HÀNH TRÌNH HƯỚNG TỚI SỰ LIÊN KẾT

Thứ Sáu 09:57 29-09-2017

BẢN TÓM TẮT

2015 HÀNH TRÌNH HƯỚNG TỚI SỰ LIÊN KẾT_THỰC TIỄN TỐT VÀ BỘ CÔNG CỤ TỰ ĐÁNH GIÁ

Báo cáo này gồm có hai phần:

Phần I đề cập tới bảy chủ đề và các thực tiễn tốt trong hoạt động của các HHDN Việt Nam, bao gồm:

  • Cung cấp dịch vụ cho hội viên: Khi đề cập tới vấn đề năng lực của các HHDN tại Việt Nam, các nghiên cứu thường chỉ ra một vòng luẩn quẩn của những khó khăn: Từ số lượng hội viên nhỏ dẫn đến nguồn thu từ hội phí thấp; nguồn thu thấp khiến chất lượng hoạt động của hiệp hội không đáp ứng được nhu cầu hội viên; hệ quả là hiệp hội mất dần khả năng thu hút thêm thành viên mới và quay lại với khó khăn ban đầu của một số lượng hội viên ít ỏi. Phát triển dịch vụ cho hội viên, đặc biệt là các dịch vụ tạo nguồn thu được xem là một hướng đi hợp lý giúp các hiệp hội “phá vỡ” vòng luẩn quẩn ấy. Từ kinh nghiệm của một số hiệp hội đã chuyển dịch thành công từ cung cấp dịch vụ miễn phí sang cung cấp dịch vụ thu phí, một số bài học và cũng là gợi ý cho các hiệp hội đã được rút ra: Đưa hoạt động cung cấp dịch vụ cho hội viên vào vị trí trung tâm trong các nhiệm vụ của HHDN; Chuyển dần các dịch vụ từ miễn phí sang có thu phí; Thiết kế dịch vụ một cách bài bản và tập trung đầu tư cho dịch vụ thế mạnh; Thuê ngoài – cách làm giúp giải quyết những hạn chế về nguồn lực.
  • Phát triển mô hình tạo nguồn thu hiệu quả: Mô hình tạo nguồn thu đề cập tới các cơ chế mà qua đó HHDN có thể nhận được doanh thu để phục vụ cho các hoạt động của hiệp hội. Một mô hình tạo nguồn thu hiệu quả cần giúp hiệp hội đạt được yêu cầu về tính độc lập, toàn dụng nguồn lực, kỳ vọng sinh lợi và tính bền vững. Trong phần sau của báo cáo có giới thiệu một số kinh nghiệm tốt trong phát triển nguồn thu đáp ứng được các yêu cầu này: Tạo nguồn thu từ dịch vụ thông qua các trung tâm kinh doanh; Tạo nguồn thu từ dịch vụ qua một công ty cổ phần liên kết với hiệp hội; Tiếp nhận hội phí thông qua mạng lưới các chi hội/ câu lạc bộ; Tạo nguồn thu thông qua mối quan hệ hợp tác – tài trợ từ các tổ chức, cá nhân.
  • Áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông những năm gần đây tạo điều kiện cho các hiệp hội ứng dụng trong công tác phục vụ hội viên, đồng thời tận dụng để đem lại nguồn thu cho hiệp hội. Báo cáo cũng đề cập tới một số bài học tốt có liên quan như: Chủ động tích cực sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và trang web nhằm xây dựng hình ảnh về hiệp hội hiện đại, năng động và chuyên nghiệp; Sử dụng CNTT nhằm xây dựng kênh tham vấn ý kiến hội viên và đóng góp ý kiến về văn bản pháp luật; Sử dụng CNTT nhằm mang lại lợi ích và giá trị gia tăng cho hội viên và tăng cường mối gắn kết giữa hội viên và hiệp hội; và, Sử dụng CNTT nhằm mang lại nguồn thu cho hiệp hội.
  • Quản trị hiệp hội: Quản trị trong một HHDN đề cập tới cách thức giải quyết các vấn đề cơ bản trong nội bộ hiệp hội đó. Các vấn đề cơ bản thường được nhắc tới trong phạm vi HHDN có thể kể đến như cấu trúc tổ chức của hiệp hội, công tác sắp xếp nhân sự, phát triển hội viên và quản lý tài chính. Khó có thể mô hình hóa thể nào là một hiệp hội quản trị tốt vì cách thức quản trị phụ thuộc chủ yếu vào quy mô và đặc thù của từng hiệp hội. Tuy vậy, có thể phân tách cách thức quản trị hiệp hội theo từng khía cạnh và nghiên cứu những thực tiễn tốt tương ứng: Cấu trúc tổ chức: Hướng tới sự chuyên nghiệp hóa và quản trị dựa trên kết quả; Quản trị nhân sự: Lựa chọn nhân sự hiệp hội dựa trên những tiêu chí toàn diện; Quản trị hội viên: Tăng cường sự gắn bó giữa các thành viên và xây dựng các ban cố vấn có năng lực chuyên sâu cho hội viên.
  • Phản biện và góp ý chính sách, pháp luật: Trong nhiều năm gần đây, vận động, góp ý chính sách đang được các HHDN quan tâm và dần trở thành một trong những chức năng hoạt động chính của hiệp hội. Rất nhiều hiệp hội đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật một cách có hệ thống và bài bản và đạt được một số thành công nhất định. Những thành công đó có được qua một quá trình dài và là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến: Coi phản biện và góp ý chính sách là một sứ mệnh và kiên trì theo đuổi sứ mệnh đó; Động cơ phản biện và góp ý chính sách cần khách quan và vì lợi ích chung của toàn xã hội; Gần gũi với doanh nghiệp hội viên để nói được “tiếng nói của hội viên”; Liên kết để phản biện và góp ý chính sách hiệu quả.
  • Liên kết quốc tế: Hoạt động liên kết với các tổ chức quốc tế là hoạt động được các hiệp hội thực hiện từ rất sớm trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, đặc biệt đối với các hiệp hội ngành hàng có liên quan tới xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động liên kết của hiệp hội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề: nhiều liên kết lỏng lẻo, chưa thực chất, vẫn còn mang tính hình thức, chưa đem lại lợi ích cho hiệp hội và các doanh nghiệp (DN) hội viên, việc quản lý, lên kế hoạch hay chiến lược liên kết cũng chưa được chính các hiệp hội chú trọng. Theo kinh nghiệm của nhiều hiệp hội, liên kết sẽ hiệu quả hơn nếu Liên kết quốc tế gắn với việc xây dựng hình ảnh và bảo vệ lợi ích ngành; Quan hệ quốc tế phải gắn với quan hệ về kinh tế – thương mại; Kết nối và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
  • Tiêu chuẩn ngành: Việc áp dụng và nâng cao tiêu chuẩn của ngành nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường trong nước đang dần được các hiệp hội ngành hàng quan tâm, chú trọng. Nhiều hiệp hội đã có những cách làm sáng tạo giúp việc áp dụng tiêu chuẩn của ngành thực chất và hiệu quả: Gắn việc nâng cao tiêu chuẩn ngành với hoạt động marketing cho ngành và các doanh nghiệp hội viên; Sáng tạo, linh hoạt trong việc thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn ngành; Khuyến khích các hội viên có xác nhận tiêu chuẩn chất lượng nhằm nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn chung của toàn ngành; Sử dụng nguyên tắc phát triển chuỗi giá trị nhằm nâng cao tiêu chuẩn chung của ngành.

 

Phần II của báo cáo đề xuất bộ công cụ tự đánh giá năng lực của các HHDN Việt Nam.

Nội dung bộ công cụ: Bộ công cụ tự đánh giá năng lực của các HHDN có 6 chỉ số thành phần và 50 chỉ tiêu, bao quát việc thực hiện những chức năng cơ bản của HHDN. Cụ thể bao gồm:

  1. Năng lực định hướng chiến lược;
  2. Năng lực lãnh đạo và quản trị;
  3. Năng lực tài chính và cơ sở vật chất;
  4. Năng lực phục vụ hội viên;
  5. Năng lực tham gia ý kiến và đề xuất kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật;
  6. Năng lực xây dựng và hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

Hướng dẫn sử dụng bộ công cụ: bao gồm giải thích các cấp độ đánh giá, đối tượng nào có thể sử dụng bộ công cụ, các bước áp dụng bộ công cụ.