VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in

Thứ Ba 15:28 01-06-2021

Kính gửi: Cục Xuất bản, In và Phát hành

                Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 1242/BTTTT-CXBIPH của Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của hiệp hội, có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

Về cơ bản, hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động in khá đầy đủ, các nội dung đề xuất chính sách sửa đổi đều xuất phát từ các kiến nghị thực tế về các vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị, cải cách của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, để các chính sách đề xuất thực sự phản ánh được tinh thần cải cách thủ tục hành chính, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về thủ tục đăng ký nhập khẩu thiết bị in

Theo Báo cáo đánh giá tác động thì vấn đề bất cập của việc quản lý nhập khẩu thiết bị in ở điểm nhiều cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan lãnh sự) tham gia thực hiện, “gây chồng chéo, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực in” (điểm 3.1 mục 3). Để khắc phục bất cập này, phương án đề xuất là “tập trung toàn bộ thiết bị in (bao gồm thiết bị là máy chế bản, máy in, máy gia công sau in) về một đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in, đồng thời thay đổi phương thức từ cấp phép nhập khẩu thiết bị in sang đăng ký nhập khẩu thiết bị in và thực hiện trực tuyến trên Công thông tin một cửa quốc gia, mức độ 4”.

Về vấn đề được xác định bất cập và phương án giải quyết cũng như hình thức thể hiện tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề sau:

  • Vấn đề bất cập xác định khá chính xác, tuy nhiên chưa thực sự đầy đủ. Việc doanh nghiệp phải xin giấy phép nhập khẩu thiết bị in đang tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cần phải đánh giá một cách toàn diện về tính cần thiết của cơ chế quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in.

Theo quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp nào cũng có thể được nhập khẩu thiết bị in, trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu chỉ bao gồm hai tài liệu: Đơn, Catalouge của từng thiết bị in. Như vậy, với quy định này thì không rõ mục tiêu quản lý nhà nước trong việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in là gì? Nếu chỉ để biết thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu, số lượng hàng nhập khẩu, loại hàng nhập khẩu thì cơ quan quản lý về hoạt động in có thể có được các thông tin này từ cơ quan hải quan. Các doanh nghiệp cho rằng việc cấp phép nhập khẩu cho thiết bị in là không cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung bất cập này và xem xét đưa ra phương án bỏ hoàn toàn thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in.

  • Về chuyển đổi cơ chế cấp giấy phép nhập khẩu sang đăng ký nhập khẩu thiết bị in. Đây là giải pháp được lựa chọn trong Báo cáo đánh giá tác động để nhằm mục tiêu “khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc do nhiều cơ quan cùng tham gia thực hiện việc quản lý nhập khẩu thiết bị in”. Tuy nhiên cách thức thiết kế quy định trong Dự thảo dường như chưa đạt được mục tiêu này. Bởi vì:
  • Dự thảo quy định về các loại thiết bị in phải thực hiện đăng ký nhập khẩu, trình tự, thủ tục đăng ký nhập khẩu, trong khi đó không có quy định nào liên hệ với quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg. Như vậy, với quy định này thì để nhập thiết bị in đã qua sử dụng, doanh nghiệp vẫn phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước (đăng ký nhập khẩu theo quy định của Nghị định về quản lý hoạt động in; kiểm soát về tiêu chuẩn, thực hiện giám định theo quy định của Quyết định 18/2019/QĐ-TTg). Do đó, quy định này cơ bản chưa giải quyết được vấn đề bất cập được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động;
  • Việc thay đổi từ cấp phép nhập khẩu sang đăng ký nhập khẩu nhưng trình tự, thủ tục doanh nghiệp vẫn phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đã đăng ký nhập khẩu. Hồ sơ giấy tờ, trình tự thủ tục thực hiện bằng hồ sơ giấy không thay đổi so với thủ tục cấp giấy phép hiện hành. Do đó, bản chất của thủ tục này vẫn là hoạt động cấp phép, vì vậy tính cải cách về thủ tục hành chính vẫn chưa thể hiện rõ.
  • Về quản lý đối với thiết bị sau in: Nghị định 25/2018/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu “máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in”; “máy dao cắt (xén) giấy, máy gấp sách (gấp giấy), máy đóng sách (đóng thep hoặc khâu khỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in” phải thực hiện xin giấy phép nhập khẩu – tức là, các loại hàng hóa này khi nhập khẩu được xem như loại hàng hóa thông thường, không phải cấp giấy phép. Dự thảo quy định các loại thiết bị này phải đăng ký nhập khẩu. Như vậy, so với quy định hiện hành đã quản lý chặt chẽ hơn và gia tăng thủ tục hành chính. Tại thời điểm xây dựng Nghị định 25/2018/NĐ-CP việc bỏ quy định phải cấp phép nhập khẩu cho các thiêt bị sau in trên được đánh giá là cải cách, tiến bộ, thể hiện tinh thần cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lắng nghe vướng mắc từ doanh nghiệp.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Cân nhắc phương án bỏ hoàn toàn giấy phép nhập khẩu/đăng ký nhập khẩu đối với thiết bị in;
  • Trong trường hợp có lý do thuyết phục để áp dụng cơ chế quản lý chuyên ngành đối với thiết bị in, đề nghị xây dựng thủ tục đăng ký nhập khẩu theo hướng cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ ghi nhận thông tin về đăng ký xuất khẩu mà không phải là thủ tục có tính chất cấp phép như dự kiến tại Dự thảo (doanh nghiệp không cần chờ xác nhận đăng ký từ cơ quan có thẩm quyền đã được quyền nhập khẩu thiết bị in);
  • Giữ nguyên quy định tiến bộ của Nghị định 25 về quản lý các thiết bị sau in, tức là bỏ các thiết bị “máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in”; “máy dao cắt (xén) giấy, máy gấp sách (gấp giấy), máy đóng sách (đóng thep hoặc khâu khỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in” ra khỏi thủ tục phải đăng ký nhập khẩu.
  1. Việc yêu cầu lập “sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in”

Báo cáo đánh giá tác động và Dự thảo đã đề xuất phương án quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc “sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in” theo hướng có thể bằng hình thức giấy hoặc bản điện tử (khoản 8 Điều 1 Dự thảo).

Việc Báo cáo đánh giá tác động xác định vấn đề bất cập của quy định này là tính minh bạch trong hình thức ghi sổ ghi chép dường như chưa phản ánh đầy đủ bất cập của quy định này. Theo phản ánh của doanh nghiệp thì yêu cầu doanh nghiệp phải có sổ ghi chép đầy đủ thông tin về ấn phẩm in là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bởi vì đây thuộc về hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp và nên để doanh nghiệp tự quyết về vấn đề này. Hơn nữa, doanh nghiệp cho biết trên thực tế  chưa có vụ việc vi phạm pháp luật nào được phát hiện qua việc kiểm tra sổ ghi chép, những hành vi vi phạm thường không bao giờ để lại số liệu trên sổ ghi chép.

Do đó, để tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định doanh nghiệp phải lập sổ ghi chép quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.