VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp ùn tắc tại cảng biển bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg
VCCI_Góp ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hóa chất
VCCI_Góp ý các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá
Kính gửi: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 7638/BTC-QLG của Bộ Tài chính đề nghị góp ý các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:
Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo) được xây dựng công phu, nêu bật được những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Giá 2012, qua đó đưa ra các đề xuất chính sách để khắc phục. Qua các đề xuất chính sách nêu ra trong Dự thảo, có thể thấy Luật Giá sẽ được sửa đổi một cách toàn diện. Để các chính sách được ban hành đảm bảo tính hợp lý và khắc phục được những vướng mắc, bất cập hiện hành, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
I. Mục tiêu xây dựng chính sách
Luật Giá là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là văn bản thể hiện rõ nét quan điểm của Nhà nước trong các chính sách quản lý giá.
Nguyên tắc quản lý giá thể hiện trong Luật Giá 2012 là “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”, “Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật này để bình ổn giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước”. Như vậy, nguyên tắc quản lý giá theo pháp luật giá hiện hành đã thể hiện rất rõ: tôn trọng quyền tự định giá của các chủ thể kinh doanh; Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý giá trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật nhằm hướng tới bảo vệ các lợi ích công cộng. Đây là các nguyên tắc quản lý giá hợp lý và cần được giữ trong các mục tiêu soạn chính sách sắp tới.
Các mục tiêu soạn chính sách thể hiện tại điểm 2 Mục I Dự thảo dường như chưa thể hiện rõ là các chính sách được đề xuất có đảm bảo quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nữa hay không? Các mục tiêu chính sách thể hiện trong Dự thảo phần lớn hướng đến sự quản lý về giá của Nhà nước, các yếu tố liên quan đến quyền tự định giá của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường vẫn còn thể hiện khá mờ nhạt. Điều này đưa đến sự quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp về chính sách quản lý giá của Nhà nước trong các chính sách đề xuất sắp tới. Để đảm bảo chính sách quản lý của Nhà nước trở nên nhất quán và tôn trọng sự phát triển của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung về mục tiêu của các chính sách đề xuất sửa đổi trong Dự thảo Luật Giá sắp tới phải “tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
II. Các chính sách cụ thể
- Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Theo quy định hiện hành thì Luật quy định về nguyên tắc xác định các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ này. Trong trường hợp phải điều chỉnh Danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Dự thảo đang đề xuất giao thẩm quyền quy định Danh mục chi tiết cho Chính phủ và Luật chỉ quy định nguyên tắc xây dựng danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo đánh giá tại Báo cáo thì phương án này sẽ “tăng cường tính linh hoạt, chủ động của Chính phủ khi thực hiện các giải pháp điều hành”, đồng thời “nếu triển khai phương án này thì việc xây dựng nguyên tắc về danh mục mặt hàng cần phải được nghiên cứu chi tiết, thấu đáo để đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách. Theo đó, nhiệm vụ của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và của Bộ Tài chính là giám sát chặt chẽ những nguyên tắc đã đề ra về danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá với công tác tổ chức thực hiện, phân công, phân cấp của Chính phủ cho các Bộ, ngành, địa phương”.
Nhà nước định giá các loại hàng hóa, dịch vụ là biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ chịu cơ chế quản lý giá này phải hết sức thận trọng, tránh việc xác định không chính xác các loại hàng hóa, dịch vụ và đặc biệt tránh việc lạm dụng bổ sung thêm hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục, từ đó làm “méo mó” thị trường. Việc Danh mục được ban hành tại Luật và điều chỉnh Danh mục phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ chế kiểm soát chặt chẽ để nhằm tránh việc lạm dụng việc điều chỉnh Danh mục và giảm thiểu tác động đến thị trường bởi biện pháp quản lý giá này.
Dự thảo đề xuất giao cho Chính phủ quy định Danh mục sẽ dẫn đến nguy cơ về “lạm dụng chính sách” – đây cũng là vấn đề mà Báo cáo đặt ra. Và giải pháp để ngăn chặn việc này là “xây dựng nguyên tắc về danh mục mặt hàng cần phải được nghiên cứu chi tiết, thấu đáo”. Tuy nhiên, biện pháp này dường như thực sự hiệu quả để có thể giải quyết được nguy cơ “lạm dụng chính sách” khi quy định Danh mục ở cấp dưới Luật, cụ thể:
Một trong những vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến Danh mục được nêu trong Báo cáo là tình trạng các Luật chuyên ngành, thậm chí là Nghị định, thông tư quy định thêm các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá không có trong Danh mục quy định tại Luật Giá. Điều này khiến cho việc gia tăng Danh mục khó kiểm soát. Mặc dù, đã có quy định về kiểm soát, quy trình thay đổi danh mục phải thông qua Bộ Tài chính, nhưng chưa được tuân thủ triệt để. Như vậy, nếu Danh mục quy định tại Nghị định thì tình trạng gia tăng hàng hóa, dịch vụ tại các văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ càng khó kiểm soát, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ quy định tại văn bản cấp Luật ban hành sau – văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và sẽ ưu tiên áp dụng hơn nghị định.
Việc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật sẽ hạn chế được tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành thêm các hàng hóa, dịch vụ không nằm trong Danh mục. Hiện tại, Luật Đầu tư 2020 cũng ban hành Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện – quy định tất cả các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đặt ra nguyên tắc “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Quy định về tên ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong các luật khác phải thống nhất với Điều 6 và các Phụ lục của Luật Đầu tư”. Đồng thời, pháp luật về đầy tư cũng đặt ra nguyên tắc kiểm soát việc ban hành ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo Danh mục này luôn bao quát hết được các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện hành.
Như vậy, có thể thấy, việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại văn bản bản cấp Luật có thể kiểm soát được tình trạng các văn bản pháp luật chuyên ngành khác ban hành thêm các hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục và/hoặc việc xác định tên của các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá không thống nhất – dựa trên thực tiễn của quy định tại Luật Đầu tư 2020.
Đề nghị Ban soạn thảo:
- Bổ sung nội dung đánh giá về tác động tiêu cực của đề xuất chính sách ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ ở cấp Nghị định dưới góc độ chính sách này sẽ có nguy cơ bị lạm dụng và khó kiểm soát;
- Đề xuất lựa chọn chính sách ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ Danh mục để xác định chính xác các loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần định giá, tương ứng với nguyên tắc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ này.
Góp ý tương tự đối với đề xuất chính sách về Danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá tại Chính sách 3 Dự thảo.
- Chính sách 7 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Theo đánh giá của Dự thảo, các quy định hiện hành về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang quá “mở”, khiến cho việc thành lập và cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá trở nên dễ dàng, các doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ không tốt, cạnh tranh bằng cách hạ giá dịch vụ. Loại hình công ty cổ phần không phù hợp với tính chất của hoạt động thẩm định giá.
Vì vậy, Dự thảo đề xuất chính sách:
- Nâng cao điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điều kiện về số lượng của thẩm định viên về giá từ 03 lên 05 người; các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá; điều kiện của giám đốc chi nhánh tương ứng với điều kiện của giám đốc doanh nghiệp)
- Bỏ hình thức công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá
Đối với đề xuất chính sách trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các vấn đề sau:
- Theo quy định tại Luật Giá thì thẩm định viên về giá hành nghề “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá” (điểm c khoản 1 Điều 37). Chất lượng của hoạt động thẩm định giá phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của thẩm định viên về giá.
Nếu mục tiêu chính sách hướng đến chất lượng dịch vụ của hoạt động thẩm định giá thì cần phải điều chỉnh chính sách về thẩm định viên về giá để đảm bảo năng lực của đội ngũ này, từ đó sẽ nâng cao chất lượng của báo cáo kết quả thẩm định giá cũng như chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp thẩm định giá. Việc đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với doanh nghiệp thẩm định giá (như tăng số lượng thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp, yêu cầu các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá hay đặt ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật) chưa đủ bằng chứng là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, trong khi chịu trách nhiệm cho chất lượng của Báo cáo thẩm định vẫn là cá nhân thẩm định viên về giá.
- Về loại bỏ loại hình công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá: Theo Dự thảo thì hiện nay có khoảng 46% doanh nghiệp là công ty cổ phần. Đây là số lượng doanh nghiệp khá lớn sẽ phải chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Đề xuất chính sách này tác động rất lớn đến doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy cần được đánh giá một cách thận trọng. Lý giải cho đề xuất này, Dự thảo mới chỉ đưa ra giải thích có tính lý thuyết “trách nhiệm luôn gắn với cá nhân và cả doanh nghiệp thì việc có quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần sẽ không phù hợp” mà chưa có đánh giá về thực tiễn. Luật Giá đã được triển khai và thi hành hơn 9 năm, khoảng thời gian này đủ dài để đánh giá về mức độ tác động của doanh nghiệp thẩm định giá ở loại hình công ty cổ phần đối với hoạt động thẩm định giá (liệu hoạt động của các công ty này có ảnh hưởng đến tính khách quan của các kết quả thẩm định do công ty cung cấp không? Theo lý thuyết công ty thì mô hình công ty cổ phần và TNHH cơ bản không khác biệt vì đều hoạt động dưới chế định trách nhiệm hữu hạn, cho dù công ty cổ phần có số cổ đông có thể lớn hơn (thực tiễn Việt Nam thì số cổ đông của một công ty cổ phần tương tự như TNHH, ít khi nhiều hơn 50 thành viên). Hoạt động của các công ty cổ phần thẩm định giá có những bất cập, khó khăn nào đến mức buộc phải loại bỏ loại hình doanh nghiệp này?). Dự thảo không cung cấp thông tin thực tiễn này, vì vậy lý do đưa ra đề xuất này chưa thực sự thuyết phục.
- Dự thảo đề xuất nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá thì dự kiến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại. Điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh, và quyền lựa chọn của khách hàng. Theo đánh giá tác động tại Dự thảo thì đề xuất này sẽ làm cho khách hàng “dễ dàng trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ thẩm định tốt”, nhưng nhìn ở góc độ khác thì khách hàng sẽ ít có lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá hơn so với trước đây (vì số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị ít đi) và có nguy cơ phải chịu chi phí tăng cao hơn trước đây, trong khi chất lượng chưa chắc được đảm bảo.
Tóm lại, từ những phân tích trên, các đánh giá tác động tại Dự thảo chưa đủ thuyết phục để lựa chọn phương án nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với góp ý các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.