VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
VCCI_Góp ý Nghị quyết Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng
Kính gửi: Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 3624/BTC-CST của Bộ Tài chính mời góp ý Nghị quyết Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (phiên bản thẩm định) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% trong thời gian qua đã góp phần kích cầu nội địa, mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế. Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2026 và đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục thực hiện chính sách này và đồng ý với đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế suất trong Dự thảo, nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, về danh mục hàng hoá cụ thể, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép giảm thuế GTGT với sản phẩm kim loại với các lý do sau:
– Sản phẩm kim loại đóng vai trò quan trọng: sản phẩm kim loại là đầu vào sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu, từ đồ gia dụng đến vật liệu xây dựng, phục vụ cho các ngành công nghiệp, xây dựng và cho mục đích tiêu dùng. Việc không giảm thuế GTGT với mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, xây dựng và mục tiêu kích cầu tiêu dùng. Hơn nữa, các sản phẩm khoáng sản như than cũng thuộc diện giảm thuế, nên không rõ lý do lại loại trừ các sản phẩm này;
– Việc phân loại rắc rối và khó khăn: theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phân loại sản phẩm kim loại (10%) với sản phẩm phi kim (8%) hoặc sản phẩm được sản xuất, gia công từ kim loại (8%) trong nhiều trường hợp là khó khăn. Khó khăn do đặc tính lý hoá của sản phẩm trong từng trường hợp cụ thể khác nhau hoặc do các cơ quan (hải quan/thuế) có quan điểm khác nhau, dù đã trải qua 5 năm thực hiện chính sách này. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước chỉ giải đáp chung, mang tính tham khảo mà không thể làm căn cứ thực thi. Việc này gây ra rủi ro bị truy thu thuế với doanh nghiệp trong tương lai.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Nghị quyết Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (phiên bản thẩm định). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.