VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng quặng và tinh quặng Monazite
VCCI_Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải năm 2023
File đính kèm
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ngày 01 và 02 tháng 11 năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân
Điều 94.1 Dự thảo quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân sử dụng thuốc thuộc danh mục quỹ bảo hiểm y tế chi trả sẽ được quỹ chi trả dựa trên 3 căn cứ: (i) giá trúng thầu tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, trung ương; (ii) giá trúng thầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn; (iii) giá trúng thầu tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, trung ương hoặc cùng cấp chuyên môn trên địa bàn lân cận hoặc trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, các căn cứ trên chưa bao quát hết các trường hợp có thể xảy ra trong thực tế. Thực tế, thuốc còn có thể được đấu thầu tập trung quốc gia, tập trung địa phương hoặc đàm phán giá; và giá thuốc trúng thầu sẽ là giá đấu thầu tập trung quốc gia, tập trung địa phương hoặc giá từ kết quả đàm phán giá. Khi không có các loại thuốc từ các hình thức đấu thầu này, các bệnh viện mới chủ động đấu thầu thuốc và có giá trúng thầu làm căn cứ như tại Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm giá trúng thầu từ kết quả mua sắm tập trung quốc gia, tập trung địa phương, đàm phán giá làm căn cứ thanh toán chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân.
- Thông tin uy tín về nhà sản xuất
Điều 16.1.e Dự thảo quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu sẽ bao gồm cả thông tin về uy tín của nhà sản xuất, trong đó bao gồm cả hành vi hạn chế cạnh tranh. Nhà sản xuất không phải là một bên trong quá trình đấu thầu, và dù đã có cơ chế hợp đồng nhưng đây vẫn chỉ là cơ chế dân sự, trong một số trường hợp, vẫn không tránh khỏi tình trạng nhà phân phối có các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, có thể dẫn đến nhà sản xuất bị đánh giá trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Do vậy, để đảm bảo đánh giá khách quan và công bằng cho nhà sản xuất, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc: (i) quy định rõ các hành vi mà nhà sản xuất có trách nhiệm liên quan và sẽ bị đánh giá trong cơ sở dữ liệu nhà thầu; (ii) cho phép nhà sản xuất hoặc đại diện của nhà sản xuất được phản hồi/ có ý kiến về đánh giá trước khi được đăng tải lên cơ sở dữ liệu.
- Yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu
Điều 23.2 Dự thảo quy định cấm hồ sơ mời thầu không được có điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu gây sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều gói thầu có tính chất đặc thù nên cần có yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, chẳng hạn như gói thầu mua thiết bị y tế, nhưng bên mời thầu có tâm lý e ngại khi nêu chi tiết các thông số kỹ thuật, yêu cầu công nghệ vì lo sợ vi phạm nội dung hạn chế cạnh tranh này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo (i) bổ sung hướng dẫn rõ ràng hơn về điều kiện gây hạn chế cạnh tranh hoặc (ii) chỉ ra một số trường hợp điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhưng không bị coi là cạnh tranh không bình đẳng.
- Đánh giá, xếp hạng uy tín của nhà thầu, chất lượng hàng hoá sử dụng
Điều 17.2.n Dự thảo quy định một trong các yếu tố sử dụng để đánh giá uy tín nhà thầu là công tác bảo hành, sửa chữa. Điều 17.5 Dự thảo quy định việc đánh giá, xếp hạng. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các nội dung sau:
– Điều 17.5.a Dự thảo quy định bộ phận phụ trách trực tiếp công tác quản lý hợp đồng thuộc chủ đầu tư. Không rõ bộ phận này có đủ năng lực để đánh giá nhà thầu hay không? Điều 17.8 Dự thảo quy định về đánh giá lại, vậy chi phí lập hội đồng đánh giá hoặc thuê đơn vị đánh giá, kiểm định được quy định như thế nào?;
– Điều 17.5.b Dự thảo quy định thời gian hoàn thành việc đánh giá tối đa 6 tháng kể từ ngày kết thúc thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, thời gian bảo hành với hạng mục công trình xây dựng, theo Điều 28 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, là không ít hơn 12 tháng. Do đó, việc đánh giá chất lượng bảo hành tại thời điểm tối đa 6 tháng là không thể thực hiện được. Thời điểm phù hợp nhất phải bắt đầu sau thời gian kết thúc nghĩa vụ bảo hành.
- Xử lý tình huống trong đấu thầu
a. Gia hạn thời điểm đóng thầu
Điều 122.1.b Dự thảo quy định gia hạn thời điểm đóng thầu tối thiểu là 03 ngày. Theo phản ánh của doanh nghiệp, thời hạn 03 ngày là tương đương ngắn, không đủ thời gian để các nhà thầu khác xoay xở nếu có gia hạn thời gian. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng tăng thành tối thiểu 05 ngày.
b. Điều chỉnh thời điểm mở thầu
Điều 122.7 Dự thảo cho phép được điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước thời điểm mở thầu. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định cụ thể về khoảng thời gian tối thiểu trước khi mở thầu có thể thực hiện điều chỉnh, có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng của chủ đầu tư. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung khoảng thời gian này, có thể cân nhắc “trước 03 ngày làm việc”.
c.Số lượng nhà thầu có thể tiến hành thương thảo
Điều 122.9 Dự thảo quy định chủ đầu tư có thể mời đến nhà thầu thứ ba vào thương thảo (nếu việc thương thảo với nhà thầu trước không thành công). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, giới hạn ở nhà thầu thứ 3 là không phù hợp vì nhiều khi việc thương thảo chỉ thành công với nhà thầu thứ 4, thứ 5, bởi đây là các nhà thầu nghiêm túc, đưa ra giá sát với khả năng triển khai nhất nên bị xếp sau. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục mời tiếp các nhà thầu đạt điều kiện trong danh sách vào thương thảo.
Góp ý tương tự với khoản 10, 11 Điều 122 Dự thảo.
d. Giá chào thấp khác thường
Điều 122.16 Dự thảo quy định cách xử lý tình huống trong trường hợp hồ sơ đề xuất có giá chào thấp khác thường. Tuy nhiên, quy định chưa rõ ràng ở chỗ giá chào thấp ở đây là giá tổng hay giá chi tiết cho từng hạng mục công việc? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ để thuận lợi trong quá trình thực thi.
- Một số góp ý khác
a. Ưu đãi với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Điều 8.1 Dự thảo quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi tham dự gói thầu thuộc lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, không rõ lĩnh vực nào được coi là lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo do các gói thầu thường được chia thành các lĩnh vực truyền thống; còn thuộc tính đổi mới sáng tạo thường dùng cho các sản phẩm (so với các sản phẩm cùng ngành, lĩnh vực). Quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong việc hưởng ưu đãi với doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi khi tham dự gói thầu với sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mình.
b. Giá gói thầu
Điều 15.1 Dự thảo quy định gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng điều chỉnh giá, chi phí dự phòng bao gồm các khoản tạm tính (nếu có). Không rõ các trường hợp gói thầu thực hiện theo đơn giá cố định thì giá gói thầu có bao gồm dự phòng trượt giá trong quá trình thi công hay không? Dự thảo quy định “các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn”, nhưng không rõ thời gian thực hiện bao lâu được gọi là ngắn? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung này.
Điều 15.2.a Dự thảo quy định căn cứ xác định giá gói thầu. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét một số khái niệm sau:
– Giá trung bình theo thống kê của các dự án, gói thầu: giá này là giá được phê duyệt tại Kế hoạch lựa chọn nhà thầu hay giá trúng thầu, giá quyết toán;
– Ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư: khái niệm này không phù hợp với khái niệm theo pháp luật xây dựng (Điều 5.1 Nghị định 10/2021/NĐ-CP). Đề nghị sửa thành “tổng mức đầu tư được xác định theo suất vốn đầu tư”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.