VCCI_Đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ Năm 17:17 17-06-2021

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 3652/BKHĐT-TH ngày 11/6/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị nghiên cứu, chuẩn bị các đề xuất chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại (sau đây gọi tắt là Đề án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy việc xây dựng và triển khai nhanh chóng và hiệu quả Đề án này là rất cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay đang có những tác động tiêu cực to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

  1. Nhận diện tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp

Nghiên cứu của VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố ngày 12/3/2021 dựa trên kết quả khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong năm vừa qua cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những khó khăn chưa từng thấy do tác động của dịch COVID-19. Có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Bên cạnh những lĩnh vực chịu tác động thấy rõ như du lịch, lưu trú, nhà hàng, doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%). Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, khi nơi thấp nhất (Bến Tre) có tới 75% và nơi cao nhất (Đà Nẵng) lên tới 98% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Thị trường nội địa bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải. Với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, thách thức lớn nhất đến từ việc thị trường nội địa bị thu hẹp, dẫn tới dòng tiền của doanh nghiệp sụt giảm (47%), khó tiếp cận khách hàng trong nước (44%), khó duy trì lực lượng lao động (38%) và gián đoạn chuỗi cung ứng (34%). Khối doanh nghiệp FDI chủ yếu gặp khó khăn về tiếp cận thị trường quốc tế (50%), sụt giảm dòng tiền (42%) và gián đoạn chuỗi cung ứng (42%) và ảnh hưởng về lực lượng lao động (35%). 

Do tác động của dịch COVID-19, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%. Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn. Những khó khăn về thị trường và doanh thu đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động và cắt giảm chi phí. Tính đến cuối tháng 12/2020, gần một phần ba số doanh nghiệp trả lời khảo sát đã phải cho người lao động nghỉ việc. Với những doanh nghiệp có cung cấp thông tin về quy mô lao động và số lượng lao động đã phải cho nghỉ việc, ước tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, với các doanh nghiệp FDI, con số này là khoảng 17%. Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có tỷ lệ lao động phải cho nghỉ việc trong tổng số lao động cao nhất, cả ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Cụ thể, những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%.[1]

Đặc biệt, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như Tp. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn. Tại hội nghị trực tuyến “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28/5/2021 với sự tham gia của hàng chục hiệp hội doanh nghiệp tham gia, tính toán nhanh từ các Hiệp hội ngành hàng cho thấy, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc có thể sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh,… kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc. Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn. Nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản doanh nghiệp sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, với các doanh nghiệp FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút khỏi thị trường. Trường hợp đó sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề về thất nghiệp, gánh nặng chi an sinh xã hội của Nhà nước sẽ gia tăng đáng kể.

  1. Đề xuất một số giải pháp

2.1 Những giải pháp có thể ban hành, thực hiện ngay

(1) Hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo sản xuất liên tục

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành, đặc biệt là Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, đã được triển khai và góp phần hiệu quả cho việc kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, những diễn biến mới của làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đã làm xuất hiện những vấn đề liên quan tới cách thức áp dụng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, chính quyền một số tỉnh, thành phố đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 5/6/2021 về áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố “không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch”.

Do tình hình mới của dịch COVID-19, Việt Nam cần chuyển mạnh sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất liên tục an toàn. Theo đó, đề nghị nhanh chóng ban hành quy định pháp luật một cách thống nhất dựa trên thực tiễn triển khai Chỉ thị 15, 16 và 19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch khác với tiêu chí đánh giá cụ thể theo mức độ rủi ro của tình hình dịch để tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc áp dụng cũng như phối hợp với các địa phương khác. Quy định này cần đặt trọng tâm vào các chính sách, giải pháp đảm bảo sản xuất liên tục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để từ đó góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ. Việc hệ thống hoá và quy định chi tiết các biện pháp áp dụng như trên cũng cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

(2) Rà soát và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19 cũng như sụt giảm dòng tiền, thị trường bị thu hẹp, song đồng thời cũng đang đứng trước áp lực của việc gia tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh do việc áp dụng một số quy định mới.

Ví dụ, theo Nghị định 10/2010/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các loại ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Ngày 1/7/2021 là hạn cuối các loại xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera. Tuy nhiên, doanh nghiệp lo lắng vì chi phí tăng cao trong khi Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này. Quy định này đang có sự trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau. Mặt khác, bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn.

Hoặc tại địa phương thì phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM sẽ chính thức thu từ 1/7/2021. Mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container. Với số lượng hàng hóa của năm 2019 hơn 170 triệu tấn thì dự kiến TPHCM thu hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Cảng Cát Lái là nơi đầu tiên triển khai thu phí từ tháng 7.2021, sau đó tháng 8 sẽ thu phí ở tất cả cảng còn lại tại thành phố. Mặc dù việc thu phí để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lo lắng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức thu kể trên sẽ làm chi phí xuất nhập khẩu tăng lên, nhất là với những doanh nghiệp mở tờ khai ngoài Tp.HCM.[2]

Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19, những quy định tương tự như trên cần được xem xét cẩn trọng và lùi thời hạn áp dụng. Đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần đánh giá tác động của quy định, tránh gia tăng chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

(3) Rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container

Phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy chi phí logistic có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. Ví dụ:

  • Giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Southamton (Anh) đầu năm 2020: 1.600 USD/ container; tháng 12/2020: 5.000 USD/ container, đến tháng 5/2021: 9.100 USD/ container;
  • Giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Hoa Kỳ) đầu năm 2020: 1.800 USD/ container; tháng 12/2020: 4.000 USD/ container; đến tháng 5/2021: 8.000 USD/ container.
  • Giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Jacksonville (Hoa Kỳ) đầu năm 2020: 3.900 USD/ container; tháng 12/2020: 7.000 USD/ container; đến tháng 5/2021: 12.000 USD/ container.

Mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container, do tình trạng được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến. Theo phản ánh của doanh nghiệp, muốn thuê container cũng phải đặt trước 1 tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được container. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.

Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày)/chuyến gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí các doanh nghiệp đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê container tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu trả cước cao hơn. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3/2021 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.

Việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lần đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp đồng thời làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng, đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển do không thuê được cont. vận chuyển.

Với các yếu tố trên đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và, không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.

Do dịch bệnh Covid 19, các doanh nghiệp đã rất khó khăn mới ký được các đơn hàng nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê cont. tăng quá cao và doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thuê được container hàng để xuất nhập hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao và không xuất khẩu được hàng hóa.

Do vậy, đề nghị thành lập Tổ Công tác của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container. Tổ Công tác này cần làm việc chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các cảng biển, các hãng tàu… để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.

(4) Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA

Hiện tại tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương đối thấp, và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020). Các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn. Tỷ lệ kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan FTA thậm chí còn thấp hơn rất nhiều với một số FTA (từ 1% đến 8% như AIFTA, AJCEP-VJEPA, VCFTA, VKFTA, năm 2018). Lý do chủ yếu của tình trạng này được cho là do:

  • Doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, hoặc có thắc mắc cần tư vấn về cách thức đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nhưng không tìm được đầu mối để có câu trả lời kịp thời, chính xác;
  • Một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tận dụng
  • Ngôn ngữ trong các Thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA tương tự ngôn ngữ trong cam kết FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công Thương (chủ thể duy nhất ở Việt Nam có đủ chuyên môn để giải thích chính xác và có hiệu lực)

Nếu tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan FTA, hàng hóa Việt Nam có thể tăng thêm lợi thế đáng kể trong cạnh tranh với hàng hóa từ các đối thủ khác chưa có FTA ở nhiều thị trường đối tác, từ đó gia tăng lượng xuất khẩu.

Do vậy, kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay Tổ Công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA với nhiệm vụ (i) tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ (QTXX) cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; và (ii) xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA. Theo đó, thông tin liên lạc của Tổ Công tác được công bố công khai, rộng rãi để các doanh nghiệp đều biết và có thể tiếp cận trực tiếp và chính xác đầu mối. Đối với hoạt động tư vấn: (i) Tổ Công tác về Quy tắc xuất xứ tiếp nhận câu hỏi của doanh nghiệp, trả lời/phản hồi để trao đổi cụ thể hơn cho doanh nghiệp trong thời hạn ngắn (1-3 ngày); (ii) Các kết quả tư vấn của Tổ Tư vấn được công khai ẩn danh để các doanh nghiệp khác có thể tham khảo (ví dụ trên một chuyên mục riêng tại Cổng thông tin về FTA của Bộ Công Thương fta.moit.gov.vn và Cổng thông tin của Bộ Công Thương moit.gov.vn). Đối với hoạt động chính sách: (i) Tổ Công tác tổng hợp các vấn đề bất cập về chính sách liên quan tới QTXX của các FTA, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Công Thương để có quyết định điều chỉnh chính thức kịp thời; (ii) Đối với các vướng mắc trong thực thi tại các đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ, Tổ Công tác trực tiếp xử lý trong thời hạn 1-3 ngày kể từ ngày nhận được thông tin.

(5) Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19:

Các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Đối với các chính sách đã ban hành, đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19. Đề nghị có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh như du lịch, dịch vụ: cho phép cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, thuế. Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này. Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

(6) Cải cách hành chính một cách thực chất, giảm phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp:

Một số lĩnh vực thủ tục hành chính vẫn khiến doanh nghiệp tốn kém nhiều thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh trong ngành nông nghiệp như thủ tục công bố hợp quy trong khi đó họ có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO và CFS, các qui định về hàng chế biến thủy sản phải kiểm dịch, vv. Do vậy, đề nghị các bộ, ngành và các địa phương cần cải cách hành chính một cách thực chất, giảm phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp

  • Những giải pháp căn cơ, dài hạn

(1) Ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường kiểm soát dịch Covid-19: 

Ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 là hai mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 nhằm tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế và doanh nghiệp tăng trưởng. Thực tế diễn ra trong năm 2020 là bài học cho nền kinh tế toàn cầu, việc nhận thức không đầy đủ mức độ nguy hiểm dẫn đến sự chủ quan trong kiểm soát, phòng chống dịch đã khiến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả những nền kinh tế phát triển rơi vào vòng xoáy suy thoái với quy mô và cường độ lớn hơn so với các cuộc suy thoái do yếu tố kinh tế thuần túy gây ra, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp.

(2) Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp.

Sau thời gian tạo được sự chuyển biến, dường như tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại so với khu vực và thế giới, hơn nữa, một số chỉ số có diễn biến tụt hậu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang dồn nguồn lực để thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện “bình thường mới”. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ tiếp dành sự quan tâm, nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thiết thực, thông qua việc rà soát các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa đến tối đa các thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, loại bỏ rào cản bất hợp lý, xây dựng niềm tin kinh doanh trong người dân và trong doanh nghiệp, …, góp phần giảm chi phí kinh doanh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

(3) Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài

Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao. Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.

(4) Triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ

Tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế chứng nhận xuất xứ hiện đại, đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước. Cơ chế này cho phép loại bỏ thủ tục xin chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền, qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội. Tự chứng nhận xuất xứ vì vậy cũng được xem là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong một số FTA gần đây, Việt Nam đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam. Hiện trên thực tế ngoại trừ 5-6 doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA), Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào.

Việc bảo lưu chưa thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo FTA được cho là cần thiết để các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam liên quan có đủ thời gian để nâng cao năng lực, làm quen với cơ chế tự chịu trách nhiệm… Cách tiếp cận thận trong này là phù hợp trong thời gian trước đây, khi chỉ có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ và vì vậy chưa kiểm chứng được tác động thực tế.

Tuy nhiên, từ 2020, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi EU theo GSP đã triển khai tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của EU (hệ thống REX). Kết quả thực tế cho thấy doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ này, và cũng không có bất cập nào lớn, mang tính hệ thống, được nhận diện trong thời gian qua. Như vậy, rõ ràng việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu theo các FTA ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, mặc dù trong cơ chế mới này, trách nhiệm của doanh nghiệp được nhấn mạnh và yêu cầu cao hơn, cần lưu ý rằng ngay cả với cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp để làm bằng chứng về xuất xứ, cơ quan cấp chứng nhận cũng chỉ xem xét hồ sơ chứng từ do doanh nghiệp cung cấp là chủ yếu.

Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu để trình Chính phủ quyết định triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo các FTA ngay trong giai đoạn 2022-2024, cụ thể: (i) Triển khai cơ chế tự chứng nhận trong CPTPP sớm hơn thời hạn 2024/2029 mà Việt Nam bảo lưu theo cam kết; (ii) Triển khai cơ chế tự chứng nhận trong EVFTA, UKVFTA đồng thời với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP.

(5) Thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics cho xuất nhập khẩu, đặc biệt là với nông thủy sản

Chi phí logistics nội địa chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm (30% giá thành nông sản, 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ…) ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Lợi thế thuế quan theo các FTA thậm chí không đủ để bù đắp chi phí logistics gia tăng. Trong một vài năm trở lại đây, bất cập này đã được nhận diện rất rõ ràng, nhiều sáng kiến, gợi ý đã được đưa ra. Tuy nhiên, tình hình chưa có cải thiện, các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý Nhà nước (đặc biệt ở địa phương) vẫn tiếp tục nêu những bất cập vốn đã được đề cập từ các năm trước[3].

Các giải pháp về logistics, đặc biệt là hạ tầng logistics (chung và theo đặc điểm từng ngành hàng, từng địa bàn), đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ Nhà nước và sự tham gia đồng thời của nhiều Bộ ngành, các địa phương liên quan. Các đề xuất hành động và việc triển khai phải được xem xét bởi cơ quan có thẩm quyền đủ mạnh.

Do vậy, đề nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics với chức năng chủ yếu: (i) Rà soát thực tế, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định/trình cơ quan có thẩm quyền quyết định về các biện pháp cụ thể giải quyết các vấn đề về hạ tầng logistics; (ii) Đầu mối phối hợp các Bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể đã được cấp có thẩm quyền quyết định, thúc đẩy giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Phạm vi ưu tiên của Tổ Công tác này cần tập trung vào:(i) Lĩnh vực: Hạ tầng logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản; (ii) Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam (đồng bằng sông Cửu Long)

Bên cạnh một số giải pháp nêu trên, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm một số giải pháp dưới đây:  

– Xây dựng các chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.

– Có chính sách tập trung phát triển kinh tế số như Thương mại điện tử, Fintech và logistics để tạo sức đột phá mới cho phát triển nền kinh tế Việt Nam cho giai đoạn hiện nay.

– Tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo cho lao động, đặc biệt là những chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số.

– Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn. Do vậy, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025.  Các Quỹ Phát triển DNNVV và Quỹ BLTD cho DNNVV cần nghiên cứu việc có những chính sách hỗ trợ DNNVV linh hoạt hơn.

– Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh rất nặng nề nhưng vẫn phải kinh doanh với các chi phí đầu vào rất cao so với tất cả các nước trong khu vực. Đề nghị chính phủ có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp để giảm những chi phí này như chi phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, các chi phí về các thủ tục hành chính. Đề nghị tiếp tục thúc đẩy thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, và các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính như giãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí công đoàn; … Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí SXKD cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng giảm như: (1) Điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ NSNN; (2) Điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào theo hướng giảm cho doanh nghiệp (giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất; …); (3) Điều chỉnh giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; …

– Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt là một kiến nghị giải pháp đáng được Chính phủ quan tâm, bởi các dự án này khi được vận hành có vai trò dẫn dắt, thu hút doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau có thể tham gia thực hiện trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cũng như tiếp cận tài chính do dịch Covid-19.

– Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu và và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Cần có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc (ví dụ: có thể tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm theo tuần. Có thể liên kết một số sàn TMĐT để cùng thực hiện hoạt động này). Cần có sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung.

– Cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình, và bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để đi tới trong tương lai…

Trên đây là một số đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc tổng hợp và hoàn thiện Dự thảo Đề án.

Trân trọng cảm ơn./.

[1] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020, ngày 12/3/2021, toàn văn báo cáo truy cập tại website Xây dựng pháp luật của VCCI: http://vibonline.com.vn/bao-cao-tac-dong-cua-dich-benh-covid-19-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam-mot-phat-hien-chinh-tu-dieu-tra.html

[2] Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tp.HCM tăng thu phí hạ tầng cảng biển, doanh nghiệp ngoại tỉnh kêu cứu, ngày 03/5/2021, truy cập tại: https://vneconomy.vn/tp-hcm-tang-thu-phi-ha-tang-cang-bien-doanh-nghiep-ngoai-tinh-keu-cuu.htm

[3] Báo Pháp luật Việt Nam, Giải quyết “bài toán” logistics để mở đường cho nông sản Việt, ngày 9/4/2021, truy cập tại https://baophapluat.vn/giai-quyet-bai-toan-logistics-de-mo-duong-cho-nong-san-viet-post388528.html

Các văn bản liên quan