VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ Tư 10:57 09-04-2025

Kính gửi: Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 1549/BTP-KTVB&QLXLVPHC của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (phiên bản thẩm định ngày 03/4/2025) (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý như sau: 

  1. Về việc điều chỉnh thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

So với luật hiện hành, Dự thảo đã có sự điều chỉnh đối với thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo hướng:

– Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước từ 01 năm lên 02 năm.

– Cho phép các luật khác quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng tối đa không qua 05 năm.

Lý do điều chỉnh được giải trình là “Việc quy định cho phép các luật khác quy định thời hiệu xử phạt nhằm nâng cao tính chủ động trong việc quản lý nhà nước theo các ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế chính sách chủ động, linh hoạt, phù hợp với các yêu cầu, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên thực tế. Đồng thời, việc tăng thời hiệu xử phạt nhằm cường hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi vi phạm trong bối cảnh vi phạm hành chính diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, tránh tình trạng khi hồ sơ vụ vi phạm hành chính được chuyển người có thẩm quyền xử phạt thì đã hết thời hiệu xử phạt.”

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo công bằng và hiệu quả trong thực thi pháp luật, nhìn từ góc độ của đối tượng vi phạm và cơ quan điều tra, xử lý. Thời hiệu sẽ giúp: bảo vệ quyền lợi của đối tượng vi phạm bằng cách ngăn chặn việc xử phạt sau một khoảng thời gian dài không rõ ràng; đảm bảo rằng các vi phạm không bị xử lý tùy tiện hoặc kéo dài không có giới hạn; thúc đẩy các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Dự thảo đang đề xuất tăng thời hiệu lên thời hạn gấp đôi so với quy định hiện hành, thậm chí là có thể 05 năm. Điều này cần được đánh giá tác động một cách kỹ càng, ít nhất ở các góc độ sau:

– Tác động bất lợi đến đối tượng vi phạm: gây bất an cho các đối tượng vi phạm về khả năng bị xử phạt trong thời gian dài hơn, ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả;

– Tăng nguy cơ lạm dụng quyền lực từ phía cơ quan có thẩm quyền xử phạt, như việc kéo dài thời gian điều tra không cần thiết và áp dụng các biện pháp không công bằng;

– Việc cho phép các luật khác quy định về thời hiệu, mặc dù tăng tính chủ động, nhưng lại khó kiểm soát được việc xác định thời hiệu một cách công bằng. Luật Xử phạt vi phạm hành chính cần đưa ra nguyên tắc về xác định thời hiệu ở những nhóm hành vi vi phạm có cùng tính chất để giới hạn về thời hiệu xử phạt. Nếu chuyển giao việc quy định thời hiệu ở các luật khác sẽ có nguy cơ các luật chuyên ngành sẽ tùy nghi quy định và không thể kiểm soát được việc các luật này quy định thời hiệu ở thời gian dài hơn, thậm chí là tối đa 05 năm.

Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần đưa ra đánh giá cụ thể dựa trên số liệu thực tế về bất cập của thời hiệu 01 năm của quy định hiện hành tác động như nào tới việc xử lý vi phạm hành chính đến mức buộc phải thay đổi theo hướng tăng lên gấp đôi.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo:

– Cân nhắc lại việc điều chỉnh tăng thời hiệu.

– Quy định cứng tại Dự thảo về thời hiệu áp dụng cho tất cả các lĩnh vực như quan điểm tiếp cận của Luật hiện hành. Trong trường hợp, có lý do thuyết phục để cho phép các luật chuyên ngành quy định về thời hiệu, cần đưa ra nguyên tắc để xác định thời hiệu nhằm kiểm soát tình trạng các luật chuyên ngành kéo dài thời hiệu và cũng thể hiện được vai trò của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

  1. Về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (khoản 7 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 56)

Dự thảo đã sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 56 theo hướng: 1) thay đổi tiêu chí làm cơ sở để xác định vi phạm hành chính không cần lập biên bản từ mức phạt tiền cụ thể thành mức tối đa của khung tiền phạt; 2) tăng mức tối đa của khung tiền phạt làm cơ sở xác định vi phạm hành chính không lập biên bản.

Theo quy định hiện hành “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ”. Dự thảo đề xuất đối với hành vi vi phạm có mức tối đa của khung tiền đến 2.500.000 đồng đối với cá nhân, 5.000.000 đồng đối với tổ chức, việc xử phạt sẽ không lập biên bản. Như vậy, mức phạt tiền theo quy định tại Dự thảo có thể cao gấp 10 lần so với quy định hiện hành.

Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại sửa đổi này ở các điểm sau:

Biên bản xử phạt vi phạm hành chính là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết về hành vi vi phạm, các tình tiết liên quan và là cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Biên bản là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng. Biên bản cũng làm minh bạch hóa quá trình xử phạt vi phạm và tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính công bằng của pháp luật.

Xuất phát từ tính chất này của Biên bản xử phạt, cần hạn chế các trường hợp xử phạt không lập biên bản. Luật hiện hành đang tiếp cận ở hướng các hành vi xử phạt không cần lập biên bản có mức phạt tiền rất thấp, thường là các hành vi ít nghiêm trọng. Ở mức phạt này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng ít có động lực để khiếu nại và có ý kiến về trình tự, thủ tục.

Nếu Dự thảo đề xuất không lập biên bản xử phạt đối với hành vi có mức xử phạt tăng gấp 10 lần quy định hiện hành, có thể dẫn tới các nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng vi phạm và tác động đến tính minh bạch của quy trình xử lý.

Đề nghị cơ quan soạn thảo hoặc giữ nguyên như quy định tại luật hiện hành về các trường hợp không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hoặc lấy khung xử phạt với mức phạt tiền thấp nhất để áp dụng cho trường hợp này.

  1. Về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Khoản 29 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 126)

Dự thảo sửa đổi quy định theo hướng, trong thời gian xác minh người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền quyết định việc xử lý tổ chức bán ngay theo giá trị thị trường trong trường hợp “không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản”.

Việc bổ sung quy định này cần cân nhắc ở điểm sau: tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu tài sản bị bán nhanh chóng do thiếu điều kiện bảo quản, chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết tranh chấp; Khi phương tiện bị tịch thu và bán đi, người vi phạm hoặc chủ sở hữu mất quyền sử dụng và sở hữu tài sản đó, điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của họ, đặc biệt nếu phương tiện đó là công cụ mưu sinh; Giá bán của phương tiện có thể thấp hơn giá trị thực tế hoặc giá trị sử dụng của nó, dẫn đến thiệt hại tài chính cho người chủ sở hữu ban đầu. Điều này càng trở nên nghiêm trọng nếu phương tiện là tài sản có giá trị lớn.

Về nguyên tắc, Nhà nước phải chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu thực tế, các cơ sở vật chất này không đáp ứng yêu cầu, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp cận quy định theo hướng hạn chế quy định biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thay vì cho phép bán tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp “không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản”.

Trên đây là một số ý kiến của VCCI đối với hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện. 

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.