VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo (lần 2)
VCCI_Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030
Kính gửi: Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo,
Bộ Khoa học và Công nghệ
Ngày 27/9/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhận được Công văn số 2622/BKHCN-HVKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Sau khi nghiên cứu Dự thảo, Tờ trình và Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:
Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2021-2030 đã được xây dựng một cách bài bản, khoa học và có luận cứ rõ ràng. Ban soạn thảo đã tiến hành các nghiên cứu sâu, với nhiều đánh giá cụ thể thực tiễn trong nước, cũng như tổng hợp kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2021-2030. Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 có sự kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011-2020, đồng thời đã đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế của Chiến lược giai đoạn trước. Để Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 tiếp tục được hoàn thiện hơn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:
- Về quan điểm phát triển KH,CN&ĐMST
Dự thảo Chiến lược đã xác định quan điểm toàn diện về phát triển KH,CN&ĐMST, trong đó nhấn mạnh “doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà nước thực hiện vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống” trong việc hình thành và phát triển hệ thống đổi mối sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu việc lồng ghép hoặc bổ sung thêm quan điểm về phát triển KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực. Điều này sẽ cho thấy sự nhất quán, quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển KH,CN&ĐMST trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo động lực để doanh nghiệp chủ động, tích cực đầu tư NC&PT.
- Về mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST
Dự thảo Chiến lược đã xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đối với việc phát triển KH,CN &ĐMST tới năm 2030, tuy nhiên với những mục tiêu có thể lượng hóa được cần có lộ trình nhất định để có thể kịp thời theo dõi, đánh giá và có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xác định lộ trình thực hiện theo các năm 2021-2025 và 2026-2030 cho một số mục tiêu có thể lượng hóa được (vd các mục tiêu 2a, 2b, 2d, 2đ, 2e, 2g, 2h và 2i), để sau 5 năm đầu có thể sơ kết, đánh giá về tiến độ thực hiện, từ đó có kế hoạch để đảm bảo trong 5 năm tiếp theo có thể đạt được những mục tiêu đề của cả giai đoạn 10 năm tới.
Tại mục tiêu cụ thể (2d), Dự thảo Chiến lược có nêu “đến năm 2030, tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1%-1,2% GDP”. Xét theo yếu tố đầu tư, giáo dục được xác định là “quốc sách hàng đầu” và có mức chi vào khoảng 5,8% GDP, nếu tính cả khu vực gia đình thì đầu tư cho giáo dục vào khoảng 8% GDP[1]. Tuy nhiên, tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển như Dự thảo Chiến lược đề ra cần đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa mục tiêu và quan điểm của Dự thảo Chiến lược, khi Dự thảo Chiến lược đã nêu quan điểm “Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu.” Hơn nữa, một trong những cơ sở cho việc xây dựng chỉ tiêu tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT) là tham khảo mức thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia dường như chưa thực sự thuyết phục. Chẳng hạn Báo cáo thuyết minh có nêu vào năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 8.066 USD/người. Tuy nhiên, nhưng GDP của nước này vào năm 2015 đạt khoảng hơn 11 nghìn tỷ USD, trong khi tỷ lệ tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của nước này là 2,07% GDP[2]. Đây là con số đầu tư rất lớn và một phần nhờ đó, Trung Quốc đã có những bước tiến vũ bão trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trong thời gian gần đây.
Mục tiêu cụ thể 2g của Dự thảo Chiến lược cần được xác định cụ thể hơn. Cụ thể, Dự thảo Chiến lược đã xác định “đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng khoảng hai lần so với năm 2020”. Dự thảo Chiến lược lần này có bổ sung phần ĐMST so với Chiến lược giai đoạn 2011-2020, do đó kiến nghị Ban soạn thảo tách riêng chỉ tiêu cho 2 nhóm doanh nghiệp với số lượng doanh nghiệp cụ thể cho mỗi nhóm (bao gồm số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chỉ như vậy mới có thể đánh giá được được mức phát triển của 2 nhóm doanh nghiệp KHCN và doanh nghiệp ĐMST trong quá trình thực hiện Chiến lược sau này. Tương tự, Dự thảo đã nêu “Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp”, song cần xác định rõ hơn chỉ tiêu với nhóm doanh nghiệp ĐMST này, ví dụ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo như thế nào thì được đưa vào nhóm 40% đạt được này. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa thế nào là tăng nhanh, trong nội dung tiếp theo của mục tiêu 2g: “Tăng nhanh số doanh nghiệp thuộc nhóm có trình độ công nghệ hàng đầu của khu vực. Cũng trong nội dung này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung bổ sung thêm chỉ tiêu số doanh nghiệp áp dụng các sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động kinh doanh, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm mục tiêu về chỉ tiêu tạo việc làm liên quan đến KH&CN vì đó chính là thước đo tính hiệu quả của chiến lược.
Một vấn đề tương đối khó khăn trong quá trình triển khai các chiến lược là việc xác định các công cụ để đánh giá, đo lường việc thực hiện các mục tiêu. Để tránh những hạn chế có thể lại gặp phải như Chiến lược 2011-2020 và một vài chiến lược khác, đề nghị Ban soạn thảo dự kiến trước các công cụ để đánh giá, đo lường các mục tiêu đã nêu, để góp phần theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quan trọng này một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
- Định hướng chủ yếu phát triển KH,CN và ĐMST
Dự thảo Chiến lược đã có sự liên kết chặt chẽ giữa định hướng phát triển KH, CN&ĐMST, tuy nhiên cần bổ sung những nội dung cụ thể hơn đối với việc đẩy mạnh hoạt động ĐMST trong phần định hướng này. Trong Dự thảo Chiến lược đã đưa “doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST” và “hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp”, điều này có thể hiểu là có sự ĐMST từ các DN khởi nghiệp và cả những DN đang hoạt động và phát triển. Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo nên bổ sung thêm 1 phần trong định hướng này về “Định hướng thúc đẩy ĐMST” để từ đó thấy có sự phù hợp với phần giải pháp tiếp theo, tránh các cấp thực hiện sau này coi ĐMST như chỉ được ghép thêm cạnh KHCN.
- Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp 1 “Đổi mới cơ chế hoạt động KH,CN&ĐMST, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST”: bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung: hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT), bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền SHTT. Đây sẽ là những nền tảng quan trọng để góp phần khuyến khích, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp.
Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp 4 “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh”: đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung về “Tăng cường sự gắn kết trường đại học- doanh nghiệp”: Theo đó, cần rà soát cơ chế để tạo thuận lợi cho sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khoa học để có thể nhanh chóng đưa sản phẩm KHCN ra thị trường, cũng như có cơ chế khuyến khích để các DN KHCN trở thành điểm đến cho các sinh viên thực tập và làm việc này. Cần có cơ chế khuyến khích các trường đại học cần thực hiện đủ 4 vai trò trong KHCN như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thương mại hóa để các sản phẩm KHCN được áp dụng vào thực tế và được nhân rộng, vì hiện nay các trường đại học chủ yếu mới chỉ thực hiện 2 vai trò là như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng.
Về nhóm nhiệm vụ và giải pháp 7 “Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng”: Bên cạnh những giải pháp đã nêu, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm để bổ sung giải pháp đột phá hơn, ví dụ, cân nhắc bổ sung yêu cầu về sự tham gia của các chuyên gia tới từ khu vực doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vào các chương trình, đề tài nghiên cứu KHCN ở các khâu thẩm định, tuyển chọn, thực hiện và tiếp nhận kết quả nghiên cứu. Điều này sẽ giúp cho việc lựa chọn, triển khai các chương trình nghiên cứu sát với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp hơn.
Về nhiệm vụ thứ 9 “Tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KH,CN&ĐMST”. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thường có nhiều nguồn lực để thúc đẩy hoạt động ĐMST, ứng dụng KH&CN. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì sẽ có ít nguồn lực hơn, do đó trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung việc khuyến khích hoạt động tôn vinh dành cho các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có những hoạt động ứng dụng KH&CN cũng như ĐMST hiệu quả, kèm theo đó là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về KH,CN&ĐMST cần quan tâm hơn tới các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ.
- Phần tổ chức thực hiện
Dự thảo Chiến lược đề cập đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp, đồng thời cũng đã đưa ra các nhiệm vụ hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp (nhóm nhiệm vụ giải pháp 7). Tuy nhiên, trong phần Tổ chức thực hiện, Dự thảo Chiến lược lại chưa nêu rõ tổ chức, đơn vị đầu mối cho hoạt động nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung này trong phần Tổ chức thực hiện, cụ thể là gắn với Bộ quản lý chuyên ngành là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, Dự thảo Chiến lược cũng cần bổ sung thêm vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chiến lược. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn vai trò của các Tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nhiệp,…trong việc triển khai thực hiện Chiến lược này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới, Lôn đôn-Anh vào tháng 1/2019, truy cập tại <https://dangcongsan.vn/y-te/viet-nam-khong-co-su-bat-binh-dang-ve-tiep-can-va-ket-qua-giao-duc-511690.html>
[2] Trung Quốc chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển đạt 2,07% GDP, ngày 21/1/2016, truy cập tại <https://www.reuters.com/article/us-china-r-d-idUSKBN13G1NG>