VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông vận tải

Thứ Năm 15:25 27-05-2021

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 4210/GTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Phương án) về cơ bản đã đưa ra các đề xuất hợp lý, cắt giảm nhiều chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, dự báo sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong ngành này trong thời gian tới. Tuy nhiên, để các đề xuất trong Phương án thực sự hiệu quả, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

     I. Đối với những đề xuất trong Phương án

  1. Dịch vụ đào tạo lái xe ô tô (Nghị định 65/2016/Đ-CP)

Phương án đề xuất sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP theo hướng:

  • Sửa đổi quy định “xe thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe” thành “xe tập lái thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo”;
  • Quy định sửa đổi trên và quy định “có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự dộng được sử dụng xe hợp đồng” được nhập vào điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP.

Việc sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc cơ sở đào tạo lái xe phải sở hữu xe là hợp lý, tuy nhiên cách thức sửa đổi tại Phương án lại chưa phù hợp, bởi vì: việc vẫn giữ lại quy định giới hạn tỷ lệ (không quá 50%) sử dụng số xe hợp đồng so với số xe sở hữu, xác định loại xe nào được sử dụng xe hợp đồng có nghĩa là cơ sở đào tạo xe vẫn bắt buộc phải sở hữu xe. Như vậy, sửa đổi quy định “xe thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe” vừa ít ý nghĩa vừa thiếu minh bạch hơn là quy định hiện hành.

Đề nghị bỏ hoàn toàn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP, không gộp nội dung trên vào điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP.

  1. Thủ tục Đăng ký khai thác tuyến (điểm 1.1 Mục II Phương án)

Phương án đã đề xuất thay đổi phương thức giải quyết thủ tục, nâng lên thành giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4 trên dịch vụ công trực tuyến. Việc thay đổi phương thức thực hiện thủ tục cũng sẽ góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần đánh giá rộng hơn và có đề xuất cải cách hơn, đó là xem xét tính hợp lý của loại thủ tục này, có cần thiết phải giữ thủ tục này hay không?

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp khai thác tuyến vận tải hành khách cố định phải lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khác khai thác. Quy định này được hiểu, trong mỗi tuyến vận tải đã được công bố trước đó, tại mỗi thời điểm nhất định chỉ có một xe vận tải hành khách được vận chuyển.

Trong các văn bản góp ý trước đây, VCCI đã nhiều lần kiến nghị bỏ quy định này, bởi vì đây là quy định ảnh hưởng đáng kể đến thị trường cạnh tranh và tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Hoạt động khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nên được thiết kế là giao dịch giữa đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe khách, thay vì quy định phải chọn từng thời điểm để khai thác và phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác tuyến với cơ quan quản lý nhà nước.

Đề nghị xem xét bỏ quy định về thủ tục đăng ký khai thác tuyến.

  1. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không (điểm 1.1 Mục XII)

Phương án đề xuất “đơn giản hóa thành phần hồ sơ: không yêu cầu nộp bản sao chứng chỉ nhân viên, thay bằng Danh sách nhân viên có chứng chỉ phù hợp” là hợp lý, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Nghị định 05/2021/NĐ-CP trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không phải có “Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Thông tin về đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp phép có thể có được thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, vì vậy để đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, đề nghị Phương án bổ sung thêm đề xuất bỏ “Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

  1. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (điểm 1.1 Mục XIX)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 37/2017/NĐ-CP thì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển phải có:

  • (1) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu;
  • (2) Danh sách các chức danh và hợp đồng lao động kèm theo bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ theo chức danh quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 37/2017/NĐ-CP

Đối với các tài liệu này, đề nghị Phương án bổ sung thêm đề xuất:

  • Tài liệu (1): Bỏ yêu cầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, như phân tích ở trên, cơ quan cấp phép có thể có được thông tin này từ các cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước với nhau;
  • Tài liệu (2): chỉ cần yêu cầu Danh sách các chức danh mà không cần có chứng chỉ và hợp đồng đính kèm, tương tự như các đề xuất trong Phương án này về việc đơn giản hóa tài liệu trong hồ sơ tại điểm 1.1 Mục XII.
  1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển (Mục XX)

Điều 257 Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển:

  • (1) Có người chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển và người chuyên trách thực hiện công tác pháp chế
  • (2) Có số lượng tàu lai dắt theo quy định. Tàu lai dắt phải là tàu thuyền Việt Nam

Phương án đã đề xuất bỏ điều kiện (1) là hợp lý. Đề nghị Phương án bổ sung thêm đề xuất sửa đổi điều kiện (2) theo hướng “có quyền sử dụng tàu lai dắt. Tàu lai dắt phải là tàu thuyền Việt Nam”. Bởi vì, quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam có thể hiểu doanh nghiệp bắt buộc phải sở hữu tàu lai dắt và quy định này cũng có thể được diễn giải về số lượng tàu lai dắt bắt buộc phải có và tạo nguy cơ về việc tạo ra các điều kiện kinh doanh ở văn bản hướng dẫn có tính chấp áp đặt về quy mô doanh nghiệp.

  1. Kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (Mục XXII)

Phương án đề xuất “bỏ yêu cầu chứng thực đối với bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo”.

Đề xuất này sẽ giảm được chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, tuy nhiên để tăng hiệu quả của việc giảm chi phí này, đề nghị Phương án sửa đổi đề xuất theo hướng bỏ hoàn toàn yêu cầu phải có “Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo” vì những thông tin này có thể có được thông qua cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Góp ý tương tự đối với thủ tục “cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa”.

      II. Đối với những quy định chưa có trong đề xuất của Phương án

Quy định yêu cầu lắp camera trên xe vận tải hành khách bằng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo

Khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2010/NĐ-CP[1] quy định trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo: tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT[2] quy định về yêu cầu kỹ thuật của dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe và “đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình đảm bảo quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống của xe”.

Việc yêu cầu lắp camera trên cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Tăng chi phí cho doanh nghiệp: theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội thì chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19;
  • Trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước: Hiện tại theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau. Mặt khác, bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn của lái xe. Do đó có thể thấy, việc yêu cầu lắp camera tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp;
  • Gây lãng phí cho doanh nghiệp: Theo phản ánh của một số hiệp hội vận tải thì hiện nay nhiều doanh nghiệp đã lắp camera để phục vụ cho hoạt động quản lý doanh nghiệp. Các camera này có nguy cơ phải tháo ra để lắp camera mới để đảm bảo khả năng truyền dẫn dữ liệu. Việc này sẽ gây lãng phí lớn về tài sản cho doanh nghiệp;
  • Khó trong thực hiện: theo phản ánh của doanh nghiệp thì hiện nay chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn về việc lắp camera do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn loại camera để lắp và truyền dẫn theo quy định.

Từ những phân tích trên, đề nghị Phương án bổ sung vào Phương án:

  • Lùi thời hạn bắt buộc phải lắp camera theo quy định (01/07/2021) sang 01/7/2022;
  • Đánh giá tác động của quy định việc yêu cầu lắp camera và điều chỉnh cơ chế quản lý phù hợp đối với vận tải bằng ô tô theo hướng tránh trùng lặp về các mục tiêu quản lý đối với các biện pháp quản lý đang áp dụng cho ngành nghề kinh doanh này và giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông vận tải. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

[2] Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ