VCCI_Góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ Tư 16:47 22-11-2023

Kính gửi:  Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 5087/BCT-CT ngày 24/8/2023 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Người có ảnh hưởng

Điều 2.1 Dự thảo đưa ra định nghĩa người có ảnh hưởng. Phương án 2 xác định các đối tượng này bao gồm (i) chuyên gia, (ii) người có uy tín, (iii) người được xã hội chú ý. Các quy định này còn tương đối chung chung, không rõ ràng, không thể định lượng được cụ thể. Doanh nghiệp và các cá nhân nhận tài trợ để quảng cáo sẽ rất khó xác định có thuộc trường hợp phải thực hiện các nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và có thể dẫn đến nguy cơ gặp rủi ro pháp lý.

Phương án 1 Dự thảo đang đi theo hướng xác định người có ảnh hưởng là người có quan hệ tài trợ với doanh nghiệp. Đây có thể là phương án khả thi và dễ xác định hơn cho cả doanh nghiệp và cá nhân nhận tài trợ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đi theo phương án này.

Tuy nhiên, để quy định này có thể dễ dàng áp dụng trong thực tế, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các khái niệm sau: (1) tài trợ: khi nào mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cá nhân được coi là quan hệ tài trợ, trong đó phân biệt giữa hoạt động khuyến mãi cho người tiêu dùng với mục đích quảng cáo (chẳng hạn: dùng thử sản phẩm/ giảm giá để đăng tải lên mạng xã hội) với hoạt động tài trợ quảng cáo; (2) kiểm soát: định nghĩa cụ thể hơn khi nào thì doanh nghiệp được coi là “kiểm soát” thông tin với cá nhân.

  1. Nền tảng số lớn

Điều 2.2 Dự thảo đưa ra khái niệm nền tảng số lớn. Quy định này được cho rằng nhằm xác định cụ thể các doanh nghiệp có trách nhiệm theo quy định của Luật. Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định về nền tảng số, và dự kiến sẽ quy định cụ thể các vấn đề liên quan trong Nghị định quy định chi tiết, trong đó có nền tảng số lớn và tiêu chí xác định. Nghị định này cũng dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/07/2024. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Việc xác định nền tảng số lớn sẽ được dẫn chiếu theo pháp luật về giao dịch điện tử.

  1. Trách nhiệm của ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại

Điều 5 Dự thảo quy định trách nhiệm của ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại, trong đó các quy định hướng đến các ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại trở thành đơn vị có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực quản lý. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

– Tính khả thi: Năng lực của doanh nghiệp vận hành chợ, khu thương mại thực sự khó đáp ứng việc các yêu cầu này, chẳng hạn như doanh nghiệp khó có thể thực hiện giải quyết tranh chấp (phán xử) giữa thương nhân với cá nhân, và hoà giải tranh chấp cần nhân sự có chuyên môn và được đào tạo bài bản về hoà giải. Hoặc doanh nghiệp cũng không có đủ thẩm quyền và năng lực để xác định chất lượng sản phẩm hàng hoá (hiện nay đang thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước). Việc duy trì các điều kiện này sẽ tạo ra gánh nặng chi phí lớn cho các doanh nghiệp;

– Tính cần thiết: pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã quy định nhiều cách thức bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của người tiêu dùng. Việc tạo ra thêm một “lớp” bảo vệ nữa có thể không thực sự cần thiết và có hiệu quả như các cách thức đang hoạt động. Hơn nữa, trong trường hợp các khu thương mại (suy đoán là siêu thị, trung tâm thương mại), các doanh nghiệp hoạt động trong các gian hàng tại khu này đều là các doanh nghiệp có thương hiệu, có cơ chế giải quyết khiếu nại với người tiêu dùng (ngay tại cửa hàng và thông qua phương thức khác) rất hiệu quả, do đó không cần thiết phải có sự can thiệp của doanh nghiệp vận hành khu.

– Không phù hợp: Điều 5.6 Dự thảo quy định doanh nghiệp định kỳ 06 tháng phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát hàng hoá trong phạm vi quản lý. Quy định này là không phù hợp vì việc thanh, kiểm tra với doanh nghiệp cần được giới hạn và chỉ thực hiện theo quy định pháp luật về thanh, kiểm tra, cụ thể chỉ diễn ra không quá 01 lần/năm theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng năm 2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại các quy định này, loại bỏ các trách nhiệm không phù hợp.

  1. Nghĩa vụ báo cáo, cung cấp dữ liệu của nền tảng số trung gian

Điều 22.2 Dự thảo quy định trách nhiệm của các nền tảng số trung gian trong việc xây dựng Báo cáo đánh giá hàng năm. Tuy nhiên, quy định là vượt quá phạm vi nội dung được giao tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

– Căn cứ nội dung theo Điều 39 Luật: Điều 39.3 Luật đã quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp vận hành nền tảng số trung gian và không giao Chính phủ quy định chi tiết thêm nội dung này. Khi đó, quy định tại Dự thảo đã vi phạm Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì vượt quá nội dung được giao.

– Căn cứ nội dung theo Điều 37 Luật: Theo tài liệu giải trình, tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo cho rằng Điều 37 Luật đã giao Chính phủ thẩm quyền này. Tuy nhiên, cách lý giải này chưa thực sự hợp lý vì Điều 37.3 Luật chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh trên mạng “có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật này, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Quy định này chỉ mang tính chất là “quy định quét”, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật liên quan, chứ khó có thể giải nghĩa rằng Luật giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định thêm các trách nhiệm khác.

Ngoài ra, quy định thêm trách nhiệm báo cáo sẽ gia tăng chi phí và thời gian của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đã phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy định tại khoản k, l Điều 39.3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Từ các phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Nghĩa vụ báo cáo của nền tảng số trung gian

Mẫu 10 Dự thảo quy định các nội dung cần báo cáo của nền tảng số trung gian. Tuy nhiên, Dự thảo đang đặt ra một số lượng lớn yêu cầu báo cáo, đặc biệt rất nhiều yêu cầu cung cấp danh sách hay danh sách chi tiết (ví dụ: tiêu chí xác định ưu tiên hiển thị sản phẩm hàng hóa, danh sách nội dung quảng cáo, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng…). Điều này là không khả thi, tạo gánh nặng vận hành cho doanh nghiệp và không rõ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, chẳng hạn:

– Số lượng người dùng, số sản phẩm, hàng hóa và số lượng giao dịch trên nền tảng thường rất lớn. Các tiêu chí ưu tiên hiển thị sản phẩm sẽ được công bố rõ ràng tại các chương trình cụ thể, có thể được điều chỉnh khác nhau với mỗi chương trình để đảm bảo tính hấp dẫn với người dùng;

– Việc cung cấp thông tin về thương nhân trên nền tảng khi có yêu cầu từ người tiêu dùng; danh sách tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, khiếu nại từ người tiêu dùng: Trong trường hợp có khiếu nại xảy ra, nếu nền tảng, người bán và người tiêu dùng giải quyết được với nhau một cách hợp lý thì việc báo cáo cho cơ quan quản lý là không cần thiết. Với những trường hợp người tiêu dùng không hài lòng với cách giải quyết của nền tảng, họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng theo quy định của Luật. Việc yêu cầu nền tảng báo cáo tới cơ quan quản lý những trường hợp như vậy không phục vụ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng;

Bên cạnh đó, Mẫu 10 còn yêu cầu doanh nghiệp xây dựng các danh sách chi tiết về số lượng, nội dung vi phạm của phản hồi, kết quả và thời điểm xử lý; danh sách hoạt động quảng cáo, nội dung và cách thức cung cấp; thời điểm, nội dung, kết quả hiển thị đánh giá ưu tiên của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (gửi kèm link); danh sách hình thức xử lý và số lượng thương nhân bị xử lý…

Các quy định này dự kiến sẽ tạo ra gánh nặng vận hành lớn cho các doanh nghiệp với các báo cáo có thể dài đến hàng trăm trang và vẫn có nguy cơ bị đánh giá là chưa đáp ứng, cần chỉnh sửa.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại Mẫu 10 và các quy định khác trong Dự thảo, loại bỏ bớt các thông tin báo cáo để phù hợp với yêu cầu quản lý và khả năng thực thi của doanh nghiệp

  1. Bộ phận chức năng đánh giá tuân thủ của nền tảng số lớn

Điều 23.1 Dự thảo quy định các nền tảng số lớn phải có bộ phận chức năng đánh giá tuân thủ. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là các doanh nghiệp phải thành lập một bộ phận riêng để thực hiện chức năng này. Việc này sẽ vượt quá phạm vi nội dung được Luật giao, đồng thời không phù hợp với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, quy định như vậy chỉ nhằm xác định bộ phận cụ thể phụ trách về vấn đề này của doanh nghiệp (bộ phận này không cần thiết phải tách riêng), và là đầu mối làm việc với cơ quan nhà nước. Trong trường hợp như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp có trách nghiệm phân công đầu mối phụ trách việc đánh giá tuân thủ theo quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ tự có trách nhiệm điều phối các bộ phận liên quan để xây dựng Báo cáo đánh giá tuân thủ phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, Điều 39.4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định nhiều thuật ngữ nhưng không có định nghĩa hoặc hướng dẫn cụ thể. Dự thảo Nghị định cũng không có thêm bất kỳ hướng dẫn thêm nào. Việc này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các khái niệm niệm “kho lưu trữ quảng cáo” và “thuật toán hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng” (và giải thích chi tiết thời hạn lưu trữ, hình thức lưu trữ và trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi kết thúc thời hạn lưu trữ); “hệ thống thuật toán” (và đánh giá việc sử dụng thuật toán bao gồm những nội dung gì); “tài khoản giả”, “trí tuệ nhân tạo”, “giải pháp tự động toàn bộ hoặc tự động một phần”.

Ngoài ra, Điều 23.1 Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải tập huấn cho nhân viên về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử và pháp luật liên quan. Quy định này được suy đoán là nhằm đảm bảo các nhân viên đều hiểu biết và có khả năng thực hiện các quy định pháp luật. Tuy nhiên, quy định này là không thực sự cần thiết. Việc tổ chức đào tạo cho nhân viên phụ thuộc vào nhu cầu và yêu cầu công việc của doanh nghiệp, miễn sao doanh nghiệp tuân thủ tốt các trách nhiệm và nghĩa vụ theo yêu cầu pháp luật. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp tuyển các nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, và việc đào tạo bắt buộc sẽ chỉ mang tính hình thức đối phó với các nhân sự này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp

Điều 25.1 Dự thảo quy định các hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các điểm sau:

– Cấm “bán hàng cho cá nhân bán hàng đa cấp khi cá nhân bán hàng đa cấp chưa bán hoặc tiêu dùng hết 80% lượng hàng hóa của lần mua gần nhất” tại Điều 25.1.d Dự thảo là không khả thi bởi doanh nghiệp không thể kiểm soát và xác thực được tỷ lệ 80% này, dẫn đến rủi ro vi phạm pháp luật, thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh;

– Các khái niệm “vượt quá nhu cầu sử dụng”, “vượt quá khả năng bán hàng” và “khối lượng lớn bất thường” tại Điều 25.1.d là những khái niệm chung chung, khó định lượng, tuỳ thuộc vào cách diễn giải, dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp cũng không có cách nào xác định được nhu cầu sử dụng cũng như khả năng bán hàng của các cá nhân bán hàng này.

  1. Trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Điều 26 Dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp, trong đó quy định trách nhiệm (i) “duy trì tỷ lệ doanh thu từ việc bán hàng hoá cho người tiêu dùng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp” và (ii) đào tạo cơ bản cho người tham gia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tham gia. Các quy định này không được quy định trong Luật, và do đó không nên được coi là quy định chi tiết Điều 45 Luật. Hơn nữa, các quy định này đã được quy định theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Nghị định 18/2023/NĐ-CP, và do đó không cần thiết phải nhắc lại các quy định này. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định này.

  1. Thông báo thu hồi trên phương tiện thông tin đại chúng

Điều 18.1.b Dự thảo quy định doanh nghiệp phải thông báo công khai về thu hồi hàng hoá khuyết tật trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử ở trung ương và địa phương nơi hàng hoá lưu thông ít nhất 05 số liên tiếp hoặc 05 ngày liên tiếp. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải đăng thông báo trên đài/báo ở cả trung ương và địa phương nơi hàng hoá lưu thông sẽ tạo gánh nặng rất lớn về chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt với các sản phẩm được bán trên toàn quốc hoặc có mạng lưới phân phối rộng, chẳng hạn nếu sản phẩm được bán trên toàn quốc thì doanh nghiệp sẽ cần đăng trên 64 tờ báo (mỗi địa phương) * 5 số liên tục. Hơn nữa, hiện nay, việc thông báo thu hồi hiện nay có thể thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau, thậm chí trực tiếp đến khách hàng hơn như thông báo trực tiếp đến khách hàng (qua số điện thoại, email…); qua ứng dụng… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thông báo trên đài/báo ở trung ương hoặc địa phương nơi hàng hoá lưu thông.

  1. Báo cáo cơ quan nhà nước việc thu hồi hàng hoá khuyết tật

Điều 19.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp thu hồi hàng hoá khuyết tật trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trở lên thì phải báo cáo các cơ quan sau: (i) Bộ công Thương; (ii) cơ quan liên quan ở trung ương; (iii) Sở Công Thương; (iv) cơ quan liên quan ở địa phương. Quy định này là chưa thực sự hợp lý, đặc biệt với các doanh nghiệp bán hàng trên toàn quốc vì số lượng cơ quan phải gửi báo cáo là rất nhiều, tạo ra gánh nặng về chi phí và nhân lực. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

Các văn bản liên quan