VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, liên tịch ban hành
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Kính gửi: Cục Điện ảnh
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 2597/BVHTTDL-ĐA ngày 08/07/2019của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về bãi bỏ các loại giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh
VCCI ủng hộ đề xuất của Cơ quan soạn thảo trong việc (1) bãi bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim; (2) bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài; và (3) bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim. Tuy nhiên, qua rà soát các loại giấy phép và thủ tục hành chính tại Luật Điện ảnh, đề nghị cơ quan soạn thảotiếp tục bãi bỏ một số quy định sau:
- Cấp phép văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam
Quy định các cơ sở điện ảnh nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam phải được sự đồng ý của Bộ VHTTDL là không cần thiết và cần được bãi bỏ, bởi các lý do sau:
- Hiện nay, việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã phải tiến hành thủ tục xin phép Sở Công Thương các địa phương theo quy định của Nghị định 07/2016/NĐ-CP. Do đó, việc yêu cầu các đơn vị này xin thêm Giấy phép của Bộ VHTTDL là trùng lặp về thủ tục hành chính.
- Việc các hãng phim, doanh nghiệp phát hành phim nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng đại diện là điều cần được khuyến khích. Đây chính là cơ hội để người làm điện ảnh của Việt Nam có cơ hội để hợp tác, học hỏi từ điện ảnh thế giới, đồng thời cũng là cơ hội để phim Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới.
- Cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
Hiện nay, việc sản xuất phim đang ngày càng được quốc tế hoá theo hình thức chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi quốc gia chỉ tham gia làm một vài công đoạn của bộ phim. Với những hoạt động đa dạng như vậy thì với quy định hiện tại sẽ rất khó xác định được hoạt động nào cần phải xin phép, hoạt động nào không.
Nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam hiện nay đang đi sau các nước trên thế giới rất nhiều về công nghệ, kỹ năng, phương pháp, trình độ quản lý. Sự hợp tác giữa những nhà sản xuất phim trong nước và các hãng phim nước ngoài sẽ là cơ hội rất lớn để các nhà làm phim Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, học hỏi từ thế giới. Luật Điện ảnh cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó bằng cách tạo điều kiện, gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính này có thể khiến các hãng phim lớn trên thế giới lựa chọn hợp tác với các quốc gia khác thay vì hợp tác với nhà làm phim của Việt Nam.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảobãi bỏ giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim
Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp. Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có 2 vấn đề bất cập.
Thứ nhất, độc quyền về kiểm duyệt phim. Theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.
So sánh với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung thì sẽ thấy cơ chế kiểm duyệt của điện ảnh hiện nay rất bất cập. Ví dụ, trong lĩnh vực xuất bản, hiện nay Việt Nam có đến 60 nhà xuất bản. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho các nhà xuất bản khác nhau. Nhà xuất bản sẽ phải làm việc với tác giả để kiểm duyệt những nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch. Nếu nhà xuất bản thực hiện công việc chậm trễ, không nhiệt tình thì tác giả có thể mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Nhà nước đứng ở vị trí cấp phép, hướng dẫn và hậu kiểm các nhà xuất bản.
Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới. So sánh với lĩnh vực xuất bản cũng sẽ thấy, năm 2018 Việt Nam có 32.000 đầu sách được xuất bản. Điều này sẽ không thể có được nếu cơ chế kiểm duyệt sách cũng dựa vào những hội đồng độc quyền như lĩnh vực điện ảnh.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảomạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim, cụ thể như sau:
- Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.
- Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ VHTTDL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim.
- Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận.
- Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.
Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…
- Đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước
Theo nhiều đánh giá thì việc đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian qua lãng phí mà chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Rất nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng không có hoặc có rất ít người xem. Mục tiêu của chính sách này là thực hiện việc tuyên truyền thông qua tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, nếu không có người xem thì mục đích tuyên truyền không đạt được.
Điện ảnh vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, đầu tư cho sản xuất phim về phương diện nào đó không khác gì đầu tư mạo hiểm. Ngân sách Nhà nước không nên được sử dụng để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước.
- Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Dự thảo đề xuất việc thu tiền từ doanh thu chiếu phim, doanh thu của các doanh nghiệp phổ biến phim qua internet để tạo nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Những nghĩa vụ tài chính này không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với ngành công nghiệp điện ảnh.
Việc lấy doanh thu từ các phòng chiếu phim sẽ khiến các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí này vào giá bán vé cho người xem, kết quả là giá vé xem phim sẽ tăng. Nếu giả sử quỹ thu từ 1-3% doanh thu bán vé, với mỗi vé xem phim có giá từ 30.000 – 100.000 đồng thì tức là mỗi người đi xem phim sẽ phải chịu chi phí tăng thêm từ 300 đồng đến 3.000 đồng. Đối với người xem phim thì đây không khác gì việc tăng thuế VAT đối với toàn bộ việc sản xuất, phổ biến phim từ 10% lên 11- 13%.
Trong bối cảnh hoạt động điện ảnh được khuyến khích thì chính sách này lại làm tăng giá thành, tăng chi phí, tăng giá cả của loại hình dịch vụ này, đi ngược lại với chính sách chung.
- Chiếu phim lưu động
Mục đích chính của hoạt động chiếu phim lưu động là để tuyên truyền đường lối, chính sách của Nhà nước và để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Hiện nay, do sự phổ cập của tivi, mạng internet hữu tuyến và sóng điện thoại 3G, 4G về cả các vùng sâu, vùng xa nên có nhiều biện pháp khác với chi phí thấp hơn để tuyên truyền và giải trí. Do đó, cần đánh giá lại mục tiêu, tác dụng và chi phí của hoạt động chiếu phim lưu động này.
Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, trong 8 năm kể từ 2011 đến 2018 có 86,6 triệu lượt người xem phim chiếu lưu động với 388,6 nghìn buổi chiếu (không kể hoạt động chiếu phim trong quân đội). Như vậy trung bình mỗi buổi chiếu có 223 người xem, tương đương với quy mô phòng chiếu cỡ lớn ở các thành phố. Số người xem mỗi buổi chiếu giảm liên tục từ năm 2011 (có 234 người/buổi) đến năm 2017 (có 200 người/buổi), nhưng lại tăng trở lại vào năm 2018 (có 208 người/buổi). Đây là tỷ lệ cao một cách bất thường khi mà hoạt động chiếu phim lưu động này không bao gồm hoạt động của các đơn vị quân đội.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại hiệu quả thực tế của hoạt động chiếu phim lưu động. Nếu không còn phù hợp thì có kế hoạch giảm dần và tiến tới loại bỏ để tiết kiệm chi phí cho ngân sách.
- Tỷ lệ chiếu phim Việt Nam
Việc có quy định về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam là cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hoá hiện nay thì việc xác định quốc tịch cho một bộ phim sẽ không còn là việc đơn giản. Một bộ phim hoàn toàn có thể là sự hợp tác của nhiều nhà sản xuất đến từ nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, nếu coi khái niệm “phim Việt Nam” là phim chỉ do nhà sản xuất của Việt Nam làm thì sẽ khiến nền điện ảnh của Việt Nam đóng kín so với thế giới. Trong khi thời điểm hiện nay, chúng ta đang rất cần các nhà sản xuất phim hợp tác với nước ngoài để cải thiện kỹ năng, công nghệ, trình độ quản lý. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảobổ sung thêm quy định làm rõ khái niệm “phim Việt Nam được ưu tiên chiếu rạp” không chỉ gồm những bộ phim có nhà sản xuất phim là cá nhân, tổ chức Việt Nam, mà còn bao gồm cả những bộ phim hợp tác sản xuất trong đó phần vốn của phía Việt Nam từ 30% trở lên, hoặc những bộ phim có từ 30% thời lượng là cảnh quay ở Việt Nam, hoặc phim có từ 30% chi phí làm phim trả cho các cá nhân, tổ chức Việt Nam.
- Phổ biến phim qua mạng internet
Hiện nay, do tốc độ internet ngày càng cao nên việc phổ biến phim qua mạng internet ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hình thức phổ biến phim này có những đặc điểm riêng, khác với hình thức qua băng đĩa, qua chiếu bóng và qua truyền hình. Một số đặc điểm quan trọng cần lưu ý như sau:
- Số lượng, thời lượng phim trên internet rất lớn, vượt xa các hình thức phổ biến phim khác, kể cả truyền hình. Với khối lượng khổng lồ như vậy thì các công tác quản lý như kiểm duyệt trước khi phổ biến, lưu trữ, lưu chiểu, sẽ cần phải được đổi mới cho phù hợp.
- Không xác định được biên giới lãnh thổ. Phim trên internet rất khó xác định được xuất phát từ quốc gia nào, căn cứ vào máy chủ hay căn cứ vào quốc tịch của nhà sản xuất? Do đó, các khái niệm về nhập khẩu phim, xuất khẩu phim không còn chính xác nữa. Điều này có thể gây khó khăn trong công tác quản lý phim nhập khẩu, nhưng lại cũng là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu phim ra nước khác.
Với những khác biệt đó, việc quản lý phim phổ biến trên internet cần được áp dụng cơ chế phù hợp. Các biện pháp mang tính cấp phép hoặc kiểm duyệt nội dung trước dường như không hiệu quả mà nên áp dụng các biện pháp mang tính hậu kiểm cùng với biện pháp kỹ thuật tương ứng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.