VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
VCCI_Góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
File đính kèm
VCCI_Góp ý Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030
Kính gửi: Bộ Xây dựng
Trả lời Công văn số 4999/BXD-PTĐT ngày 03/11/2023 của Bộ Xây dựng về việc xin ý kiến góp ý và phối hợp xây dựng Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 84/QĐ-TTg), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo một số nội dung cụ thể như sau:
- Tình hình tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg
Tại Quyết định số 84/QĐ-TTg, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp được giao nhiệm vụ: “Chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch; định kỳ tổ chức đối thoại doanh nghiệp, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút và phát triển thị trường về phát triển đô thị xanh”. Kết quả cụ thể như sau:
(1) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển đô thị xanh
Sau khi Quyết định số 84/QĐ-TTg được ban hành, VCCI đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển đô thị xanh. Cụ thể trong thời gian qua, VCCI đã đăng tải khoảng 1.000 bài viết liên quan tới chủ đề đô thị tăng trưởng xanh trên các kênh truyền thông của tổ chức.[1] Trong đó, bao gồm các loạt bài thông tin, cập nhật về Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, về việc tổ chức, triển khai của chính quyền các địa phương đối với Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 84/QĐ-TTg, giới thiệu các nỗ lực phát triển đô thị xanh ở các tỉnh, thành phố, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển đô thị xanh tại Việt Nam, giới thiệu kinh nghiệm, bài học từ các nước về phát triển đô thị xanh, phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia… kiến nghị các giải pháp để thực hiện chủ trương quan trọng này.
Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển xanh, VCCI và Bộ Xây dựng và các hiệp hội, tổ chức có uy tín trong lĩnh vực bất động sản đã có sáng kiến tổ chức Chương trình bình chọn “Dự án đáng sống”, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, qua đó đóng góp chung vào cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị. Được khởi động từ năm 2019, đến nay chương trình này đã trao chứng nhận cho 120 dự án, trên tổng số 2.130 dự án đăng ký tham gia. “Dự án đáng sống” đã dần được chuyên nghiệp hóa khi xây dựng các quy trình thực hiện với 9 bước rõ ràng, minh bạch cùng một hệ thống tiêu chí đánh giá dựa trên sự tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý quy hoạch và bất động sản. Hệ thống tiêu chí đánh giá này dựa trên sự đánh giá khách quan của Hội đồng chuyên gia cùng với đông đảo cư dân dự án đô thị và các độc giả…[2]
(2) Tham gia hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Trong thời gian qua, VCCI đã tích cực tham gia quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Từ các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã tổng hợp và phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các văn bản văn bản quy phạm pháp luật… Ví dụ, trên cơ sở những ý kiến phản ánh từ VCCI về sự cần thiết của bộ chứng chỉ công trình xanh Việt Nam,[3] Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xử lý và sau đó Chính phủ đã ban hành ban hành Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó đã bổ sung một số quy định quan trọng liên quan đến công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên và công trình xanh.[4] Từ năm 2018 đến nay, VCCI đã lấy ý kiến doanh nghiệp và tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh, như: Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (ví dụ như: Nghị định 54/2021/NĐ-CP về báo cáo đánh giá tác động môi trường; Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Nghị định 08/2022/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; …); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị; dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn…
(3) Đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, kết nối mạng lưới, đối thoại chính sách về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
VCCI đã triển khai việc kết nối doanh nghiệp dưới hình thức vận hành Mạng lưới doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai tại hai vùng đang đứng trước nhiều thách thức của vấn đề này, là khu vực miền Trung và ĐBSCL. Cụ thể, VCCI đã thành lập, vận hành Mạng lưới doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và dịch bệnh khu vực miền Trung vào tháng 10/2022. Mạng lưới này tập trung vào việc triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó, khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hâụ, rủi to thiên tai và dịch bệnh cho các thành viên và cộng đồng doanh nghiệp; thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, kết nối, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hâụ, rủi to thiên tai và dịch bệnh; tập hợp nguồn lực, vận động các doanh nghiệp chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chính sách, pháp luật có liên quan; tăng cường trách nhiệm xã hội và thúc đẩy hợp tác công tư, tạo lập cơ hội, kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên.[5]
VCCI cũng đang vận hành Mạng lưới Doanh nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL (thành lập tháng 7/2021). Mạng lưới này tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng gồm nhiều bên liên quan để kết nối doanh nghiệp với các nhà khoa học và những người hoạch định chính sách trong việc xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp cho vùng; hỗ trợ thông tin, kỹ thuật về thích ứng và ứng phó BĐKH cho các doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác, tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường vai trò doanh nghiệp khi xây dựng, phản biện chính sách; đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội liên quan đến thích ứng BĐKH.[6]
VCCI đã phối hợp của Đại học Fulbright triển khai xây dựng và công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp” vào ngày 1/8/2022 tại Tp. Cần Thơ. Sự kiện này cũng là một diễn đàn đối thoại chính sách để các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế phân tích những yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế của vùng, với trọng tâm tập trung vào vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong đó có nhận diện các thách thức liên quan tới phát triển đô thị trong vùng.[7]
Để thúc đẩy sự quan tâm, triển khai của các tỉnh, thành phố đối với việc việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch về tăng trưởng xanh của Việt Nam, trong đó có nội dung đô thị tăng trưởng xanh, VCCI đã có sáng kiển triển khai Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Chỉ số Xanh cấp tỉnh do VCCI thí điểm xây dựng năm 2022 và công bố tháng 3/2023, dựa trên dữ liệu khảo sát doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường, kết hợp với một số dữ liệu thống kê do cơ quan Nhà nước đã công bố.[8] Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi: có những nỗ lực hiệu quả trong phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH); xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; và có triển khai các chính sách, chương trình cụ thể khuyến khích doanh nghiệp “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh. Từ tháng 3/2023, VCCI đã vận hành Trang thông tin về Chỉ số Xanh cấp tỉnh nhằm cung cấp dữ liệu về chất lượng quản trị môi trường địa phương và vùng cho chính quyền các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như các bên có liên quan. [9]
- Góp ý dự thảo Báo cáo sơ kết tình hình 05 năm thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg
Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, VCCI về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030. Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, để nghị Quý Bộ cân nhắc một số điểm sau:
(1) Nêu rõ những rào cản, vướng mắc về quy định pháp lý, cơ chế thực hiện và nguồn vốn đầu tư khiến việc “đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp… nhưng hiệu quả chưa rõ rệt” (mục 3.2);
(2) Xác định cụ thể các nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến “kết quả việc triển khai tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2018/TT-BXD chưa được như kỳ vọng” (mục 3.3).
(3) Bổ sung giải pháp thực hiện đối với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền các địa phương cần công khai định kỳ thông tin, kết quả thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đặc biệt là số liệu chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 của Bộ Xây dựng.
(4) Bổ sung vào Báo cáo một phụ lục các số liệu cơ bản về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ
Trên đây là báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về kết quả tình hình thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg và góp ý dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi Quý Bộ để tham khảo, tổng hợp báo cáo chung trình Chính phủ.
Trân trọng cảm ơn./.
[1] Bao gồm: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (www.diendandoanhnghiep.vn; www.vccinews.vn ) và website chính thức của VCCI: www.vcci.com.vn
[2] VietnamPlus, TTXVN, Vinh danh 19 dự án nhà ở xã hội, khu đô thị xanh đáng sống năm 2023, truy cập tại https://www.vietnamplus.vn/vinh-danh-19-du-an-nha-o-xa-hoi-khu-do-thi-xanh-dang-song-nam-2023-post895837.vnp
[3] Công văn số 10509/VPCP-CN ngày 15/12/2020 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý phản ánh của Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) về sự cần thiết co bộ chứng chỉ công trình xanh.
[4] Tạp chi Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) ngày 09/03/2021, Bước tiến mới để “định danh” công trình xanh, truy cập tại https://diendandoanhnghiep.vn/buoc-tien-moi-de-dinh-danh-cong-trinh-xanh-192818.html
[5] Báo điện tử Vietnamnet ngày 03/01/2023, VCCI Đà Nẵng ra mắt mạng lưới doanh nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, truy cập tại: https://vietnamnet.vn/vcci-da-nang-ra-mat-mang-luoi-doanh-nghiep-ung-pho-bien-doi-khi-hau-thien-tai-2097012.html
[6] Báo Đại đoàn kết online ngày 22/7/2021, Thành lập mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, truy cập tại http://daidoanket.vn/thanh-lap-mang-luoi-doanh-nghiep-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-5658714.html
[7] VCCI, Tóm tắt Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp, truy cập tại https://www.vccimekong.com.vn/vi/le-cong-bo/tom-tat-bao-cao-kinh-te-thuong-nien-dbscl-2022
[8] Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Quyết định số 3979/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2022 về việc phê duyệt và công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[9] Truy cập tại Trang thông tin Chỉ số Xanh cấp tỉnh https://www.pcivietnam.vn/pgi/ho-so-tinh