VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa

Thứ Hai 10:26 30-09-2019

Kính gửi: Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 6980/BGTVT-TCCB của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Dự thảo Thông tư quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo1)
  2. Về thẩm quyền tổ chức thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn:
  • Điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo1quy định Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) “thuyền trưởng hạng tư trở lên, máy trưởng từ hạng ba trở lênđối với cơ sở đào tạo trực thuộc Cục”. Theo quy định tại Điều 4 Dự thảo1thì GCNKNCM thuyền trưởng chỉ có bốn hạng, máy trưởng chỉ có ba hạng. Như vậy, khái niệm “hạng tư trở lên”, hạng ba trở lên trong quy định này là chưa chính xác. Đề nghị Ban soạn thảobỏ hai cụm từ “trở lên” trong quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7;
  • Điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo1quy định Giám đốc Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền “tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba, hạng tư và GCNKNCM máy trưởng hạng ba”. Quy định này có nghĩa Giám đốc Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền cấp GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư, máy trưởng hạng ba đối với cơ sở đào tạo trực thuộc Cục – chồng lấn về thẩm quyền củaCục trưởng Cục Đường thủy nội địa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo1. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảosửa đổi quy định này theo hướng loại trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 trong quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo1.
  1. Quy định về tổ chức lớp học
  • Về nghĩa vụ báo cáo: Theo quy định tại Điều 8 Dự thảo 1 thì cơ sở đào tạo phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo cho cơ quan nhà nước tại các thời điểm: khai giảng khóa học; kết thúc khóa học; trước khi tổ chức kiểm tra. Việc yêu cầu nghĩa vụ báo cáo này làquá nhiều, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các cơ sở đào tạo, trong khi cơ quan nhà nước chỉ cần nhận biết thông tin về các khóa đào tạo và giám sát các kỳ kiểm tra. Điều này có thể thực hiện bằng việc chỉ yêu cầu cơ sở đào tạo báo cáo trước các kỳ kiểm tra. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định về nghĩa vụ báo cáo theo hướng, cơ sở đào tạo chỉ phải gửi báo cáo trước các kỳ kiểm tra để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc giám sát.
  • Về thủ tục ra quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấpChứng chỉ chuyên môn (CCCMđặc biệt: Theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Dự thảo 1 quy định sau khi có kết quả kiểm tra, “cơ sở đào tạo gửi kết quả kiểm tra về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để Cục ra Quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp CCCM đặc biệt”. Quy định này là chưa rõvề thời gian mà Cục sẽ ra Quyết địnhcông nhận kết quả kiểm tra, cấp CCCM đặc biệt (bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được kết quả kiểm tra của cơ sở đào tạo?). Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về khoảng thời gian này.

Góp ý tương tự đối với thủ tục ra quyết định công nhận kết quả thi, kiểm tra và cấp GCNKNCM, CCCM sau khi nhận được báo cáo của Hội đồng thi, kiểm tra quy định tại khoản 5 Điều 9 Dự thảo1.

  1. Về cấp lại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn
  • Về cấp lại bằng thuyền trưởng, máy trưởng: Khoản 2 Điều 16 Dự thảo1quy định hướng xử lý cho các trường hợp bằng thuyền trưởng, máy trưởng quá thời hạn sử dụng: 12 tháng, từ 12 đến 24 tháng, trên 24 tháng. Quy định này chưa giải quyết cho trường hợp bằng thuyền trưởng, máy trưởng quá hạn dưới 12 tháng. Đề nghị Ban soạn thảosửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Dự thảo 1 theo hướng quy định này giải quyết cho trường hợp bằng thuyền trưởng, máy trưởng quá thời hạn dưới 12 tháng.

Góp ý tương tự đối với điểm a khoản 3 Điều 16 Dự thảo1, đề nghị sửa đổi quy định này sẽ giải quyết cho trường hợp GCNKNCM, CCCM quá thời hạn dưới 03 tháng.

  • Về cấp lại trường hợp GCNKNCM còn hạn bị mất: Khoản 4 Điều 16 Dự thảo1quy định “Người có GCNKNCM còn hạn sử dụng bị mất, có tên trong sổ cấp GCNKNCM của cơ quan cấp GCNKNCM, không bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, được cấp lại GCNKNCM”. Quy định này vừa chưa hợp lý vừa chưa rõ ràng ở các điểm sau:
  • Việc xem xét các yếu tố như “không bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý” để xem xét có cấp lại hay không GCNKNCM bị mất là chưa hợp lý. Bởi vì, nếu thuộc trường hợp cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì đây là một trường hợp khác, đã được giải quyết theo các biện pháp hành chính, chế tài khác tương ứng với mức độ vi phạm. Hơn nữa, trường hợp giấy chứng nhận bị thu giữ, xử lý không được xem là “bị mất” (theo nghĩa thất lạc, đánh rơi, …).

Trường hợp giấy chứng nhận bị mất, không ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ hành chính, cũng không phát sinh mối quan hệ hành chính mới, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp lại giấy chứng nhận đã từng cấp cho người đủ điều kiện. Mặt khác, hầu hết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp lại trong trường hợp giấy chứng nhận bị mất, các văn bản quy phạm pháp luật không yêu cầu các giấy tờ hay điều kiện gì hơn ngoài đơn đề nghị cấp lại. Vì vậy, việc yêu cầu xem xét yếu tố trên của quy định tại khoản 4 Điều 16 Dự thảo1 là chưa phù hợp;

  • Về tính minh bạch: Quy định “trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định” không rõ hồ sơ hợp lệ là hồ sơ nào (hồ sơ xin cấp mới hay cấp lại GCNKNCM?). Tại sao lại sử dụng khoảng thời gian 30 ngày làm việc? Nếu sau 30 ngày làm việc thì giải quyết như thế nào?

Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “không bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định”.

  • Về cấp lại GCNKNCM quá hạn sử dụng bị mất: Khoản 5 Điều 16 Dự thảo 1 quy định “người có GCNKNCM quá hạn sử dụng bị mất, có tên trong sổ cấp GCNKNCM của cơ quan cấp GCNKNCM, không bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì phải dự học, thi lấy GCNKNCM tương ứng với từng loại GCNKNCM đã được cấp”. Quy định này cần được xem xét các điểm sau:
  • Góp ý tương tự về tính hợp lý đối với quy định “không bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý”;
  • Trường hợp này tương tự như trường hợp GCNKNCM quá hạn sử dụng quy định tại khoản 3, tuy nhiên trong khi khoản 3 lại chia ra các trường hợp xử lý dựa vào khoảng thời gian quá hạn thì khoản 5 lại gộp chung tất cả các trường hợp quá hạn để giải quyết. Điều này là chưa hợp lý và thiếu nhất quán giữa các quy định.

Để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “không bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý”, điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp với khoản 3 Điều 16 Dự thảo1.

  • Về cấp lại GCNKNCM trong trường hợp GCNKNCM bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý:Dự thảo1chưa có quy định giải quyết cho trường hợp này, đề nghị Ban soạn thảobổ sung.
  • Về cấp GCNKNCM cho người hết tuổi lao động: Khoản 8 Điều 16 Dự thảo 1 quy định “người có GCNKNCM thuyền trưởng từ hạng tư trở lên hết tuổi lao động đủ sức khỏe theo quy định, có nhu cầu, được cấp chứng chỉ lái phương tiện nhưng không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải”. “Không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải” được hiểu thế nào?Làkhông được thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay là người lao động của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải? Tại sao lại cấm người này tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong khi họ có đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ lái phương tiện? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình vấn đề này, trong trường hợp không có lý do hợp lý cho việc hạn chế này, đề nghị bỏ quy định “không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải”.
  1. Về hồ sơ và trình tự cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn (Điều 19)

Khoản 1 Điều 19 Dự thảo 1 quy định chung về hồ sơ của các thủ tục cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM là chưa hợp lý, nhất là đối với các trường hợp GCNKNCM, CCCM bị hỏng, bị mất phải yêu cầu cấp lại thì hồ sơ sẽ  đơn giản (Đơn yêu cầu, 02 ảnh, giấy chứng nhận cho trường hợp hỏng) hơn là các trường hợp cấp mới, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM.

Để đảm bảo hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo phân loại và quy định riêng về hồ sơ và trình tự cho các trường hợp cấp mới, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM.

  1. Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo2)

Về trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

Điều 4, 5 Dự thảo 2 liệt kê các trách nhiệm mà chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa phải thực hiện, trong đó có quy định “các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”. Đây là một dạng quy định quét, phòng trường hợp Dự thảo không liệt kê hết các trách nhiệm của các chủ thể này. Tuy nhiên, quy định này sẽ khiến cho chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa không thể nhận biết hết các trách nhiệm, nghĩa vụ mình phải thực hiện. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 8 Điều 4, khoản 4 Điều 5 Dự thảo2.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.