VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Thứ Tư 08:58 22-11-2023

Kính gửi:  Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 5838/BYT-AIDS ngày 14/9/2023 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Điều kiện hoạt động cơ sở điều trị thay thế

Thứ nhất, Điều 21 Dự thảo quy định điều kiện hoạt động cơ sở điều trị thay thế. Các quy định này đang được thiết kế theo hướng liệt kê tất cả các điều kiện hoạt động mà cơ sở nên/ có thể cân nhắc đến việc trang bị, chứ không phải là các điều kiện bắt buộc mà cơ sở phải có để có thể đi vào hoạt động, chẳng hạn (i) phải có các phòng như nơi tiếp đón, phòng hành chính…; (ii) phải nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên… Các điều kiện kinh doanh chỉ nên quy định những nội dung bắt buộc mà cơ sở cần phải đáp ứng trước khi đi vào hoạt động. Các nội dung bắt buộc thường là các yêu cầu mà nếu cơ sở không đáp ứng được sẽ không thể phục vụ hoạt động điều trị được. Ngoài ra các nội dung khác như liệt kê ở trên là không bắt buộc, mà tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng của cơ sở điều trị. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, sửa đổi theo hướng chỉ giữ lại các điều kiện có tính chất bắt buộc.

Góp ý tương tự với Điều 22; Điều 38, Điều 39, Điều 40 Dự thảo.

Thứ hai, Điều 21.3.a Dự thảo quy định điều kiện về nhân sự là bác sĩ có giấy chứng nhận đã đào tạo, tập huấn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Tuy nhiên, Luật và Dự thảo đều không có quy định về việc tổ chức đào tạo, tập huấn và cấp giấy chứng nhận. Đây bản chất vẫn là một thủ tục hành chính, một “giấy phép con” mà cơ sở cần đáp ứng trước khi hoạt động. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp; cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận này.

Góp ý tương tự với chứng nhận đã qua tập huấn về tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại Điều 36.1.b; chứng nhận phù hợp kỹ thuật xét nghiệm tại Điều 39.1.b Dự thảo.

Thứ ba, Điều 21.1 Dự thảo quy định các phòng trong cơ sở điều trị phải có diện tích đủ để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, không rõ như thế nào được coi là có “diện tích đủ”. Tương tự, Điều 21.3.h Dự thảo quy định việc bố trí nhân lực đảm bảo phù hợp với yêu cầu chuyên môn và quy mô của cơ sở điều trị. Không rõ cơ sở với quy mô như nào thì cần bố trí nhân lực chuyên trách hay kiêm nhiệm? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ các nội dung này.

Góp ý tương tự với Điều 38.1.b, c, Điều 38.2.a,b; Điều 39.2 Dự thảo;

  1. Thủ tục công bố lại với cơ sở điều trị

Điều 25.1 Dự thảo quy định cơ sở điều trị cần phải thực hiện thủ tục công bố lại khi có sự thay đổi, trong đó có thay đổi về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự. Quy định này là không phù hợp vì các thay đổi này có thể theo hướng bổ sung thêm (trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân sự) hoặc thay đổi (nhân sự mới). Sự thay đổi này có thể là thường xuyên, tuỳ thuộc vào nhu cầu và hạot động của cơ sở. Việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thủ tục mỗi lần như vậy là tốn kém chi phí và thời gian của cơ sở trong khi cơ sở vẫn luôn đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện hoạt động tại Điều 21. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng bỏ yêu cầu công bố lại khi có thay đổi về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, trừ trường hợp thay đổi dẫn đến việc không đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện hoạt động.

Tương tự, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ mục 3 “Thông báo cho Sở Y tế khi có bất cứ thay đổi nào đối với hồ sơ công bố đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện” tại Mẫu 09 Phụ lục Dự thảo.

  1. Thủ tục công bố lại khi hồ sơ công bố bị hư hỏng hoặc mất

Điều 26.1 Dự thảo quy định nếu hồ sơ nộp bằng phương thức điện tử bị hư hỏng hoặc mất thì doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố lại, với nội dung, trình tự, thủ tục tương tự như thủ tục công bố. Quy định này là không phù hợp vì doanh nghiệp chỉ bị mất hồ sơ, trong khi các điều kiện thực chất vẫn đáp ứng đủ. Cơ quan nhà nước cũng đã có hồ sơ được lưu trên hệ thống điện tử. Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện lại thủ tục là không cần thiết, gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Tiêu chuẩn, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng

Điều 6.3 Dự thảo giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an hướng dẫn tiêu chuẩn của người được cấp thẻ; thủ tục cấp, phát, quản lý thẻ của nhân viên tiếp cận cộng đồng. Đây có thể được coi là một thủ tục hành chính theo Điều 3.1 Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 14.4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính không được ban hành ở cấp thông tư (trừ trường hợp được giao trong luật). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định này tại Dự thảo này.

  1. Mẫu kê khai trang thiết bị

Mẫu số 11 và Mẫu số 17 Phụ lục Dự thảo về kê khai trang thiết bị, trong đó có các thông tin về model, công ty sản xuất, nước sản xuất, năm sản xuất, tình trạng sử dụng. Các thông tin này mở rộng hơn phạm vi so với các điều kiện hoạt động được quy định tại Dự thảo. Hơn nữa, việc yêu cầu doanh nghiệp kê khai các thông tin trên là không cần thiết vì các cơ sở có quyền tự do lựa chọn mua sắm trang bị thiết bị , miễn là đảm bảo các trang thiết bị đó vẫn sử dụng tốt, đáp ứng yêu cầu hoạt động. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, lược bỏ các nội dung này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.