hội đồng tham dự. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa quy định đối với trường hợp hoãn này thì cuộc họp sẽ được tổ chức tiếp theo như thế nào? Trường hợp triệu tập lần thứ 2, 3 mà vẫn không đủ số thành viên tham dự thì giải quyết như thế nào? Đề nghị bổ sung những nội dung này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng (Điều 9)
Khoản 2 quy định thành viên Hội đồng được cung cấp thông tin và các tài liệu liên quan đến các vấn đề cần tư vấn đề nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Đề nghị quy định cụ thể về thời hạn cụ thể thành viên Hội đồng nhận được các thông tin, tài liệu liên quan (ví dụ: trước 07 ngày làm việc tính từ ngày tổ chức cuộc họp). Các thành viên của Hội đồng cần có thời gian phù hợp để nghiên cứu các tài liệu, thông tin trong cuộc họp từ đó đưa ra các ý kiến tư vấn chất lượng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với góp ý Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.