VCCI_Góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 1949/BKHCN-TĐC ngày 3/8/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Chống xung đột lợi ích
Hoạt động đánh giá sự phù hợp là việc một đơn vị thực hiện công việc đánh giá sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình của một tổ chức, cá nhân khác, nhằm cung cấp một nguồn thông tin kiểm chứng về chất lượng cho các bên khác, như cơ quan nhà nước, người tiêu dùng…Trong tình huống đó, có thể xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các bên trong hoạt động đánh giá sự phù hợp, cụ thể:
- Bên sử dụng dịch vụ có quan hệ với bên cung cấp dịch vụ, chẳng hạn bên sử dụng dịch vụ là công ty mẹ, hoặc công ty con trong cùng tập đoàn với công ty mẹ. Việc này có thể dẫn đến tình trạng hoạt động đánh giá sự phù hợp không thực sự được đảm bảo khách quan, công bằng cho bên thứ ba. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chống xung đột lợi ích theo hướng đơn vị đánh giá sự phù hợp không được cung cấp dịch vụ cho khách hàng là người có liên quan với tổ chức mình. Phạm vi người có liên quan có thể tham khảo theo Điều 4.23 Luật Doanh nghiệp;
- Xung đột giữa quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ: Đơn vị đánh giá sự phù hợp là đơn vị sự nghiệp trực thuộc trực tiếp Bộ quản lý ngành. Điều này gây ra những xung đột lợi ích cho các cơ quan quản lý, bởi cơ quan này vừa đảm nhận chức năng quản lý an toàn hàng hoá, lại vừa nhận được lợi ích từ phí dịch vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá đó. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cơ quan quản lý chuyên ngành không được chỉ định các đơn vị đánh giá sự phù hợp trực thuộc mình. Trong trường hợp không có các đơn vị tư nhân đủ năng lực, chỉ chỉ định các đơn vị nhà nước thuộc bộ hoặc địa phương khác.
- Công khai các đơn vị đánh giá sự phù hợp
Theo phản ánh của doanh nghiệp, họ thường gặp khó khăn khi tìm kiếm các đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp, đặc biệt khi một sản phẩm, hàng hoá mới được đưa vào diện quản lý theo quy chuẩn. Lý do là vì thông tin về các đơn vị cung cấp dịch vụ còn tản mạn, chưa thống nhất. Điều 28 Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định các bộ quản lý ngành tự công khai danh sách các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký còn Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ công khai danh sách các đơn vị tổng hợp đa ngành. Khi đó, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ phải tìm kiếm, đối chiếu ở nhiều nơi, gây mất thời gian và công sức. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc công khai toàn bộ danh sách các đơn vị đánh giá sự phù hợp được chỉ định, bao gồm cả thông tin về chỉ tiêu và lĩnh vực được đánh giá.
- Công bố hợp chuẩn, hợp quy
Điều 48 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định các tổ chức, cá nhân công bố hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không cần thiết với các tổ chức, cá nhân đã thực hiện đánh giá sự phù hợp tại tổ chức chứng nhận. Lý do là vì các tổ chức chứng nhận này đã được Nhà nước công nhận về năng lực đánh giá sự phù hợp, và do đó các kết quả mà tổ chức chứng nhận ban hành có hiệu lực mà không cần cơ quan nhà nước phải xem xét lại (thông qua thủ tục “công bố hợp quy”). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định bãi bỏ nội dung quy định này.
- Thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật
Theo phản ánh của doanh nghiệp, trong thời gian thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, đã xuất hiện tình trạng nhiều hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra theo quy định của Nhà nước, nhưng lại chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều lần và đã được Chính phủ chỉ đạo khắc phục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá nhập khẩu phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn.[1] Việc này khiến cho việc kiểm tra, kiểm định hàng hoá chỉ là cảm tính, không có căn cứ khách quan. Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ gặp khó khăn về thủ tục và chi phí để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và các văn bản quy định chi tiết lại chưa có quy định cụ thể xử lý trường hợp này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc kiểm tra hàng hoá theo hướng hàng hoá chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng thì không thuộc diện phải kiểm tra.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1]http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Khong-ban-hanh-duoc-quy-chuan-thi-khong-kiem-tra-chuyen-nganh/359282.vgp